8 giải pháp trọng tâm hiện thực mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% năm 2019

Thy Hằng 28/12/2018 11:00

Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2019 mức 6,8% với kịch bản cụ thể từng quý tương ứng: Quý I là 6,93%, quý II là 6,7%, quý III là 7,03% và quý IV là 6,63%.

Tại Hội nghị toàn quốc Chính phủ với các địa phương khai mạc sáng 28/12, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ thay mặt Chính phủ trình bày Nghị quyết dự thảo nghị quyết 01/2019 của Chính phủ.  

Hội nghị toàn quốc Chính phủ với các địa phương khai mạc sáng 28/12

Hội nghị toàn quốc Chính phủ với các địa phương khai mạc sáng 28/12.

Tăng trưởng 6,8% năm 2019

Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2019 mức 6,8%, với kịch bản cụ thể từng quý tương ứng: quý I là 6,93%; quý II là 6,7%; quý III là 7,03% và quý IV là 6,63%.

Ngành nông nghiệp mục tiêu tăng trưởng 3%, khu vực công nghiệp tăng trưởng 8,57% và khu vực xây dựng là 6,83%.

Theo Nghị quyết của Quốc hội, năm 2019, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,6 - 6,8%, lạm phát khoảng 4%, tăng trưởng xuất khẩu 7-8%... Đây là mục tiêu khá thách thức trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn, nhất là phải tăng trưởng trên nền tảng tăng trưởng cao của năm 2018.

Đánh giá về những chỉ tiêu của năm 2019, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế - giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, các chỉ tiêu mà Chính phủ đề ra là khả thi. Tuy nhiên, về tăng trưởng GDP, TS. Nguyễn Đức Độ lưu ý, mức tăng trưởng này phụ thuộc vào tình hình biến động của kinh tế thế giới. Nếu kinh tế thế giới tương đối ổn định như năm 2018 thì mục tiêu tăng GDP 6,6 - 6,8% có thể đạt được, nhưng nếu kinh tế thế giới kém đi thì việc đạt được kết quả này là khó khăn.

Tăng trưởng GDP

Trong khi đó, Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhấn mạnh, Chính phủ cần tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp bằng cách cải thiện môi trường kinh doanh như cải cách các thủ tục hành chính, tăng sự cạnh tranh bình đẳng giữa các khu vực doanh nghiệp, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

"Nếu tăng trưởng GDP chỉ dựa vào những yếu tố như thu hút FDI, đầu tư công thì mục tiêu mới đạt được một phần. Phải làm sao để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ổn định và tăng trưởng năng lực sản xuất, tăng trưởng chất lượng sản xuất mới là điều quan trọng", TS. Đinh Thế Hiển nêu ý kiến.

8 nhóm giải pháp trọng tâm 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, năm 2019, cả hệ thống phải chuyển động, cơ bản giải quyết tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Phương châm của Chính phủ năm tới gồm 12 chữ là “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá”.

Có thể bạn quan tâm

  • Tăng trưởng GDP cả năm 2018 đạt 7,08%, cao nhất trong 10 năm qua

    Tăng trưởng GDP cả năm 2018 đạt 7,08%, cao nhất trong 10 năm qua

    14:30, 27/12/2018

  • Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Chính phủ không bao giờ cho phép ngủ quên trên vòng nguyệt quế"

    09:23, 28/12/2018

  • Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tạo mọi điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển

    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tạo mọi điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển

    18:12, 27/12/2018

  • Xung lực mới tạo

    Xung lực mới tạo "bứt phá" tăng tốc phát triển kinh tế năm 2019

    05:45, 28/12/2018

Do đó, tại dự thảo Nghị quyết 01 này, để thực hiện mục tiêu tổng quát, các trọng tâm chỉ đạo điều hành và các chỉ tiêu trong năm 2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với 45 nhiệm vụ, giải pháp và 188 nhiệm vụ cụ thể.

Thứ nhất, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thứ hai, thực hiện quyết liệt các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng tăng trưởng.

Thứ ba, phát triển toàn diện, hài hòa các lĩnh vực văn hóa, xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Thứ tư, phát huy nguồn lực tài nguyên, tăng cường bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thứ năm, tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, gồm 2 nhiệm vụ, giải pháp.

Thứ sáu, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Thứ bảy, tăng cường quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển.

Thứ tám, đẩy mạnh thông tin và truyền thông; tăng cường công tác phối hợp giữa Chính phủ và các cơ quan của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể.

Thy Hằng