"Cởi trói" visa tạo đột phá cho du lịch Việt

Thy Hằng 06/12/2018 05:13

Visa được đánh giá là chìa khoá vàng để mở "nút thắt cổ chai" cho du lịch Việt, do đó, những chính sách về miễn visa cần được cởi mở tạo sức hút hơn nữa cho "ngành công nghiệp không khói".

Sáng nay (ngày 6/12), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sẽ chủ trì phiên toàn thể của Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam 2018 (Travel & Tourism Submit 2018) tại Hà Nội.

Theo đó, các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà quản lý sẽ cùng đưa ra những kiến nghị giải pháp để đưa du lịch Việt Nam lên một tầm cao mới, phát triển theo hướng bền vững, đồng thời thu hút hơn nữa đầu tư vào du lịch Việt Nam.

Số quốc gia được miễn visa thấp

Hiện nay, mặc dù được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn với mức tăng trưởng 30% trong suốt 3 năm qua, tuy nhiên, thực trạng của ngành du lịch vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” cần tháo gỡ để thực sự bứt phá. Bên cạnh các vấn đề về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực cũng như đa dạng hoá sản phẩm, thì vấn đề thị thực (visa) cũng được coi là một tồn tại cần được “cởi trói” của ngành.

Visa được đánh giá là chìa khoá vàng để mở

Visa được đánh giá là chìa khoá vàng để mở "nút thắt cổ chai" cho du lịch Việt.

Theo ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch Công ty Cổ phần HG, điều đầu tiên du lịch Việt Nam cần hành động là vấn đề visa. "Điều này đã nói rất nhiều nhưng cách giải quyết rất chậm. Tên miền cấp visa rất phức tạp, nhiều khách nước ngoài không vào được trang web. Thậm chí có lần Tổng lãnh sự Mỹ gặp trực tiếp tôi nói nhiều khách không vào đúng trang của Cục xuất nhập cảnh, thậm chí bị lừa", ông Minh Đức chia sẻ.

Có cùng quan điểm, TS Lương Hoài Nam,  Phó Tổng Giám đốc VietStar Airlines, vốn là người đã nhiều lần nêu quan điểm về vấn đề visa của Việt Nam nhận định, không những không nên tăng phí mà cần phải mở rộng đối tượng miễn visa.

Ông cho rằng bất cập của visa không phải là mức phí, mà nó là minh chứng cho độ cởi mở của chính sách du lịch. 

"Tôi từng đi nói chuyện với rất nhiều người giàu Mỹ từ triệu phú đến tỷ phú, quảng bá cho du lịch Việt Nam. Thế nhưng họ trả lời nếu Việt Nam tốt như vậy mà phải cần visa để vào", ông Nam kể. Theo ông, cần cởi trói visa vào Việt Nam, nếu muốn thu hút khách nhà giàu nhiều tiền phải giải quyết vấn đề visa.  

Trên thực tế, chính sách về cấp hay miễn visa của Việt Nam vẫn được đánh giá là còn nhiều hạn chế. Báo cáo vừa được công bố của Nhóm công tác Du lịch của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2018 cũng cho thấy, trong khối ASEAN, số lượng các quốc gia được miễn thị thực của Việt Nam chỉ đứng trên Lào, Campuchia, Myanmar và bị bỏ rất xa bởi những cái tên khác.

Có thể bạn quan tâm

  • Thiếu hụt nhân lực ngành du lịch khiến doanh nghiệp phải “vơ bèo gạt tép”

    Thiếu hụt nhân lực ngành du lịch khiến doanh nghiệp phải “vơ bèo gạt tép”

    17:38, 05/12/2018

  • Nhiều quốc gia mong muốn tốc độ tăng trưởng 30% của du lịch Việt Nam

    Nhiều quốc gia mong muốn tốc độ tăng trưởng 30% của du lịch Việt Nam

    16:20, 05/12/2018

  • Thủ tướng Chính phủ thông qua Đề án Tái cơ cấu ngành Du lịch

    Thủ tướng Chính phủ thông qua Đề án Tái cơ cấu ngành Du lịch

    14:20, 05/12/2018

  • Việt Nam có thể trở thành một cường quốc du lịch của thế giới?

    Việt Nam có thể trở thành một cường quốc du lịch của thế giới?

    10:00, 05/12/2018

Trong khi các du khách đến từ 24 quốc gia được miễn thị thực khi vào Việt Nam, con số này của Brunei là 54, Thái Lan là 55 và có thành viên ASEAN thậm chí đạt trên 150.

Cũng phải thẳng thắn rằng, trong nhiều năm, tại các thời điểm xin gia hạn chính sách visa, các doanh nghiệp đều như “nằm trên đống lửa”.

Nới room chính sách về visa

Do đó, ông Colin Pine, trưởng Nhóm công tác du lịch của VBF đề xuất xin tăng thời gian cho phép lưu trú lên 30 ngày đối với khách du lịch được miễn thị thực. Ngoài ra, ông cho rằng các điều kiện về tái nhập cảnh trong vòng 30 ngày nên được loại bỏ. "Khuyến nghị này sẽ giúp thu hút được các du khách từ xa như châu Âu", ông Colin Pine nói.

Ông Colin Pine cũng khuyến nghị việc miễn thị thực nên được thực hiện với hiệu lực trong nhiều năm, cụ thể là 5, thay vì gia hạn hàng năm nhằm thúc đẩy ngành phát triển.

Đồng quan điểm, ông Olivier Muehlstein - CEO BCG Singapore cho rằng: "Để hút khách và cạnh tranh với các nước trong khu vực, chính sách visa rất quan trọng. Nhiều nước trong khu vực không hạn chế visa. Do đó, chính sách này cần được cải thiện".

Thậm chí, còn có ý kiến khẳng định, Việt Nam chỉ cần tinh chỉnh một chút sẽ đạt hiệu quả ngắn hạn rất nhanh, như miễn visa, hay miễn 15-30 ngày, tinh chỉnh tên miền và quảng cáo tên miền.

Trong khi đó, trao đổi với DĐDN, ông Trần Tuấn Anh, Phó Giám đốc công ty Vietravel Hà Nội kiến nghị, ngay cả với việc miễn visa, Chính phủ cũng cần có quyết định và thông báo sớm hơn về việc miễn Visa cho các nước trước thời điểm hết hạn để khách du lịch lựa chọn Việt Nam là điểm đến.

Thy Hằng