Hoà Bình phải góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm đồ gỗ và nội thất của thế giới
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, với 112.800 ha đất chưa có rừng, Hòa Bình phải phát triển lâm nghiệp gắn với chế biến gỗ xuất khẩu, đưa Việt Nam thành trung tâm đồ gỗ và nội thất của thế giới.
Làm việc với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình sáng ngày 11/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá tỉnh miền núi phía Tây Bắc này có lợi thế nằm trong vùng Thủ đô để có bước tiến mới trong điều kiện mới.
Doanh nghiệp phản ánh bị đối xử bất bình đẳng
Theo đó, Thủ tướng đánh giá cao những kết quả Hòa Bình đạt được thời gian qua như phát triển toàn diện, tốc độ cao, cơ cấu chuyển dịch tích cực. Tuy nhiên, Người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn đánh giá, tỉnh có quy mô sản xuất kinh doanh nội địa còn nhỏ.
“Nội lực kinh tế và năng lực cạnh tranh của tỉnh còn thấp. Hầu hết doanh nghiệp tư nhân của tỉnh có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Hòa Bình có nhiều cố gắng vượt thu trong năm nay, rất đáng mừng nhưng mới đáp ứng được 30% nhu cầu chi”, Thủ tướng cho biết.
Cụ thể, theo báo cáo từ tỉnh Hòa Bình, năm nay, tốc độ tăng trưởng của tỉnh đứng thứ 19 cả nước (8,36%) còn tỷ lệ hộ nghèo cao thứ 12 (còn 14,9%). So sánh với 6 tỉnh vùng Tây Bắc, Hòa Bình có 4 chỉ tiêu đứng thứ nhất gồm so xã và đơn vị cấp huyện đạt tiêu chí nông thôn mới, số dự án và vốn đầu tư FDI, cơ cấu kinh tế công nghiệp- xây dựng, tỷ lệ hộ nghèo. Hoà Bình cũng có 3 chỉ tiêu đứng thứ 2 về tốc độ tăng trưỏng, GRDP bình quân đầu người và kim ngạch xuất, nhập khẩu và 1 chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước đứng thứ 3.
Tuy nhiên, tỉnh có 2 chỉ tiêu phát triển kinh tế không đạt chỉ tiêu kế hoạch. Diễn biến bất thường của thời tiết đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi và đời sống của nhân dân trong tỉnh. Công tác quản lý đất đai còn một số hạn chế, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép còn xảy ra.
Đặc biệt, hiện chỉ số PCI của tỉnh Hoà Bình thường xuyên nằm ở nhóm sau trong 63 tỉnh, thành phố, năm qua, chỉ xếp hạng 52/63 địa phương.
Đồng thời, theo Thủ tướng, doanh nghiệp Hòa Bình vẫn còn phản ánh về tình trạng đối xử bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, có 49% doanh nghiệp cho rằng tỉnh ưu tiên thu hút FDI hơn là phát triển khu vực tư nhân. Bên cạnh đó, 63% phản ánh tỉnh ưu đãi doanh nghiệp lớn hơn là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tập trung những lĩnh vực có thế mạnh
Do đó, Thủ tướng cho rằng, tỉnh cần tập trung vào một số lĩnh vực như du lịch, xây dựng Hòa Bình thành tỉnh du lịch thực sự bởi có nhiều tiềm năng và lợi thế.
Có thể bạn quan tâm
Thủy điện Hòa Bình: Công trình thủy điện chiến lược đa mục tiêu
05:54, 12/11/2018
Sập hầm vàng ở Hòa Bình: Chính quyền địa phương có “làm ngơ”?
13:07, 06/11/2018
Nhìn nhận hiện nay Hòa Bình chưa có đơn vị lữ hành mạnh, quảng bá giới thiệu, nối các tour tuyến, chưa có sản phẩm đặc sắc, Thủ tướng góp ý, tỉnh phải làm sao để du khách tới Hòa Bình “phải mua gì về, tay xách nách mang từ Hòa Bình về”.
Cùng với đó, tỉnh phải phát triển nông lâm nghiệp chế biến, ứng dụng công nghệ cao. Theo Người đứng đầu Chính phủ: "Hòa Bình phải là những cánh rừng cam bạt ngàn. Phải phát triển lâm nghiệp gắn với chế biến gỗ xuất khẩu, một tiềm năng rất lớn khi mà đất chưa có rừng lên tới hơn 112.800 ha, có khả năng cung cấp đến hơn 400.000 m3 gỗ hàng năm. Qua đó, góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm đồ gỗ và nội thất của thế giới".
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sạch, hữu cơ để cung ứng cho vùng Thủ đô cũng như hướng về xuất khẩu.
Để đạt được, tỉnh cần có quy hoạch tầm cỡ để không mâu thuẫn và triệt tiêu lẫn nhau trong phát triển. Phải thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng, chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị để mở rộng khả năng tiếp cận thị trường.
“Những khu vực như là Khu công nghệ cao Hòa Lạc, đô thị Phù Cát, Miếu Môn, Đại học Quốc gia, Làng văn hóa dân tộc… là một cực để hỗ trợ cho Hòa Bình phát triển thời gian đến”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng yêu cầu Hòa Bình khắc phục những tồn tại trong điều hành, tiếp thu những vấn đề mà các thành viên đoàn công tác nêu, nhất là về chỉ số cạnh tranh. Đồng thời, cần chuẩn bị tâm thế quyết liệt, tinh thần tiến công trong tổ chức thực hiện nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, đặc biệt Nghị quyết 01 của Chính phủ về các biện pháp chỉ đạo, điều hành kinh tế xã hội năm 2019.