Để Việt Nam không trở thành “bãi rác công nghệ”
Trung Quốc vẫn nằm trong top thị trường cung cấp máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng cho Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2018, dấy lên lo ngại về nguy cơ biến Việt Nam thành "bãi rác công nghệ".
Trong 11 tháng đầu năm 2018, nhập khẩu nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 30,66 tỉ USD. Đặc biệt, phần lớn trong số nhóm hàng máy móc này được nhập từ Trung Quốc, kim ngạch lên tới gần 11 tỷ USD.
Nhập khẩu máy móc từ Trung Quốc trên 30%
Theo Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng năm 2018, tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước đạt 216,31 tỉ USD, tăng 12,1% so với năm 2017. Thống kê cũng cho thấy, nhóm hàng nhập tăng chủ yếu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; nguyên phụ liệu ngành dệt may; dầu thô…
Trong đó, nhập khẩu nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 30,66 tỉ USD. Đặc biệt, phần lớn trong số nhóm hàng máy móc này được nhập từ Trung Quốc lên tới gần 11 tỷ USD. Sau thị trường Trung Quốc, Việt Nam nhập máy móc từ Hàn Quốc đạt 5,6 tỉ USD, giảm 30,5%, con số nhập khẩu nhóm hàng này từ Nhật Bản đạt hơn 4 tỉ USD.
Điều đáng nói, trong 5 nước có kim ngạch nhập khẩu hàng máy móc lớn nhất vào Việt Nam, thì 4 nước còn lại đều giảm hoặc giữ ổn định thậm chí giảm, chỉ duy nhất kim ngạch nhập mặt hàng này từ Trung Quốc lại tăng 9,5%, lên tới gần 11 tỷ USD.
Trong khi đó, hiện Trung Quốc đang chạy đua với Mỹ và các nước EU trong cuộc đua phát triển mạnh cách mạng công nghiệp 4.0. Chính vì thế, một lượng lớn máy móc cũ, lạc hậu được cho là sẽ bị đào thải khỏi quốc gia này.
Do đó, các chuyên gia kinh tế lo ngại, trong cuộc đua phát triển này, lượng máy móc cũ dư thừa của Trung Quốc sẽ rất nhiều và một trong những các để giải phóng lượng máy móc đó là xuất khẩu sang nước ngoài dưới dạng rác công nghệ. Nói như Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu: "Trung Quốc càng tiến xa trong công nghệ càng đẩy lùi Việt Nam đi chậm lại phía sau. Điều tôi lo ngại là Trung Quốc hình như đang tìm cách đẩy công nghệ lạc hậu sang các nước xung quanh, trong đó có Việt Nam”.
Trên thực tế, kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị của Trung Quốc vào Việt Nam luôn chiếm trên 30% tại Việt Nam trong 2 năm trở lại đây. Năm 2017, tổng kim ngạch nhập mặt hàng này cả nước đạt 33,8 tỷ USD, riêng kim ngạch nhập mặt hàng này từ Trung Quốc là gần 11 tỷ USD, chiếm hơn 32% so với kim ngạch nhập từ các thị trường khác.
Năm 2016, kim ngạch nhập máy móc của Việt Nam là hơn 28,5 tỷ USD, thì kim ngạch nhập mặt hàng này của Trung Quốc là 9,3 tỷ USD, chiếm trên 32%.
Nếu tính riêng 5 thị trường mà Việt Nam thường xuyên nhập khẩu máy móc, thiết bị lớn vào Việt Nam là Đức, Nhật, Hàn và Mỹ, Trung Quốc luôn duy trì trên 40% kim ngạch.
Đáng chú ý, giá trị nhập hàng máy móc, công nghệ từ Trung Quốc chưa đánh giá được việc tỷ lệ máy móc Trung Quốc nhập vào Việt Nam bởi giá mỗi thiết bị, máy móc của Trung Quốc thường rẻ hơn so với các nước phát triển kể trên.
Chính vì thế, lượng hàng/đơn vị tính là cái, chiếc của máy móc, thiết bị, công nghệ của Trung Quốc nhập về Việt Nam có thể lớn hơn rất nhiều so với lượng hàng trên đơn vị tính từ các nước phát triển. Điều này khiến Việt Nam luôn ở trong tình trạng nhập siêu các loại máy móc dạng phổ thông, vòng đời sau, thậm chí những móc móc thế hệ cũ...
“Dung lượng và trị giá thị trường Việt Nam khó có thể tiếp nhận những hàng loại 1, hàng đắt tiền xuất Mỹ của Trung Quốc, nhưng có thể sẽ là hàng loại 2, hàng phù hợp túi tiền và không quá khắt khe về công nghệ của Việt Nam", Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định.
Từng thừa nhận thực tế này, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, thực tế một số người, một số doanh nghiệp đã lợi dụng đưa thiết bị cũ vào Việt Nam. “Nhiều container nhập khẩu về Việt Nam không rõ sản phẩm gì, khi mở ra mới biết toàn là rác công nghệ cũ”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nói.
Có thể bạn quan tâm
Tìm giải pháp đối phó với rác thải công nghệ
15:46, 24/06/2018
Bất lực với 28.000 container rác thải công nghệ
05:18, 23/06/2018
Rác thải và mức độ thịnh vượng
11:00, 06/11/2018
Hải Phòng - nơi rác thải điện tử được... nâng niu
07:15, 01/08/2018
Bởi vậy, nguy cơ trở thành bãi rác công nghệ là hoàn toàn có căn cứ. ĐBQH Khóa XIII Lê Thị Công cho biết, hiện, hầu hết các doanh nghiệp nhập khẩu máy móc, dây chuyền công nghệ cũ đã qua sử dụng, chỉ có 10% doanh nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại.
"Theo dự báo, Việt Nam sẽ trở thành bãi rác công nghệ, việc quản lý và xử lý sẽ vô cùng khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường", bà Công nói.
Gắn phát triển công nghiệp với chiến lược kinh tế
Cùng quan điểm, PGS.TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Chủ tịch Trung tâm kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (VAPEC) cũng lo ngại Việt Nam có thể trở thành bãi rác công nghệ lạc hậu của Trung Quốc, gây ô nhiễm môi trường. “Khi doanh nghiệp trong nước nhập khẩu hoặc khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài gắn mác chuyển giao công nghệ để đưa vào nước ta các loại máy móc, công nghệ cũ, lạc hậu”, ông Võ Đại Lược nói.
Do vậy, theo chuyên gia này, nếu không sớm có giải pháp mang tính căn cơ như quy định chỉ được nhập khẩu máy móc, thiết bị nào, cấm những loại máy nào, đánh thuế thật cao nhập khẩu các loại máy đã qua sử dụng, thì mối lo môi trường thực sự hiện hữu.
Đặc biệt, công tác quản lý xuất nhập khẩu cần được siết chặt hơn, không còn tình trạng “nhập gì không biết, ai nhập không hay” như hiện nay.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế kiểm tra, giám sát để bảo đảm tuân thủ đúng các quy định hiện hành, đặc biệt trong chuyển giao máy móc, công nghệ theo danh mục được phép chuyển giao, cấm chuyển giao hoặc hạn chế chuyển giao.
Về lâu dài, giải pháp mang tính căn cơ là phải đổi mới chiến lược phát triển công nghiệp, trong đó tập trung vào phát triển sản phẩm tiên tiến, công nghệ hiện đại theo đúng tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW về Định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp trong GDP đạt trên 40%. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 30%, tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45%.
“Chính sách phát triển công nghiệp thực chất là chiến lược phát triển kinh tế của cả nước, trong đó có các chính sách về ngân hàng, tài chính, lãi suất, tỷ giá. Chỉ khi kết hợp các chính sách này mới mong phát triển công nghiệp thành công, không phải nhập phế liệu phục vụ sản xuất như hiện nay”, Chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược bổ sung.