Xem xét giảm giá xăng dầu vào ngày 1/1/2019
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Liên Bộ đang tính phương án điều chỉnh giảm giá bán mặt hàng xăng dầu vào ngày 1/1/2019, trùng với thời điểm tăng thuế BVMT với xăng dầu.
Theo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, từ 1/1/2019, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu tăng kịch trần. Cụ thể, thuế bảo vệ môi trường với xăng tăng thêm 1.000 đồng/lít, dầu diesel tăng 500 đồng/lít, dầu hỏa tăng 700 đồng/lít và dầu madut tăng 1.100 đồng/lít.
Trong khi đó, với chu kỳ điều hành giá xăng 15 ngày/lần áp dụng theo Nghị định 83 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, kỳ điều hành giá đầu tiên năm 2019 sẽ rơi vào ngày 5/1.
Khoảng cách về thời điểm bắt đầu tính thuế bảo vệ môi trường theo mức mới với thời điểm điều hành giá là 5 ngày, điều này khiến doanh nghiệp lo ngại. Bởi theo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) về lý thuyết, giá xăng bán lẻ cho người tiêu dùng trong 5 ngày này chưa tính mức thuế mới nhưng doanh nghiệp đầu mối phải chịu trách nhiệm nộp phần thuế bảo vệ môi trường tăng thêm.
"Trung bình lượng xăng dầu xuất bán một ngày khoảng 25.000 lít, Petrolimex phải nộp thêm khoảng 18,5 tỷ đồng/ngày khi thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu tăng. Trong 5 ngày đầu năm 2019, tập đoàn bị giảm thu khoảng 90 tỉ đồng do phải nộp thêm thuế nếu giá bán không thay đổi", Petrolimex cho biết.
Do vậy, Petrolimex cho rằng các thương nhân đầu mối sẽ bị mất nguồn lực, thậm chí phát sinh lỗ, nhất là với mặt hàng xăng và madut vì mức tăng thuế bảo vệ môi trường trên 1.000 đồng/lít.
"Lý do là các doanh nghiệp phải giữ ổn định giá bán xong vẫn phải nộp thuế bảo vệ môi trường tăng thêm. Ngoài ra, nguy cơ bất ổn thị trường (thiếu nguồn) trong kỳ nghỉ lễ có thể xảy ra vì các doanh nghiệp hạn chế bán ra để giảm lỗ", doanh nghiệp xăng dầu này quan ngại.
Do đó, Petrolimex kiến nghị hai phương án nhằm bình ổn thị trường xăng dầu. Một là, công bố giá cơ sở bao gồm tính cả mức tăng thuế theo Nghị quyết, để điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu từ ngày 1/1/2019, sớm hơn quy định 5 ngày. Hai là, cho phép các thương nhân đầu mối sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu tăng thêm so với mức chi sử dụng hiện hành (nếu có) áp dụng từ ngày 1/1/2019 cho đến kỳ điều chỉnh giá liền kề.
Liên quan tới vấn đề này, tại Hội nghị Chính phủ với 63 địa phương ngày 28/12, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: “Liên Bộ Tài chính – Công Thương đang tính phương án điều chỉnh giá bán mặt hàng xăng dầu vào ngày 1/1/2019 và sẽ là giảm giá, trùng với thời điểm tăng thuế BVMT với xăng dầu”.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, việc điều chỉnh này sẽ đảm bảo cân đối vừa tăng được thuế môi trường với xăng dầu, vừa đảm bảo lợi ích của các bên.
Có thể bạn quan tâm
Giá xăng dầu đồng loạt giảm mạnh từ 15h chiều nay (6/12)
14:56, 06/12/2018
Áp thuế môi trường “kịch trần” với xăng dầu có thể "đẩy" lạm phát tăng cao
02:20, 11/10/2018
Tăng kịch trần thuế môi trường với xăng dầu: Áp lực tăng giá hàng hóa
06:16, 26/09/2018
Thuế môi trường với xăng, dầu sẽ tác động mạnh tới nền kinh tế
05:00, 25/09/2018
Trước đó, ngày 20/9 vừa qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.
Để "trấn an" rằng thuế tăng thì giá xăng dầu vẫn thấp hơn nhiều nước, Bộ Tài chính viện dẫn cả giá bán lẻ xăng dầu và tỷ lệ thuế trên giá bán xăng dầu đều thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới, các nước trong khu vực ASEAN và châu Á như Lào, Philippines, Campuchia, Trung Quốc hay Thái Lan... Trong khi đó, tỷ lệ thuế trên giá cơ sở xăng của Việt Nam (vào ngày 10/9/2018) khoảng 35,6% đang ở mức thấp so với nhiều nước.
Ngoài ra, cơ quan này cho biết, việc điều chỉnh tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu chỉ tác động đến chỉ số giá vận tải khoảng 0,83% trong 3 tháng sau khi tăng giá các mặt hàng. Đối với sản xuất điện, kinh doanh kính, gốm cơ bản không tác động.