Nhờ đâu Việt Nam duy trì tăng trưởng cao suốt thập kỷ qua?
Theo ông Trương Văn Phước, Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, năm 2018, tăng trưởng kinh tế Việt Nam ước đạt 6,9-7%, là mức cao nhất 10 năm.
Tăng trưởng Việt Nam có bước đột phá trong bối cảnh kinh tế toàn cầu năm 2018 có dấu hiệu chững lại, thương mại toàn cầu tăng trưởng chậm hơn dự báo chủ yếu do căng thẳng địa chính trị, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn biến phức tạp và nhiều khả năng tiếp tục kéo dài.Cùng với đó, lạm phát toàn cầu có xu hướng tăng cao hơn năm 2017 do giá dầu bình quân tăng trên 30%.
Lý giải về con số ước đạt 6,9 – 7%, ông Đặng Ngọc Tú, Trưởng ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát cho biết, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 nhờ vào động lực chính là ngành công nghiệp chế biến chế tạo và ngành dịch vụ, nông, lâm thủy sản tăng trưởng tốt. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo đóng góp khoảng 2,5 điểm% vào tăng trưởng, ngành dịch vụ đóng góp khoảng 2,755 vào tăng trưởng. Tổng cầu của nền kinh tế duy trì mức tăng khá, xuất khẩu và tiêu dùng tăng cao hơn cùng kỳ.
Cả 3 ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ đều duy trì tăng trưởng ở mức cao nhờ 3 động lực chính. Thứ nhất, xuất phát từ nhu cầu nội địa, như khảo sát của Nielsen mới đây đã chỉ ra, niềm tin tiêu dùng tại Việt Nam hiện xếp thứ 2 trên thế giới; Thứ hai, xuất phát từ nhu cầu của thị trường xuất khẩu, khi thặng dư thương mại đạt tới 6,4 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm; Thứ ba là khu vực FDI, khi giá trị giải ngân của khu vực này cũng tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vẫn theo ông Đặng Ngọc Tú, năm 2018, nền tảng kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì và củng cố. Lạm phát được kiểm soát dưới 3,6%, lạm phát cơ bản duy trì ổn định dưới 1,5%. Các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo: Cán cân thanh toán quốc tế thặng dư cao, nợ công và cân đối ngân sách được kiểm soát đảm bảo các mục tiêu Quốc hội đề ra.
Bên cạnh đó, nền tảng tài chính tiếp tục được củng cố, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Cung ứng vốn của thị trường tài chính chuyển biến tích cực theo hướng giảm dần sự phụ thuộc vào khu vực ngân hàng và gia tăng vai trò của thị trường vốn. Cung ứng vốn từ khu vực ngân hàng giảm nhưng hiệu quả và chất lượng hơn. Thanh khoản hệ thống được đảm bảo, lãi suất và tỷ giá ổn định.
Thị trường chứng khoán tăng trưởng vượt bậc về quy mô với mức vốn hóa thị trường đạt 75% GDP, vượt chỉ tiêu đề ra của năm 2020. Mặc dù xu hướng rút vốn diễn ra tại các nền kinh tế.
Có thể bạn quan tâm
WB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam có xu hướng giảm
15:39, 11/06/2018
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam: Xuất hiện một số tín hiệu cảnh báo!
05:35, 08/06/2018
Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018
21:53, 08/05/2018
Năm 2019, dự báo kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 7% nhưng cần cải cách thể chế và môi trường kinh doanh mạnh mẽ hơn nhằm gia tăng đầu tư tư nhân, tái cơ cấu kinh tế cần phải thực hiện triệt để, chuyển đổi sâu và rõ nét hơn mô hình tăng trưởng nhằm tận dụng được những cơ hội đến từ yếu tố quốc tế. Đó là xu hướng dịch chuyển sản xuất do tác động của chiến tranh thương mại, triển vọng tích cực từ các hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và một số các FTAs... Lạm phát có thể kiểm soát ở mức khoảng 4% nếu việc điều chỉnh giá dịch vụ công được kiểm soát chặt chẽ.
Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam năm 2019 ít nhiều sẽ chịu tác động bởi yếu tố quốc tế biến động khó lường. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc diễn biến phức tạp và nhiều khả năng còn tiếp tục kéo dài ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu. Do đó, ổn định tài chính cần tiếp tục được coi là một trong các ưu tiên trong điều hành chính sách 2019.