Thiếu hụt nhân lực ngành du lịch khiến doanh nghiệp phải “vơ bèo gạt tép”
Sự thiếu hụt nhân lực của ngành du lịch khiến nhiều doanh nghiệp phải nhắm mắt "vơ bèo gạt tép" hoặc tự bỏ chi phí lớn cho hoạt động tự đào tạo.
Theo ông Phạm Hồng Dũng - Phó Tổng GĐ Tập đoàn Mường Thanh cho biết, với 60 khách sạn, tập đoàn này có tới 16.000 nhân viên. “Có thời điểm, chúng tôi mở liền 12 khách sạn, nhu cầu nhân lực rất lớn. Do đó, để tuyển dụng lực lượng lao động là điều vô cùng khó khăn, có lúc có thể nói phải “vơ bèo gạt tép” để tìm được nhân sự", ông Dũng chia sẻ.
Năng suất nhân sự du lịch chưa bằng một nửa Thái Lan
Thậm chí, theo đại diện của Mường Thanh, tập đoàn phải tự đào tạo nhân lực bằng nguồn nhân sự cao cấp đến từ nhiều khách sạn quốc tế có kinh nghiệm.
"Thực tế chúng tôi vấp phải là những nhân sự mới ra trường, chưa có kinh nghiệm, còn tồn tại một số yếu điểm như kén chọn, thiếu tính kiên nhẫn, nhiệt huyết nhưng lại không muốn làm những công việc phổ thông, điều này rất khó để phát triển nguồn nhân lực", Phó TGĐ Mường Thanh nói.
Trên thực tế, đây là thực trạng của ngành du lịch từ nhiều năm nay. Không chỉ thiếu hụt nhân lực chất lượng, nhân lực phổ thông cũng là điểm nghẽn của ngành. Nói như ông Nguyễn Thành Nam - Hiệu trưởng Đại học Trực tuyến FUNiX: “Ở Hội An thiếu nhất là người dọn phòng”.
Điều này cho thấy, tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch đang ở mức cao nhưng đáp ứng về nhân lực lại chưa tương xứng. Theo ông Nam, các trường đại học hầu như không đào tạo người dọn phòng có thể đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ nhu cầu của khách du lịch.
Phân tích cụ thể hơn, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển Đại học Fulbright Việt Nam, Năm 2000, tổng doanh thu ngành du lịch chỉ có 1,23 tỷ USD và tăng lên 22,71 tỷ USD vào năm 2017. Nếu nhìn vào con số thì đây có thể là tăng trưởng ấn tượng, nhưng nếu lấy giá trị ngành du lịch tạo ra chia cho tổng lao động thì tăng trưởng năng suất khá thấp.
Không chỉ so với các nước, năng suất lao động du lịch thậm chí còn thấp hơn so với nhiều ngành kinh tế khác của Việt Nam, chỉ cao hơn lao động phổ thông.
Cụ thể, Giám đốc Phát triển Đại học Fulbright Việt Nam so sánh, năng suất lao động của Việt Nam bằng 45% so với Malaysia và 40% so với Thái Lan. Ông cũng đưa ra các bất cập trong đào tạo nguồn nhân lực tại Việt Nam.
Cụ thể, yêu cầu của thị trường cần kiến thức tổng quát, ngoại ngữ, kỹ năng mềm, tính chuyên nghiệp và thái độ làm việc, năng lực quản lý, lãnh đạo, đào tạo chất lượng đối với các kỹ năng chuyên môn hóa cao.
Trong khi đó, các chương trình đào tạo về cử nhân du lịch, tổ chức sự kiện, vận hành tour... đang đi vào các phân ngành hẹp, thiên về nghiệp vụ. Thậm chí, thiếu gắn kết giữa chương trình đào tạo tạo với tiêu chuẩn nghề du lịch, thiếu đào tạo thực tiễn.
Cùng với đó, dự báo thời gian tới tốc độ tăng trưởng của ngành đạt từ 25 - 35%/năm và theo kế hoạch đến năm 2020, "ngành công nghiệp không khói" của Việt Nam cần khoảng trên 2 triệu lao động chất lượng cao, chưa kể hàng nghìn lao động lĩnh vực du lịch tàu biển.
Đào tạo nhân lực online
Do đó, ông Nguyễn Xuân Thành kiến nghị, hai chương trình đào tạo chính dành cho ngành du lịch là tập trung vào các chương trình đào tạo sau khi chuẩn bị ra nhập ngành du lịch và sử dụng nền tảng công nghệ Open Digital Platform.
Có thể bạn quan tâm
Nhiều quốc gia mong muốn tốc độ tăng trưởng 30% của du lịch Việt Nam
16:20, 05/12/2018
Thủ tướng Chính phủ thông qua Đề án Tái cơ cấu ngành Du lịch
14:20, 05/12/2018
Việt Nam có thể trở thành một cường quốc du lịch của thế giới?
10:00, 05/12/2018
Cụ thể, chương trình thứ nhất cần tập trung chuyển đổi một cách có hệ thống vào lực lượng lao động du lịch dựa trên các tiêu chuẩn nghề du lịch VN (VTOS). Theo đó, tăng cường các kỹ năng và kiến thức thiết thực cho các nhóm ngành du lịch. Tiếp thu kinh nghiệm làm việc thực tiễn dưới sự hướng dẫn của những chuyên gia/ cố vấn trong ngành.
Ở chương trình thứ hai, theo ông Xuân Thành, một trong những cách để tăng hiệu quả và cũng là xu hướng chung trong đào tạo hiện nay là sử dụng nền tảng công nghệ để đưa vào giáo dục và phát triển nguồn nhân lực - tạo một Digital Platform mang tính mở.
“Nên kết hợp với các cơ sở doanh nghiệp để cùng xây dựng một Open Digital Flatform như một trung tâm phát triển nguồn nhân lực trực tuyến, uy tín và có thể tổ chức ở nhiều cấp độ từ lãnh đạo quản lý trở xuống”, ông Thành nhấn mạnh.
Có cùng quan điểm về việc nâng cao chất lượng và số lượng nhân lực ngành du lịch dựa trên nền tảng của cuộc cách mạng số, Hiệu trưởng Đại học Trực tuyến FUNiX kiến nghị, Việt Nam có hạ tầng Internet tốt nhất thế giới, người Việt ham học hỏi nhưng chúng ta lại coi nó là thấp kém. "Tổng cục du lịch sẽ có đột phá nếu công nhận các chứng chỉ đào tạo trên mạng", ông Nguyễn Thành Nam nói.