"Sân chơi" kinh doanh trực tuyến Việt rộng hay hẹp?
Việc phải đóng cửa kênh bán hàng trực tuyến vuivui.com sau chưa đầy 2 năm hoạt động, cho thấy ngay cả doanh nghiệp hàng đầu về bán lẻ như Thế Giới Di Động cũng chưa đủ sức để tham gia sân chơi này.
Doanh nghiệp hàng đầu cũng phải "chào thua"
Mới đây trang thương mại điện tử VuiVui.com của Thế Giới Di Động đã lặng lẽ đóng cửa từ 18h ngày 27/11/2018 và tự động chuyển thành Bachhoaxanh.com.
Được biết, VuiVui.com ra đời từ đầu năm 2017 tập trung vào các mặt hàng thời trang, nhu yếu phẩm, tạp hoá, trong đó mỗi nhãn hàng chỉ có 1 nhà cung cấp được xuất hiện nhằm đảm bảo sự quản lý chặt chẽ. Vuivui.com từng được ông Nguyễn Đức Tài kỳ vọng có thể sẽ vượt cả Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh, trở thành đơn vị dẫn đầu ngành thương mại điện tử năm 2020.
Điểm khác biệt mà đại gia Nguyễn Đức Tài muốn tạo ra cho VuiVui.com chính là dịch vụ chăm sóc khách hàng. Theo đó, ông chủ Thế Giới Di Động từng cho biết muốn “thay đổi quan điểm online chỉ có rẻ” mà còn được đảm bảo về bảo hành, hàng chính hãng 100% và đền bù gấp đôi nếu mua phải hàng nhái.
Rất tiếc, sau gần 2 năm triển khai và chưa kịp phổ biến cả nước thì VuiVui.com đã phải đóng cửa, chính thức dừng lại “cuộc chơi đốt tiền” trong lĩnh vực thương mại điện tử, chiến trường mà các đơn vị tham gia nếu không bỏ cuộc thì cũng chật vật trong thua lỗ.
Trong nước, hàng loạt ông lớn đến từ nước ngoài hay trong nước có vốn đầu tư nước ngoài như Lazada, Tiki, Shopee,... đều đang nhắm mắt chấp nhận lỗ khủng hàng trăm cho tới hàng ngày tỷ đồng mỗi năm. Điển hình như Tiki, cuộc chạy đua "tiêu tiền" khiến đại gia đi lên từ một trang bán sách trực tuyến cũng lỗ lũy kế ngày một lớn. Tính đến cuối năm 2017, Tiki đã có lỗ lũy kế khoảng 600 tỷ đồng, tức tiêu hết sạch 400 tỷ đồng VNG rót vào hồi năm 2016.
Hay như Lazada cũng đang chịu lỗ liên tiếp 1.000 tỷ đồng/năm trong 2 năm 2015-2016. Tính đến cuối năm 2016, lỗ lũy kế của Lazada đã lên đến hơn 2.700 tỷ đồng. Với việc các đối thủ đang cạnh tranh quyết liệt, nhiều khả năng mức lỗ của năm 2017 cũng trên nghìn tỷ, dẫn đến lỗ lũy kế cuối năm 2017 có thể lên đến gần 4.000 tỷ đồng.
Trước đó, vào năm 2016, thị trường thương mại điện tử Việt Nam nhận tin buồn khi website Lingo.vn đột ngột đóng cửa. Với kết quả hoạt động không được như kỳ vọng, việc Lingo.vn không tiếp tục nhận được sự rót vốn của nhà đầu tư và buộc phải đóng cửa là điều được báo trước. Từ năm 2012 đến hết tháng 6/2016, tổng hợp từ các báo cáo tài chính, Lingo.vn lỗ khoảng 150 tỷ đồng và lâm vào cảnh thua lỗ.
Trước khi Lingo.vn “khai tử”, hàng loạt trang thương mại điện tử khác cũng đã biến mất. Các trang thương mại điện tử khác đã thông báo ngừng hoạt động, như Deca.vn, Beyeu.com, Lamdieu.com, Foreva.vn (cùng của Quỹ đầu tư mạo hiểm IDG), fab.vn...
Cuộc đua trong lĩnh vực thương mại điện tử ngày càng khốc liệt hơn với sự xuất hiện của các đại gia lớn trên thế giới trong thời gian tới như Amazon của Mỹ và sự đẩy mạnh đầu tư của Alibaba thông qua Lazada,...
Tiền chưa phải là đủ
Mỗi câu chuyện có một nguyên nhân, song nhìn chung thì phần lớn thất bại so cạnh tranh về giá, dịch vụ, tính đa dạng danh mục sản phẩm, thậm chí là chất lượng cuối cùng đến tay người tiêu dùng... và mọi thứ này dẫn đến một yếu tố lớn chính là nguồn vốn. Miệt mài đầu tư thu hút khách, nhiều đơn vị sau đó rơi vào khủng hoảng vốn, thua lỗ nặng nề, đặc biệt là các doanh nghiệp tiềm lực tài chính không đủ mạnh.
Bên cạnh đó, theo PGS-TS Nguyễn Văn Thoan, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho rằng, vốn đầu tư là rất quan trọng, nhưng ý tưởng sáng tạo còn quan trọng hơn. Nếu chỉ cần vốn thì nhiều doanh nghiệp hùng mạnh đã đầu tư và thành công trong thương mại điện tử ngay từ những ngày đầu tiên.
Có thể bạn quan tâm
Thủ thuật kinh doanh trực tuyến
11:27, 09/01/2017
Cần nâng cao vai trò của kinh doanh trực tuyến
16:44, 25/03/2016
Tập đoàn bán lẻ trực tuyến Trung Quốc đầu tư lớn vào Tiki
07:03, 17/01/2018
Nhà bán lẻ trực tuyến ra đời từ hộp ngũ cốc Cheerios
07:05, 23/08/2017
Thị trường bán lẻ trực tuyến Việt Nam: Hướng mốc 10 tỷ USD vào năm 2020
08:59, 17/02/2016
Đặt nhiều kỳ vọng, vì sao Thế giới Di động đóng cửa trang thương mại điện tử Vuivui?
12:00, 17/12/2018
Theo ông Thoan, yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người, ở đây là con người nắm được công nghệ, làm chủ được công nghệ mới, theo kịp sự phát triển của công nghệ mới và ứng dụng được trong thương mại điện tử và rộng hơn là ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, quản lý và kinh doanh.
“Tiếp đó mới là vốn đầu tư. Chỉ những dự án có vốn đầu tư ổn định và liên tục trong thời gian dài, 5 năm hoặc 10 năm, mới có thể thành công lớn. Đặc biệt, việc đầu tư phải được triển khai liên tục, qua nhiều giai đoạn, mới giúp các dự án thương mại điện tử phát triển được vì công nghệ mới cần nhiều thời gian nghiên cứu và liên tục phát triển”, ông Thoan nhận định.
Theo các chuyên gia, dù thị trường nhiều tiềm năng với lượng người kết nối Internet rất cao nhưng họ vẫn còn nhiều e dè trong việc mua sắm trực tuyến. Thông thường, khoản tiền dành cho mua sắm online chỉ vào khoảng dưới 1 triệu đồng. Vấn đề chỉ là là câu chuyện niềm tin. Bên cạnh đó, thói quen thanh toán trực tiếp thay vì trực tuyến cũng đang tác động đến lĩnh vực thương mại điện tử.
Ngoài ra, hạ tầng giao thông, logistics cũng là một rào cản cho phát triển thương mại điện tử khiến cho chi phí bị đội lên rất nhiều cũng như việc phát triển lĩnh vực này đến các vùng sâu, vùng xa.