Doanh nghiệp đau đầu vì cử nhân “thiếu đủ thứ”

Thy Hằng 14/12/2018 11:13

Khảo sát lao động của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, có tới 70%-80% ứng viên cho các vị trí quản lý và kỹ thuật không đáp ứng yêu cầu.

Trong một đợt tuyển dụng kỹ sư của Intel Việt Nam, qua đánh giá tiêu chuẩn 2.000 sinh viên Công nghệ thông tin thì chỉ có 90 ứng viên vượt qua kiểm tra, trong số này, cũng chỉ 40 người đủ trình độ tiếng Anh.

nhân lực

Gần 94% sinh viên mới tốt nghiệp cần được đào tạo lại để có thể đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng và doanh nghiệp. 

Không riêng trường hợp của Intel, khảo sát của WB cho thấy, rất nhiều doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn trong việc tìm được các ứng cử viên cho các vị trí việc làm đòi hỏi trình độ cao. Cụ thể, có tới 70%-80% ứng viên cho các vị trí quản lý và kỹ thuật không đáp ứng yêu cầu.

Đáng nói hơn, vấn đề này không chỉ diễn ra ở nhóm nhân sự quản lý mà là thực trạng chung ở cả nhóm nhân sự trẻ, sinh viên mới ra trường. Nhiều doanh nghiệp “chê” sinh viên sau khi ra trường vẫn “thiếu đủ thứ” cần đào tạo lại từ đầu.

Thông tin từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cho thấy, gần 94% sinh viên mới tốt nghiệp cần được đào tạo lại để có thể đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng và doanh nghiệp. 

Trong khi đó, khảo sát mới đây của Manpower tại khu vực Đông Nam Á cũng cho thấy gần ½ số doanh nghiệp tham gia khảo sát (46%) cho biết họ gặp khó khăn trong việc tuyển dụng vào năm 2017. Cũng theo dự báo của Tập đoàn Manpower, trung bình vào năm 2020, hơn 1/3 số kỹ năng cốt lõi mà hầu hết các công việc yêu cầu sẽ bao gồm những kỹ năng mà công việc hiện nay chưa xem trọng. Đó là các kỹ năng liên quan tới sáng tạo, trí tuệ cảm xúc và linh hoạt trong nhận thức. 

Liên quan tới vấn đề này, Nhóm Công tác Giáo dục và Đào tạo của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đưa ra nhận định về dòng đầu tư nước ngoài vào giáo dục và đào tạo rất quan trọng để mang lại những kiến thức và kỹ năng cần thiết cho Việt Nam. Khoản đầu tư này giúp chuẩn bị nguồn nhân lực hiệu quả cho Công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, Thông tư hướng dẫn Nghị định số 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.

Có thể bạn quan tâm

  • Thiếu hụt nhân lực du lịch khiến doanh nghiệp “vơ bèo vạt tép”

    Thiếu hụt nhân lực du lịch khiến doanh nghiệp “vơ bèo vạt tép”

    07:00, 14/12/2018

  • Thương mại điện tử Việt Nam: Bùng nổ thị trường, khan hiếm nhân lực

    Thương mại điện tử Việt Nam: Bùng nổ thị trường, khan hiếm nhân lực

    04:29, 13/12/2018

  • Số hoá và câu chuyện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

    Số hoá và câu chuyện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

    05:00, 09/12/2018

  • Thiếu hụt nhân lực ngành du lịch khiến doanh nghiệp phải “vơ bèo gạt tép”

    Thiếu hụt nhân lực ngành du lịch khiến doanh nghiệp phải “vơ bèo gạt tép”

    17:38, 05/12/2018

“Chúng tôi xin đề nghị Bộ GD&ĐT tiến hành soạn thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định số 86 để cung cấp những hiểu biết rõ ràng về những kỳ vọng đối với các cơ sở giáo dục và những yêu cầu triển khai cụ thể. Nhiều trường học gặp khó khăn khi làm việc với cơ quan chức năng trong việc sửa đổi giấy phép của họ vì thiếu Thông tư hướng dẫn”, ông Brian O'Reilly Trưởng Nhóm Công tác Giáo dục và Đào tạo kiến nghị.

Trên thực tế, Nghị định 86/2018/NĐ-CP được đánh giá là mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài. Nói như bà Cao Hà Phương, Tổng giám đốc Tổ chức giáo dục EF Việt Nam: “Việt Nam đang có chính sách rất mở và tiến bộ cho đầu tư giáo dục tư nhân. Vấn đề là thực hiện chính sách đó thế nào”.

Đặc biệt, về Giáo dục Kỹ thuật và Đào tạo Nghề (TVET) , nhóm công tác đề nghị, Bộ LĐTB&XH và Chính phủ chấp thuận Nghị định đã xét duyệt nhằm thay thế cho Nghị định số 48 liên quan đến hoạt động của các trường cao đẳng đầu tư nước ngoài.

“Nghị định này đã được xét duyệt bởi Chính phủ trong suốt hai năm qua. Tuy nhiên, quá trình đánh giá đã bị kéo dài và đang ảnh hưởng đến hoạt động của tất cả các trường cao đẳng. Tổng cục Dạy nghề không chấp nhận đơn xin chuyển đổi với lý do họ đang chờ sửa đổi Nghị định số 48”, Trưởng Nhóm Công tác Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh.

Thy Hằng