Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp khó về đích?

Thy Hằng 14/01/2019 05:37

Trao đổi với DĐDN, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR bày tỏ lo ngại về mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp bởi tốc độ thành lập doanh nghiệp đang giảm do "trục trặc" trong môi trường kinh doanh.

Cụ thể, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết, số doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2018 không tăng đột biến nhưng số doanh nghiệp đóng cửa lại tăng gấp rưỡi năm 2017. 

tổng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 99.885 doanh nghiệp, tăng tới 51% so với cả năm 2017

Năm 2018, tổng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 99.885 doanh nghiệp, tăng tới 51% so với cả năm 2017.

Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp khó về đích

“Điều này cho thấy thị trường đang có vấn đề về cách thức hoặc cấu trúc của nền kinh tế, và chúng ta cần phải có sự xem xét đặc biệt về vấn đề này”, ông Thành nhấn mạnh.

Cùng với đó, trong 10 năm qua, quy mô của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam cũng không tăng lên, thậm chí còn có xu hướng giảm xuống. Viện trưởng VEPR phân tích, có hai giả thuyết cho vấn đề này, một là do người kinh doanh không chịu tham gia vào khu vực kinh doanh chính thức và hai là do sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường.

Cụ thể, Báo cáo Kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2018 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho thấy, lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong Quý 4 tăng "bất thường" so với cùng kỳ năm 2017, kéo theo tỷ lệ doanh nghiệp đóng cửa năm 2018 tăng cao.

Nếu cả năm 2018, cả nước có 131.275 doanh nghiệp thành lập mới, tăng nhẹ 3,5% so với năm 2017. Thì tổng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 99.885 doanh nghiệp, tăng tới 51% so với cả năm 2017. Trong đó, lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong quý 4 là 22.581 doanh nghiệp, tăng tới 74% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bởi vậy, Viện trưởng VEPR đánh giá "mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp trong năm 2020 là vô cùng khó khăn và thậm chí có thể không đạt được, khi hiện nay Việt Nam mới chỉ có khoảng 600.000 doanh nghiệp". 

Theo ông Thành, việc không thể hình thành số doanh nghiệp chính thức đủ như mục tiêu của chúng ta là một vấn đề quan trọng. "Nó thể hiện có một “trục trặc” trong môi trường kinh doanh, bởi không phải người Việt không kinh doanh, họ vẫn sản xuất kinh doanh, các hoạt động kinh tế vẫn phát triển bình thường, vấn đề là họ không đăng ký chính thức”, ông Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh.

Trên thực tế, mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 đã nhiều lần khiến các chuyên gia lo ngại. Bởi tốc độ thành lập các doanh nghiệp mới đang giảm dần. “Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vừa khó để đạt được về con số vừa khó đạt chất lượng. Chúng ta phải xác định, trong 1 triệu doanh nghiệp đó có bao nhiêu doanh nghiệp dẫn dắt. Bởi bức tranh doanh nghiệp đầu tàu, dẫn dắt ở Việt Nam còn rất mờ. Chúng ta cũng phải có những doanh nghiệp lớn thì phát triển doanh nghiệp mới nhanh được”, Ông Mạc Quốc Anh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Hà Nội đánh giá.

Thay đổi tư duy "người phục vụ" doanh nghiệp

Đặc biệt, các chuyên gia cho rằng 5,2 triệu hộ kinh doanh đóng góp 32% GDP cho nền kinh tế “không muốn lớn” cũng là nguyên nhân khiến mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp khó về đích. Bởi đây là “đội dự bị” hùng hậu nhất cho mục tiêu phát triển doanh nghiệp. Xét về bản chất kinh tế, khu vực này cũng đã là doanh nghiệp.

Tuy nhiên, các quy định chính sách về kế toán cũng như thuế đang khiến số hộ kinh doanh này “không muốn lớn” thành doanh nghiệp. Do đó, chuyên gia kiến nghị, Chính phủ nên nghiên cứu trình Quốc hội luật sửa đổi các luật kế toán và luật thuế để có thể áp dụng một chế độ kế toán và thuế thật đơn giản, dễ áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ như các nước khác đã làm.

“Để thúc đẩy các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, cần đơn giản hóa các thủ tục về thuế, chính sách kế toán. Cắt giảm tối đa các điều kiện kinh doanh và hạn chế tối thiểu việc kiểm tra, thanh tra... Nếu thực hiện đồng bộ việc này sẽ giúp thúc đẩy tiến trình chuyển đổi các hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Đây chính là những việc cần phải làm ngay trong năm 2019”, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp

    Doanh nghiệp "khai tử" tăng gần 50% là dấu hiệu đáng lo ngại

    16:34, 27/12/2018

  • Doanh nghiệp giải thể cao: Sự “thanh lọc” tất yếu của nền kinh tế

    Doanh nghiệp giải thể cao: Sự “thanh lọc” tất yếu của nền kinh tế

    05:15, 05/12/2018

Đồng thời, theo TS Vũ Tiến Lộc, dòng chảy chính của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới là sự dịch chuyển các hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Minh bạch hóa và quốc tế hóa khu vực các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa chính là cách để tạo nên một cộng đồng doanh nghiệp đông về số lượng, chuẩn về chất lượng, đủ năng lực cạnh tranh và vươn ra toàn cầu.

“Nếu so sánh với tỷ lệ 8% của doanh nghiệp tư nhân thì đóng góp 32% GDP của các hộ kinh doanh thực sự là con số không nhỏ. Do đó, theo tôi nên đặt đúng tầm quan trọng của kinh tế hộ và tạo điều kiện nâng cấp các hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, cải thiện tính minh bạch và chất lượng tăng trưởng ở Việt Nam”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Cũng theo Chủ tịch VCCI, cùng với những nỗ lực cải cách quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ trong việc cắt bỏ giấy phép con và các thủ tục hành chính với phương châm tiếp tục cởi trói cho doanh nghiệp, chúng ta sẽ chuyển đổi thành công hộ kinh doanh thành doanh nghiệp.

Có cùng quan điểm, Viện trưởng VEPR khẳng định nhấn mạnh, cải thiện môi trường kinh doanh phải là cốt yếu. Tuy nhiên làm sao để cải thiện đạt thực chất, thu hút được doanh nghiệp thành lập.

“Phải có giải pháp thực sự căn cơ, trong đó trước tiên là thay đổi cách ứng xử cũng như mối quan hệ của chính quyền với doanh nghiệp. Thay đổi phải theo cách hỗ trợ doanh nghiệp, tức là “người phục vụ”, không phải theo cơ chế xin-cho. Bởi chúng ta không thể nói người dân làm doanh nghiệp hay không làm doanh nghiệp. Quyết định của họ phụ thuộc vào môi trường kinh doanh thực sự của chúng ta, nếu chúng ta không cải thiện được thì thị trường cũng sẽ có cách trả lời bằng số doanh nghiệp không thể phát triển”,  TS Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh.

Thy Hằng