Nông nghiệp "chuyển mình" sau 5 năm tái cơ cấu
Sau 5 năm tái cơ cấu, những kết quả đạt được của ngành nông nghiệp là tiền đề cho tái cơ cấu nền kinh tế, đưa nông nghiệp từ trụ đỡ trở thành ngành kinh tế chủ lực của đất nước.
Báo cáo tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp sáng ngày 10/11, Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Công Tuấn cho biết, trong 5 năm qua, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã đạt được những kết quả và tác động lớn.
Cụ thể, Đề án đã góp phần tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và trong toàn xã hội về sự cần thiết phải cơ cấu lại nền nông nghiệp nhằm khắc phục những giới hạn của nền nông nghiệp kinh tế hộ, quy mô nhỏ với những yếu kém nội tại để nâng cao khả năng cạnh tranh hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng và biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, nâng cao đời sống của người dân nông thôn, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả.
Đặc biệt, Đề án đã góp phần đổi mới phù hợp và hiệu quả hơn hệ thống thể chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều quy định pháp luật, cơ chế chính sách phù hợp với cơ chế thị trường, tạo thuận lợi thúc đẩy cơ cấu lại nông nghiệp; tháo gỡ một bước nút thắt về đất đai, đầu tư, tín dụng, liên kết hợp tác, bảo hiểm, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo…
“Các công ty nông, lâm nghiệp được sắp xếp, đổi mới hoạt động, nâng cao hiệu quả; thu hút doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, vì doanh nghiệp đã khẳng định là nhân tố nòng cốt trong chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh nông sản”, Thứ trưởng khẳng định.
Sau 5 năm thực hiện, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, cơ cấu nông nghiệp đã chuyển sang nền nông nghiệp cạnh tranh quốc tế, sản xuất theo lợi thế và nhu cầu thị trường. Cùng với đó, chuyển sản xuất nông nghiệp từ lấy số lượng làm mục tiêu phấn đấu, sang chất lượng và giá trị gia tăng, chuyển từ khai thác tài nguyên và lao động giá rẻ sang ứng dụng khoa học công nghệ và quản trị tiến bộ; đổi mới các hình thức sản xuất, hợp tác, liên kết chuỗi giá trị; đồng thời sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ tạo sự phát triển đột phá ở nhiều địa phương, cơ cấu lại nông nghiệp đạt được tiến bộ cả 3 mục tiêu cốt lõi về kinh tế, xã hội, môi trường.
“Nhờ đó, năng suất lao động nông nghiệp tăng 6,67%/năm, năm 2017 đạt 35,5 triệu đồng/lao động, gần gấp đôi mục tiêu đề ra. Thu nhập và mức sống của cư dân nông thôn được cải thiện, thu nhập của hộ gia đình nông thôn đạt khoảng 130 triệu đồng, gấp 1,71 lần so với năm 2012 và gấp 3,5 lần so với năm 2008, vượt mục tiêu đề ra. An ninh lương thực được bảo đảm, an ninh dinh dưỡng được cải thiện. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đến tháng 10.2018 đạt 40%”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết.
Trong khi đó, thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản được mở rộng, tăng nhanh tỷ trọng sản phẩm chất lượng cao, có lợi thế. Cụ thể, theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, nông lâm thủy sản sản Việt Nam hiện đã xuất khẩu đến gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu 5 năm đạt 157,49 tỷ USD, tăng 51,2% so với giai đoạn trước. Dự kiến năm 2018 sẽ đạt khoảng 40 tỷ USD, 10 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó 5 mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD.
“Tỷ trọng nông sản chế biến, có lợi thế, tăng cao như rau, quả tăng từ 3% lên 9,59%. Hạt điều tăng từ 5,4% lên 9,63%, đồ gỗ và lâm sản tăng từ 18% lên 22%, thủy sản tăng từ 22,4% lên 23%. Năng lực cạnh tranh, uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam tiếp tục được nâng cao trên trường quốc tế”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp là "đầu tàu" trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp
19:56, 09/11/2018
5 năm tái cơ cấu ngành: Nông nghiệp khẳng định vai trò trụ đỡ nền kinh tế
07:14, 09/11/2018
Thủ tục kiểm tra chuyên ngành lĩnh vực nông nghiệp: "Một người có bệnh, bắt cả làng đi tiêm"
06:20, 03/11/2018
Từ năm 2013, Đề án tái cơ cấu nông nghiệp đã góp phần quan trọng vào công tác chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, chuyển mạnh từ ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng sang trọng tâm phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống của nông dân. Đến hết tháng 10/2018, cả nước có 3.597 xã (40,3%) đạt chuẩn và có 55 đơn vị cấp huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. Nhờ vậy, cơ cấu kinh tế nông thôn tiếp tục chuyển đổi theo hướng tăng nhanh công nghiệp, dịch vụ nông nghiệp phát triển mạnh và được xã hội hóa. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 14,1% năm 2012 xuống 8% năm 2017.
Nhờ có Đề án, khoa học công nghệ được ứng dụng rộng rãi hơn, đóng góp trên 30% giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp. Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đã tăng làm thay đổi tập quán canh tác và nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế nông nghiệp. "Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, an toàn được triển khai mạnh mẽ. Trong 5 năm qua, có 214 giống cây trồng mới, 15 giống thủy sản, 58 giống lâm nghiệp và 103 kỹ thuật tiến bộ được công nhận và đưa vào sản xuất, 808 tiêu chuẩn và 209 quy chuẩn kỹ thuật được ban hành và áp dụng hiệu quả", Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết.
Bên cạnh đó, cơ cấu đầu tư công trong nông nghiệp đã được điều chỉnh theo các mục tiêu ưu tiên, chấm dứt dàn trải, nâng cao hiệu quả. Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đầu tư nâng cấp và từng bước hiện đại hóa, phục vụ ngày càng tốt hơn cho sản xuất, đời sống dân sinh, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hàng chục công trình thủy lợi, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và cảng cá được hoàn thành, đưa vào hoạt động và đang phát huy hiệu quả.
Ngoài ra, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm được tăng cường, đồng hành, đối thoại cùng các doanh nghiệp. Theo đó, Bộ NN&PTNT rà soát các thủ tục hành chính; bãi bỏ, đơn giản hóa 287 thủ tục (56,5%); 241/345 điều kiện đầu tư kinh doanh, (69,8 %) 35/64 TTHC liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, (54,6%); danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành trước thông quan xuất nhập khẩu cắt giảm từ 7.698còn 1.800 (76,6%).