Tái cơ cấu nông nghiệp: Thay đổi “tư duy quy ra thóc”

Thy Hằng 10/11/2018 09:46

Từ tư duy ''quy ra thóc" tập trung vào cây lúa nước, ngành nông nghiệp đã chuyển đổi sang các cây trồng hiệu quả như cây công nghiệp, ăn quả, dự kiến xuất khẩu nông sản năm 2018 đạt 40 tỷ USD.

 5 năm vừa qua chúng ta đã giảm được 200.000 ha lúa để chuyển sang trồng các cây trồng khác có hiệu quả hơn, nhất là cây ăn quả

5 năm tái cơ cấu, 200.000 ha lúa đã được giảm để chuyển sang trồng các cây trồng khác có hiệu quả hơn, nhất là cây ăn quả.

Mạnh dạn chuyển đổi diện tích lúa

Trước đó, Nghị quyết Trung ương 7 khoá X về “tam nông” nhấn mạnh vào giữ và duy trì quỹ đất trồng lúa. Tuy nhiên sau đó, Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” được ra đời, đã mạnh dạn thay đổi tư duy này.

Cụ thể, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, tư duy làm nông nghiệp trước đây của chúng ta là phải đảm bảo an ninh lương thực trước tiên, nên Quốc hội mới ra Nghị quyết giữ 3,812 triệu ha đất trồng lúa nước.

“Trong 5 năm vừa qua, chúng ta đã giảm được 200.000 ha lúa để chuyển sang trồng các cây trồng khác có hiệu quả hơn, nhất là cây ăn quả. Tuy giảm về diện tích trồng lúa nhưng năng suất, chất lượng vẫn tăng lên nhờ vào việc chúng ta đã đưa vào sản xuất các bộ giống lúa mới. Vì thế, quan điểm bây giờ là, không nhất thiết phải ôm khư khư 3,8 triệu ha đất trồng lúa, mà có thể linh hoạt chuyển đổi sao cho hiệu quả, nhưng vẫn đảm bảo và giữ vững an ninh lương thực”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

Như vậy, từ cây trồng truyền thống như lúa nước, các tỉnh chạy đua theo sản lượng lúa để lấy thành tích thì nay đã chuyển đổi sang các loại cây trồng khác có hiệu quả. Rõ ràng, quá trình 5 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp vừa qua đã thay đổi hẳn tư duy ''quy ra thóc".

Có cùng quan điểm về bước chuyển mình này, trao đổi với DĐDN, Chuyên gia kinh tế chính sách nông nghiệp Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp, nông thôn cho biết: “Thay đổi quan trọng nhất trong thời gian qua là thay đổi cơ cấu sản xuất, trong đó nổi bật là thay đổi, linh hoạt diện tích đất lúa”.

Có thể bạn quan tâm

  • Nông nghiệp

    Nông nghiệp "chuyển mình" sau 5 năm tái cơ cấu

    09:13, 10/11/2018

  • 5 năm tái cơ cấu ngành: Nông nghiệp khẳng định vai trò trụ đỡ nền kinh tế

    5 năm tái cơ cấu ngành: Nông nghiệp khẳng định vai trò trụ đỡ nền kinh tế

    07:14, 09/11/2018

  • Thủ tục kiểm tra chuyên ngành lĩnh vực nông nghiệp:

    Thủ tục kiểm tra chuyên ngành lĩnh vực nông nghiệp: "Một người có bệnh, bắt cả làng đi tiêm"

    06:20, 03/11/2018

  • Doanh nghiệp là

    Doanh nghiệp là "đầu tàu" trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp

    19:56, 09/11/2018

 Ba trục sản phẩm mang về 40 tỷ USD

Theo Chuyên gia Đặng Kim Sơn, nhờ bước chuyển đó, hiện nay thuỷ sản đã tăng rất mạnh, cây ăn quả trở thành mũi nhọn lớn, cây công nghiệp tiếp tục giữ được thế mạnh. 

“Do đó, phải khẳng định tái cơ cấu sản xuất là bước chuyển thành công đầu tiên của Nghị quyết Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đưa nông nghiệp thành “trụ đỡ” của nền kinh tế”, ông Sơn nhấn mạnh.

Cụ thể, xuất khẩu rau quả ngày càng tăng và đạt mốc kỷ lục trên 3 tỷ USD. Sau 5 năm, giá trị tăng thêm trồng trọt tăng 7,8%, thu nhập bình quân trên 1 ha canh tác tăng 4,8%; riêng cây ăn quả đóng góp cho tăng trưởng trồng trọt từ 12% lên 32%; cây công nghiệp từ 27% lên 43%.

Hiện nay ngành nông nghiệp có 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ USD trở lên; trong số đó có tới 5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu 3 tỷ USD trở lên. Riêng lâm nghiệp năm 2018 có khả năng xuất khẩu đạt 9 tỷ USD và là ngành có giá trị xuất siêu lớn nhất toàn ngành nông nghiệp. 

“Hiện chúng tôi đã xây dựng được vùng nguyên liệu gỗ ổn định, tăng cường cấp chứng chỉ rừng. Vì thế, mặc dù trong 3 năm qua đã đóng cửa hoàn toàn việc khai thác rừng tự nhiên, song con số xuất khẩu vẫn tăng đều hàng năm từ 10% trở lên và là ngành có mức tăng lớn nhất cùng với ngành thủy sản”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

Đối với ngành thủy sản, nhờ ứng dụng các tiến bộ vào sản xuất nên sản lượng nuôi trồng ngày càng tăng, cùng với đó là khâu đánh bắt hải sản cũng đã có những chuyển biến từ đánh bắt nhiều sang tăng cường bảo quản, chế biến để đạt giá trị cao hơn.

Mục tiêu từ nay đến năm 2020, Bộ NN&PTNT sẽ tiến hành rà soát quy hoạch, chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất theo lợi thế và nhu cầu thị trường để phân loại thành 3 trục sản phẩm, với mục tiêu xuất khẩu năm 2018 là 40 tỷ USD. Thứ nhất, với nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia là những sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu từ 1,0 tỷ USD trở lên, tiến hành rà soát quy hoạch, chiến lược và xây dựng vùng sản xuất tập trung.

Thứ hai, với nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, các địa phương căn cứ lợi thế và nhu cầu thị trường, lựa chọn nhóm sản phẩm này để quy hoạch và đầu tư theo hướng như đối với sản phẩm quốc gia nhưng quy mô cấp địa phương.

Thứ ba, với nhóm sản phẩm là đặc sản địa phương, có quy mô nhỏ, gắn với chỉ dẫn địa lý cụ thể, sẽ được xây dựng và phát triển cùng với xây dựng nông thôn mới ở huyện, xã theo mô hình “Mỗi làng, xã một sản phẩm”.

Thy Hằng