Ngành gỗ Việt Nam cần chuẩn bị gì cho CPTPP?

Nguyễn Văn Nên, ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP HCM 23/12/2018 11:01

Phát triển vùng nguyên liệu gỗ là lưu ý hàng đầu cho ngành đồ gỗ Việt Nam khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực.

Trong gần 10 năm gần đây, với chiến lược phát triển được định hướng rõ ràng, ngành chế biến gỗ Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm gỗ và đồ gỗ luôn nằm trong Top các nhóm hàng hóa xuất khẩu chủ lực của đất nước.

Có thể bạn quan tâm

  • Ngành gỗ hưởng lợi nhiều nhất từ CPTPP?

    06:30, 14/12/2018

  • Ngành gỗ Việt đang "lỡ nhịp" FTA với Hàn Quốc?

    13:49, 29/10/2018

  • Giải pháp nguyên liệu cho ngành gỗ

    05:33, 11/08/2018

Cơ hội và thách thức của ngành gỗ Việt Nam

Năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt khoảng 8 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ đạt 5,9 tỷ USD, chiếm 73,9% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của toàn ngành. Xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam luôn đứng đầu khu vực ASEAN và duy trì vị trí thứ 7 thế giới trong 4 năm trở lại đây. Với thành tựu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu liên tục trong thời gian qua, ngành gỗ đã góp phần đáng kể trong quá trình nâng cao vị thế thương mại của Việt Nam trên bản đồ thương mại quốc tế.

Gia nhập CPTPP là cơ hội lớn cho thương mại Việt Nam, trong đó các doanh nghiệp đồ gỗ sẽ có điều kiện thúc đẩy xuất khẩu nhờ các hàng rào thuế quan rất nặng nề như hiện nay được gỡ bỏ.

Gia nhập Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là cơ hội lớn cho thương mại Việt Nam, trong đó các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ sẽ có điều kiện thúc đẩy xuất khẩu nhờ các hàng rào thuế quan rất nặng nề như hiện nay được gỡ bỏ.

CPTPP là cơ hội lớn cho thương mại Việt Nam, trong đó các doanh nghiệp đồ gỗ sẽ có điều kiện thúc đẩy xuất khẩu nhờ các hàng rào thuế quan rất nặng nề như hiện nay được gỡ bỏ.

Theo nội dung đàm phán trong CPTPP, nguyên liệu đầu vào của ngành sản xuất đồ gỗ phải có xuất xứ từ các nước thuộc CPTPP và đạt yêu cầu chứng nhận về nguồn gốc gỗ hợp pháp mới được hưởng những ưu đãi từ hiệp định. Tuy nhiên, phần lớn nguyên liệu gỗ cho sản sản xuất đồ gỗ xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay hoặc không thuộc các nước trong khối CPTPP hoặc đến từ những khu vực có rủi ro pháp lý cao. Bên cạnh đó, trước việc Mỹ rút khỏi TPP, có nhiều luồng ý kiến cho rằng ngành đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam sẽ không được hưởng lợi gì vì không có thị trường Mỹ, trong khi phải cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc. Tuy nhiên, vấn đề này cần được nhìn nhận ở góc độ tổng thể hơn.

Một là, về tổng thể, việc mở cửa thị trường thương mại với các quốc gia thông qua một FTA sẽ giúp tăng trưởng xuất khẩu đồ gỗ đáng kể, qua đó có thể dự báo việc tham gia CPTPP sẽ có tác động nhất định đến kim ngạch xuất khẩu ngành đồ gỗ của Việt Nam mặc dù không có nước Mỹ tham gia.

Hai là, thuế nhập khẩu hàng đồ gỗ của các nước trong CPTPP giảm sẽ có tác động thúc đẩy hàng đồ gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang các quốc gia này. Cả hai kịch bản có nước Mỹ hay không có nước Mỹ tham gia vào CPTPP thì khi thuế nhập khẩu đồ gỗ giảm, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam vào các nước này vẫn tăng lên. Dĩ nhiên, xuất khẩu đồ gỗ sẽ tăng ít hơn khi không có Mỹ.

Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn cần có những giải pháp then chốt để thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu đồ gỗ. Bởi kết quả dự báo kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam vào các nước CPTPP còn lại vẫn có thể tăng trưởng với mức thuế giảm xuống khi CPTPP có hiệu lực, thậm chí khi nước Mỹ không tham gia.

Ba là, về phía năng lực cung ứng nguyên liệu nội địa, việc tăng nguồn cung sản xuất nguyên liệu gỗ trong nước sẽ thúc đẩy được xuất khẩu đồ gỗ đáng kể vào các thị trường CPTPP. Đây cũng là vấn đề then chốt cần khắc phục để giải quyết vòng luẩn quẩn trong sản xuất đồ gỗ Việt Nam là công nghiệp hỗ trợ và nguồn nguyên liệu chưa chủ động nên chủ yếu gia công theo mẫu mã khách hàng cung cấp, do gia công nên không thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ và vùng nguyên liệu phát triển, từ đó giá trị xuất khẩu không cao.

Do đó, điều này tiếp tục khẳng định phát triển vùng nguyên liệu gỗ là một trong những điểm lưu ý hàng đầu cho ngành đồ gỗ Việt Nam nếu muốn tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu, đặc biệt là vào các thị trường CPTPP khi hiệp định này có hiệu lực.

Những gợi ý chính sách

Trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung các một số vấn đề cốt lõi sau trong quá trình xây dựng các giải pháp chuẩn bị nguồn nguyên liệu cho chế biến đồ gỗ xuất khẩu:

Thứ nhất, công tác dự báo nhu cầu gỗ nguyên liệu cần được thực hiện một cách bài bản, khoa học và chi tiết. Dự báo nhu cầu nguyên liệu cần cụ thể đến mức độ sản xuất đồ gỗ trong những năm tiếp theo sẽ cần cụ thể những loại gỗ nào và sản lượng bao nhiêu để có thể đáp ứng nhu cầu. Các chỉ tiêu về chất lượng, yêu cầu về sản xuất gỗ nguyên liệu cũng cần được thể hiện rõ.

Thứ hai, đối với nguồn nguyên liệu trong nước, chúng ta cần rà soát cụ thể khả năng cung ứng của từng loại trong điều kiện thực tế nguồn nguyên liệu của cả nước, từ đó có những chính sách cụ thể trong quá trình trồng rừng, khai thác, xuất khẩu gỗ thô và sử dụng triệt để phần nguyên liệu nội địa. Tuy nhiên, việc hạn chế xuất khẩu những loại nào, chú trọng vào phát triển loại nguyên liệu nội địa nào hay cần trồng loại gỗ nguyên liệu nào cũng chỉ có thể thực hiện được nếu công tác dự báo nhu cầu nguyên liệu được hiện bài bản, khoa học và chính xác.

Thứ ba, nguồn nguyên liệu nhập khẩu vẫn là cấu thành quan trọng trong các sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam.

Do đó, Chính phủ cần tạo những điều kiện thuận lợi nhất để nhập khẩu và cung ứng nguyên liệu gỗ cho ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu sản phẩm gỗ sao cho đáp ứng số lượng, chất lượng và thời gian với giá cả cạnh tranh. Trong đó, xây dựng cổng thông tin về nguyên liệu gỗ là điều kiện quan trọng để các doanh nghiệp có thể tham khảo các thông tin về nguồn nguyên liệu gỗ, chủ động hơn trong việc nhập khẩu và tránh dự trữ tồn kho nguyên liệu trong thời gian quá dài.

Cuối cùng, đối với nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu, với yêu cầu về xuất xứ nguyên liệu trong CPTPP thì bắt buộc các doanh nghiệp chế biến gỗ phải sử dụng các nguồn nguyên liệu hợp pháp.

Đối với nguồn nguyên liệu nhập khẩu, xu hướng giảm dần tỷ trọng nhập khẩu nguyên liệu gỗ ở những khu vực có rủi ro pháp lý cao đã thể hiện hướng đi đúng của các doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, những hỗ trợ của nhà nước trong việc cung cấp thông tin về nguồn gốc nguyên liệu gỗ như xây dựng cổng thông tin về nguyên liệu gỗ sẽ hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu hợp pháp.

Nguyễn Văn Nên, ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP HCM