5 nhiệm vụ trọng tâm phát triển Hội Nông dân Việt Nam

Thy Hằng 12/12/2018 10:00

Sáng 11/12 tại Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội nông dân Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018 - 2023 khai mạc phiên trọng thể.

Với chủ đề "Dân chủ - Đoàn kết - Đổi mới - Hội nhập - Phát triển”, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII có sự tham gia của 999 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 10 triệu hội viên nông dân trên cả nước.

Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII

Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII Với chủ đề "Dân chủ - Đoàn kết - Đổi mới - Hội nhập - Phát triển”. Ảnh: Như Ý

Còn nhiều khó khăn thách thức

Trong diễn văn khai mạc Đại hội, ông Lều Vũ Điều, Phó Chủ tịch Thường trực Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khoá VI nhấn mạnh, trong thời gian qua, hoạt động Hội hướng về cơ sở chăm lo lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, nông dân, vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia phát triển kinh tế- xã hội… Nhờ đó, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận nông dân được cải thiện rõ rệt… 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Đồng thời, sản xuất nông nghiệp chuyển biến theo hướng hiện đại còn chậm, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh thấp, phát triển chưa bền vững. Tình trạng ô nhiễm môi trường còn diễn ra ở nhiều nơi; an toàn vệ sinh thực phẩm còn là vấn đề gây bức xúc trong xã hội…

Báo cáo chính trị tại Đại hội, ông Thào Xuân Sùng - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khẳng định: “5 năm qua, Hội nông dân Việt Nam đã phát huy hiệu quả vai trò trung tâm và nòng cốt, giai cấp nông dân đã thực hiện tích cực vai trò chủ thể, góp phần thúc đẩy nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa…”

Bên cạnh kết quả nổi bật đã đạt được, công tác Hội và phong trào nông dân còn có những hạn chế, yếu kém cần quan tâm. Cụ thể, một số nơi công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho nông dân còn hình thức, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, bức xúc của nông dân chưa kịp thời.

Đồng thời, tỷ lệ hội viên tham gia sinh hoạt còn thấp. Một số nơi chưa làm tốt chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân. Tham gia xây dựng và phản biện các cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn hạn chế.

“Một số nơi việc xây dựng và tổ chức nhân rộng mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi còn lúng túng. Công tác hướng dẫn phát triển các hình thức kinh tế hợp tác, hoạt động dịch vụ, hỗ trợ nông dân còn yếu, nhất là tiêu thụ nông sản. Công tác đào tạo nghề cho nông dân hiệu quả chưa cao”, ông Thào Xuân Sùng nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Đảng, Nhà nước cùng nông dân làm cách mạng mới trong nông nghiệp

    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Đảng, Nhà nước cùng nông dân làm cách mạng mới trong nông nghiệp

    19:58, 27/11/2018

  • Cần một cuộc cách mạng mới về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

    Cần một cuộc cách mạng mới về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

    17:29, 27/11/2018

  • Nghị quyết 26 Trung ương 7 khoá X là một nghị quyết toàn diện về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

    Nghị quyết 26 Trung ương 7 khoá X là một nghị quyết toàn diện về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

    11:28, 27/11/2018

Cũng theo Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng hoàn thiện và cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang tạo ra nhiều cơ hội cũng như những thách thức gay gắt với nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

5 giải pháp trọng tâm

Do đó, trong thời gian tới, để đạt được phương hướng, mục tiêu và các chỉ tiêu đã đề ra, theo Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, cần thực hiện có hiệu quả 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu.

Thứ nhất, xây dựng tổ chức Hội và giai cấp nông dân Việt Nam vững mạnh. Theo đó, chú trọng tập huấn và kết nạp hội viên là các chủ trang trại, giám đốc các doanh nghiệp, các hợp tác xã phục vụ nông nghiệp, nông thôn, các nhà khoa học, các học sinh phổ thông trung học, sinh viên đại học, cao đẳng là con em nông dân từ 18 tuổi trở lên, tán thành Điều lệ Hội và tự nguyện tham gia tổ chức Hội. Xây dựng đội ngũ cán bộ Hội các cấp và hội viên đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, cơ cấu và đạt chuẩn theo quy định.

"Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát. Xây dựng Ủy ban Kiểm tra các cấp và tổ chức tập huấn, đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác kiểm tra ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ mới của Hội Nông dân Việt Nam", Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh.

Thứ hai, vận động hội viên, nông dân phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới văn minh và giảm nghèo bền vững

Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh cho hội viên, nông dân. Phát triển mạnh mẽ các hình thức tổ chức hợp tác, hợp tác xã.

Đổi mới và nâng cao chất lượng các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, dạy nghề giúp nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. “Chủ động phối hợp với các ngân hàng giúp nông dân vay vốn sản xuất, kinh doanh. Cung ứng vật tư nông nghiệp theo phương thức trả chậm gắn với chuyển giao kỹ thuật, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Hướng dẫn nông dân ứng dụng khoa học, kỹ thuật mới, công nghệ sinh học vào sản xuất, bảo quản và chế biến nông sản, xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu nông sản Việt Nam”, ông Sùng nhấn mạnh.

Đặc biệt, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức tổ chức sản xuất hợp tác, liên kết trong nông nghiệp.

Thứ ba, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thứ tư, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Theo đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới. Phát động phong trào nông dân thi đua phát triển sản xuất gắn với bảo vệ đường biên, mốc giới, tích cực bám biển sản xuất gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Thứ năm, tăng cường công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế. Theo ông Thào Xuân Sùng, cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại. Tổ chức các đoàn vào, đoàn ra theo hướng thiết thực, hiệu quả. Mở rộng quan hệ với các cơ quan của Liên Hợp quốc, tổ chức quốc tế, đại sứ quán, tổ chức chính phủ, phi chính phủ, các doanh nghiệp nước ngoài, khai thác các nguồn lực để hỗ trợ triển khai các nhiệm vụ của Hội. Tổ chức cho cán bộ, hội viên nông dân đi thăm quan, nghiên cứu, lao động, học tập, trao đổi kinh nghiệm, quảng bá nông sản ở trong và ngoài nước. 

Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII sẽ bàn thảo, quyết định 14 chỉ tiêu thi đua trong công tác Hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ 2018-2023. Một trong những mục tiêu quan trọng là phấn đấu 100% cán bộ, hội viên được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của Hội Nông dân Việt Nam; ít nhất 60% hội viên được truy cập Internet; phấn đấu 100% cán bộ chuyên trách công tác Hội được tập huấn, bồi dưỡng cập nhật kiến thức canh tác nông nghiệp và kỹ năng công tác nông vận...  

Thy Hằng