Giai đoạn mới trong liên kết kinh tế của Việt Nam

Thy Hằng 18/11/2018 09:26

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, việc phê chuẩn CPTPP và hướng tới ký kết, phê chuẩn EVFTA, liên kết kinh tế của Việt Nam thực sự chuyển sang giai đoạn mới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Đối thoại của các nhà lãnh đạo APEC với lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Đối thoại của các nhà lãnh đạo APEC với lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương. Ảnh: TTXVN

Cụ thể, nổi bật là tạo động lực để Việt Nam đẩy mạnh cải cách thể chế, tái cơ cấu nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh, mở rộng không gian liên kết kinh tế và phát triển, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và chuỗi sản xuất toàn cầu.

Phát biểu với đại diện cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực tại cuộc Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo APEC với Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc Quốc hội Việt Nam thông qua Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với tỷ lệ 100% đại biểu có mặt khẳng định Việt Nam quyết tâm tiếp tục đổi mới toàn diện, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, ủng hộ thương mại và đầu tư tự do và mở, dựa trên luật lệ và theo tiêu chuẩn cao. 

Có thể bạn quan tâm

  • Dệt may không thể “đủng đỉnh” trước CPTPP

    11:00, 15/11/2018

  • Cơ hội cho dòng vốn FDI chất lượng vào Việt Nam hậu thông qua CPTPP

    02:57, 14/11/2018

  • CPTPP và "nỗi lo" phụ thuộc nguyên liệu từ ngoại khối

    07:23, 13/11/2018

  • Canada vẫn trăn trở về CPTPP

    04:30, 13/11/2018

  • Việt Nam trở thành quốc gia thứ 7 thông qua CPTPP

    15:42, 12/11/2018

  • Gia nhập CPTPP: Việt Nam cần chủ động, phát huy hết các cơ hội

    05:18, 12/11/2018

  • CPTPP và… Giấy phép con!

    10:08, 05/11/2018

  • CPTPP: Nhiều thách thức bên cạnh các ưu đãi “vàng”

    10:02, 05/11/2018

CPTPP đem lại nhiều lợi ích to lớn về chiến lược và kinh tế đối với các thành viên, trong đó có Việt Nam.

Nổi bật là tạo động lực để Việt Nam đẩy mạnh cải cách thể chế, tái cơ cấu nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh, mở rộng không gian liên kết kinh tế và phát triển, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và chuỗi sản xuất toàn cầu.

Trước đó, ngày 12/11, Quốc hội đã chính thức thông qua CPTPP cùng các văn kiện liên quan với tỷ lệ tán thành 100%.

Theo báo cáo thuyết minh của Chính phủ, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tổng kim ngạch nhập khẩu cũng có thể tăng thêm 3,8% thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi.

Ngoài ra, việc có quan hệ FTA với các nước CPTPP sẽ giúp cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, từ đó nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế. Việt Nam cũng có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng hình thành sau khi CPTPP có hiệu lực, là điều kiện quan trọng để nâng cao trình độ phát triển nền kinh tế, từ đó có thể tham gia vào các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn.

Chính phủ cũng đánh giá CPTPP sẽ tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xóa đói giảm nghèo. Theo kết quả nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, CPTPP có thể giúp tổng số việc làm tăng bình quân mỗi năm khoảng 20.000 - 26.000; dự kiến sẽ giúp giảm 0,6 triệu người nghèo (ở mức chuẩn nghèo 5,5 USD/ngày).

Tuy nhiên, CPTPP cũng đặt ra nhiều thách thức với Việt Nam, nhất là về áp lực cạnh tranh quyết liệt ngay tại thị trường trong nước, yêu cầu phải xử lý nhiều vấn đề mới, gia tăng khả năng dễ bị tổn thương trước những biến động của kinh tế thế giới và khu vực cũng như các vấn đề xã hội như bất bình đẳng, chênh lệch khoảng cách phát triển, mất việc làm... 

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, với việc phê chuẩn CPTPP, hướng tới ký kết và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Việt Nam sẽ tham gia mạng lưới 16 hiệp định thương mại tự do với gần 60 đối tác, chiếm 61% GDP và 68% tổng thương mại toàn cầu, liên kết kinh tế của Việt Nam thực sự chuyển sang giai đoạn mới, đem lại lợi ích to lớn cho cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực.

Trong trao đổi với các doanh nghiệp về sự chuẩn bị của Việt Nam cho phát triển kinh tế số, Thủ tướng khẳng định Việt Nam đang tích cực chuẩn bị hạ tầng cho kinh tế số, cụ thể là xây dựng hạ tầng công nghệ hiện đại, chuyển đổi số mạnh mẽ, xây dựng Chính phủ điện tử, các thành phố thông minh...

Về pháp lý, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách quan trọng để tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế số. Chia sẻ những cơ hội và thách thức đặt ra với Việt Nam trong nền kinh tế số, Thủ tướng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực và ABAC tích cực đóng góp về chính sách, tăng cường đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm để Việt Nam phát triển mạnh nền kinh tế số, phục vụ lợi ích thiết thực của các doanh nghiệp. 

Thy Hằng