Thị trường bia Việt và "cuộc chạy trốn" của các doanh nghiệp nội
Trên thị trường bia Việt, các "ông lớn" ngoại quốc vẫn đang nắm giữ thị phần chính, trong khi các doanh nghiệp Việt kẻ thì xóa sổ hoặc bán mình, người vẫn đang loay hoay tìm chỗ đứng ngay trên đất mẹ.
Cuộc thống lĩnh của các đại gia ngoại
Khi Sabeco về tay người Thái và Carlsberg đang đẩy nhanh việc trở thành cổ đông chi phối tại Habeco, điều này càng chứng tỏ các "ông lớn" nước ngoài đang tiếp tục vươn lên mạnh mẽ trong khi chỗ đứng của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường bia trong nước ngày càng chật hẹp.
Cách đây không lâu, tại Hội nghị Tầm nhìn 2020 của ThaiBev, ông Neo Gim Siong Bennett, Tổng giám đốc Sabeco cho biết: Sabeco dưới "triều đại" Thaibev có thể sẽ là một quân bài chiến lược giúp tập đoàn này cán đích mục tiêu 50% doanh thu ở nước ngoài đến năm 2020. Theo báo cáo của tập đoàn này, doanh số năm 2017 của hãng là 8,7 tỷ USD trong đó 60% đến từ thị trường Thái Lan, 36% đến từ các nước ASEAN khác.
ThaiBev cho rằng thương hiệu bia đến từ Việt Nam đủ mạnh để khai thác cả thị trường Đông Dương và Myanmar trong kế hoạch của họ. Thực tế cũng cho thấy, chỉ riêng việc mua lại 53,39% vốn tại Sabeco đã đủ khiến thị phần của Thaibev ở khu vực ASEAN tăng từ 23% lên 26%, theo Bangkok Post. Trước thương vụ này, hãng bia Thái chưa có bất kỳ sản phẩm hay thương hiệu nào tại thị trường Việt.
Việc gia tăng thị phần trong khu vực ASEAN của ThaiBev, thực chất đến từ thị phần mà Sabeco đang nắm giữ tại Việt Nam. Sabeco hiện nắm giữ thị phần lớn nhất, với 42,2%. Điều này đồng nghĩa đại gia Thái Lan đang thực sự sở hữu hơn 22% lợi ích tại thị trường bia Việt, vốn có sức tiêu thụ cao nhất khu vực, và thứ 3 ở châu Á, chỉ sau Nhật và Trung Quốc.
Với Heineken, thông qua 4 thương hiệu bia chính gồm Heineken, Tiger, Larue và Amstel hãng bia này đang sở hữu gần 22% thị phần tiêu thụ bia tại thị trường Việt (2017). Đặc biệt, Heineken gần như thống lĩnh phân khúc cao cấp với khoảng 67% thị phần, trong đó 40% thuộc về thương hiệu Tiger và 27% thuộc về thương hiệu Heineken. Hiện hãng này sở hữu 5 nhà máy, trong đó 3 tại miền Nam và 2 nhà máy tại miền Trung, đây cũng là 2 thị trường trọng điểm của công ty này.
Riêng với trường hợp của Carlsberg, sau khi thâu tóm toàn bộ lợi ích tại nhà máy bia Huế, hãng bia đến từ Đan Mạch này đang đứng thứ 4 thị trường với 9,7% thị phần tiêu thụ. Theo tiết lộ từ công ty, mỗi khách hàng của hãng này tiêu thụ tới 34,5 lít bia/năm chỉ tại thị trường Việt. Đơn vị này hiện cũng đang sở hữu thị phần tiêu thụ bia lớn thứ 3 trong nước với gần 22%. Nếu tính theo tỷ lệ sở hữu của Carlsberg tại đây, hãng bia Đan Mạch đang ngầm sở hữu thêm gần 4% lợi ích trong thị trường bia Việt.
Đáng chú ý hơn, kể từ sau khi trở thành cổ đông chiến lược tại Habeco, hãng này luôn thể hiện mong muốn nâng tỷ lệ sở hữu tại đây lên trên 51%. Lãnh đạo hãng này cũng đang ráo riết làm việc với Bộ Công Thương để sớm thúc đẩy thương vụ thoái vốn này.
Nếu Carlsberg chính thức trở thành cổ đông chi phối hoạt động tại Habeco thì điều này đồng nghĩa với việc miếng bánh ngọt sẽ giao cả về tay các doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp Việt sẽ mất dần đường đua trên thị trường bia nội địa.
Doanh nghiệp nội loay hoay
Trước những thay đổi lớn của thị trường bia Việt như vậy, các doanh nghiệp nội địa không thể không để tâm đến xu hướng này mà suy nghĩ tìm một hướng đi mới cho mình nếu không muốn bị "hất cẳng" thực sự. Thực tế cho thấy, phần lớn thị phần kinh doanh đã chuyển cả vào tay các đại gia nước ngoài, những thương hiệu bia Việt đang dần vắng bóng. Đáng ngại hơn, nhiều đơn vị muốn tìm đồng mình để vực dậy và tìm chỗ đứng thì sau một thời gian hợp tác đều đã "bán mình" cho doanh nghiệp ngoại quốc.
Có thể bạn quan tâm
Thị trường bia Việt: Ngon nhưng... khó xơi
04:43, 22/05/2018
Nhiều đại gia ngoại "nhòm ngó", thị trường bia Việt sẽ chia lại như thế nào?
05:00, 02/08/2017
Tỷ phú Thái đang "nhắm" thị trường bia Việt Nam là ai?
06:00, 19/06/2017
Sẽ có sóng lớn trên thị trường bia
07:12, 05/12/2015
Một ví dụ nhãn tiền chính là Sapporo. Sau khi mua lại 29% cổ phần của Vinataba tại Công ty Sapporo Việt Nam vào năm 2015, doanh nghiệp này chính thức trở thành công ty 100% vốn của Sapporo International Inc (Nhật Bản). Lãnh đạo công ty này từng tiết lộ tuy chưa có lãi tại thị trường Việt Nam nhưng công ty đang tích cực tập trung đầu tư xây dựng thương hiệu, hiện đứng thứ 3 tại thị trường TP.HCM, chỉ sau Sabeco và Heineken. Theo thống kê của Eurominitor, hãng bia Nhật này đang sở hữu khoảng 1,7% thị phần tiêu thụ bia trong nước vào năm 2017.
Thêm một ví dụ điển hình khác là những bước đi của Carlsberg tại thị trường Việt. Tuy đơn vị này gia nhập thị trường từ việc liên doanh với đối tác Việt thành lập Công ty TNHH Bia Huế, chủ sở hữu thương hiệu Huda từ năm 1994. Thế nhưng, chỉ sau gần 2 thập kỷ hoạt động dưới dạng công ty liên doanh, cuối 2011, Carlsberg đã chính thức chi 1.875 tỷ đồng mua lại 50% phần vốn còn lại từ UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, qua đó chính thức thâu tóm 100% lợi ích của bia Huda trên thị trường tiêu thụ bia của Huế.
Vẫn còn nhiều câu chuyện đầu tư và mua lại khác nữa, nhưng với 2 ví dụ trên cũng đủ cho thấy sức ép cạnh tranh từ các đại gia ngoại quốc đối với các doanh nghiệp Việt đang lớn đến mức nào. Hiện nay, thị trường Việt Nam cũng xuất hiện một số thương hiệu bia 100% vốn trong nước nhưng số lượng quá ít ỏi và chưa đủ sức để chen vào cuộc chơi đó.
Từng tư vấn cho nhiều hãng bia tại Việt Nam, Chuyên gia kinh tế Võ Văn Quang cho rằng, cạnh tranh trên thị trường bia rất khắc nghiệt nên DN rất dễ chết, ngay cả những thương hiệu lớn trên thế giới cũng khó tồn tại ở Việt Nam nếu làm thị trường hời hợt và không quyết tâm, tạo hình ảnh chất lượng kém trong mắt người tiêu dùng.
"Thắng thua trong ngành bia phụ thuộc vào bí quyết marketing chứ không hẳn do vấn đề tài chính, công thức sản phẩm. Các DN giành giật thị phần ở cả kênh truyền thông lẫn nhà hàng, quán nhậu nhưng hơn nhau ở việc định vị đúng phân khúc, xây dựng thương hiệu đúng đẳng cấp khách hàng" - chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang nhấn mạnh.
Các chuyên gia đánh giá, thị trường bia Việt sẽ có thêm những gương mặt mới gia nhập thị trường, ngược lại bia Việt sẽ đi ra thế giới nhiều hơn. Người tiêu dùng Việt Nam đang chi nhiều hơn cho phân khúc bia cao cấp, dần chọn bia thay thế cho rượu vang nên bia của Hà Lan, Bỉ, Đức, Đan Mạch… sẽ "vào" nhiều hơn. Muốn "hốt bạc" ở thị trường bia, các DN không có lựa chọn nào khác ngoài việc cần phải tư duy tìm ra một hướng đi khác biệt và đủ sức mạnh để phá vỡ những rào cản lớn trước mắt. Cùng với đó là việc đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng đẳng cấp thương hiệu - bài toán không dễ kể cả với những tay chơi lớn.