Việt Nam cần chi “mạnh tay” hơn cho xây dựng thương hiệu du lịch
Trong khi Australia, Anh, Thái Lan, Malaysia... chi tiêu nhiều vào hoạt động quảng bá với hàng chục hoặc hàng trăm triệu USD, thì Việt Nam mới dành khoảng 2 triệu USD quảng bá cho ngành du lịch.
Chia sẻ tại Diễn đàn cấp cao Du lịch Việt Nam 2018, ông John Lindquist - thành viên Hội đồng cơ quan Du lịch Vương quốc Anh nhận định, du lịch Việt Nam có nhiều tiềm năng, tăng trưởng nhanh và đã đạt được nhiều thành tựu nhưng khó khăn là làm sao để đưa ngành công nghiệp không khói lên tầm cao mới.
Du khách chi tiêu “tiết kiệm” khi ở Việt Nam
Trên thực tế, ngành du lịch Việt đang sở hữu hai bức tranh trái ngược. Một bên là mảng màu tươi sáng với tốc độ tăng trưởng mà nhiều quốc gia thèm muốn - 30% mỗi năm. Bên kia là màu tối khi nhiều công ty du lịch không dám đưa khách đến một số địa điểm nóng, các nhà điều hành khách sạn phải "vơ bèo gạt tép" để săn nhân sự và cả ngành hàng không 43 năm chỉ có thêm 2 sân bay mới...
Nói như ông Trương Gia Bình - Trưởng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế Tư nhân: “Ngành du lịch tăng trưởng 2 lần trong nhiều năm qua đóng góp 7,5% GDP và đóng góp gián tiếp 22,5% GDP. Nhưng chúng ta cũng thấy sự lo lắng trong những năm tiếp theo. Vấn đề cơ sở hạ tầng nền tảng nếu không thay đổi thì chúng ta đã đến ngưỡng giới hạn".
Điều này dẫn tới tình trạng, khách quốc tế đến Việt Nam mặc dù thời gian lưu trú mức 9,5 ngày, tương đương với Thái Lan nhưng số tiền chi tiêu của khách đến Việt Nam chỉ là 96 USD mỗi ngày, còn ở Thái Lan con số này lên đến 163 USD.
“Trung bình lượng chi tiêu cho mỗi chuyến đi, người Nhật Bản chi hơn 1.500 USD cho mỗi chuyến đi trong khi Việt Nam chỉ hơn 900 USD. Về số lượng, chúng ta đã phấn đấu bằng Thái Lan nhưng lượng chi tiêu phải phấn đấu nhiều hơn”, ông John Lindquist nhấn mạnh.
Sau khi so sánh các con số, ông John Lindquist cho rằng, xây dựng các hình thức để khách du lịch chi tiêu nhiều hơn là cần thiết.
Dẫn dắt từ câu chuyện của Nhật Bản, thành viên Hội đồng cơ quan Du lịch Vương quốc Anh cho biết, trong một thập kỷ qua, Nhật Bản đã đưa ra nhiều chính sách như tăng công suất sân bay, nới lỏng visa, tăng ngân sách cho du lịch. Theo ông, Việt Nam có thể đi theo hướng này.
Bên cạnh đó, ông John Lindquist chỉ ra Việt Nam có chính sách thị thực thấp nhất với các nước trong khu vực và cho rằng nếu có sự nới lỏng visa hơn nữa sẽ có thể tạo cú hích về du lịch trong tương lai. Cụ thể, theo tính toán, khi Việt Nam miễn Visa cho Anh, Italia thì tổng lượng khách đến tăng 20%.
Nguồn tài chính ổn định cho phát triển thương hiệu du lịch
Đặc biệt, vị chuyên gia này nhận định, nếu Việt Nam muốn xây dựng thương hiệu du lịch cần đầu tư hơn. “Khi nhìn vào các thương hiệu du lịch đã duy trì bền vững qua hàng thế kỷ, ta có thể thấy điều cần thiết là nguồn tài chính ổn định", vị này nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
"Cởi trói" visa tạo đột phá cho du lịch Việt
05:13, 06/12/2018
Thiếu hụt nhân lực ngành du lịch khiến doanh nghiệp phải “vơ bèo gạt tép”
17:38, 05/12/2018
Nhiều quốc gia mong muốn tốc độ tăng trưởng 30% của du lịch Việt Nam
16:20, 05/12/2018
Thực tế hiện nay, trong khi Australia, Anh, hay các nước khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia... chi tiêu nhiều vào hoạt động quảng bá với hàng chục hoặc hàng trăm triệu USD. Thì Việt Nam mới dành khoảng 2 triệu USD quảng bá cho ngành du lịch. Do đó, theo ông cần tăng tỷ lệ đầu tư. “Du lịch là sản phẩm tiêu dùng cần cung cấp nhiều lựa chọn cho du khách. Ngoài nguồn tiền, nhiều nước còn có quỹ phát triển du lịch và quỹ quảng cáo”, ông John Lindquist khẳng định.
Theo đó, Việt Nam có thể quảng bá thương hiệu thông qua các chiến dịch rộng rãi hơn. Ông John Lindquist lấy ví dụ tại Anh, Chính phủ dùng thông điệp "Great - vĩ đại" nhất quán tại nhiều lĩnh vực, thể hiện cho một quốc gia.
Theo vị chuyên gia này, một thương hiệu sẽ giúp nâng cao nhận thức nhưng cần định hướng giá trị rõ ràng với từng nhóm du khách. Vị này dẫn ví dụ từ Dubai - điểm đến mà ông cho rằng "cực kỳ thành công". Bởi họ xác định thương hiệu cho toàn quốc gia có 3 trụ cột, gồm: mua sắm, sang trọng, nghỉ dưỡng - giải trí.
Tại Malaysia họ thành công trong cả thập kỷ cũng nhờ 4 trụ cột là đa dạng văn hóa, sang trọng, niềm vui gia đình và phiêu lưu với thiên nhiên. “Họ nhắm đến từng đối tượng khách chuyên biệt, ít du khách nhưng mức chi tiêu cao. Có thương hiệu tổng thể sau đó xác định các trụ cột. Việt Nam cần định hướng giá trị cho du khách tiềm năng của mình", ông John Lindquist kiến nghị.