CPTPP có hiệu lực, doanh nghiệp Việt cần lưu ý những gì?
Chính thức có hiệu lực từ hôm nay (14/1), CPTPP sẽ mang đến cơ hội cho hàng Việt xuất sang các nước đã phê chuẩn CPTPP với những ưu đãi thuế quan, nhưng cũng kèm theo những điều kiện chặt chẽ.
Khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, nhiều nước phải dành tỷ lệ cắt giảm các dòng thuế rất cao, có những nước lên tới 95%. Trong khi Việt Nam chỉ phải cắt giảm ngay lập tức là 66%, 3 năm sau mới nâng lên 86%, có nhiều mặt hàng Việt Nam được quyền bảo lưu đến sau 10 năm.
Nhưng để có thể tận dụng được hết các lợi thế mà Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới này mang lại, nhiều chuyên gia khẳng định, doanh nghiệp Việt cần phải chủ động tìm hiểu kỹ về Hiệp định và phạm vi ảnh hưởng lên ngành của mình, cố gắng tăng tỷ lệ nội địa hóa, đáp ứng các quy tắc xuất xứ của từng loại sản phẩm để hưởng ưu đãi.
Có thể bạn quan tâm
CPTPP và áp lực sửa đổi chính sách
06:30, 14/01/2019
Nỗi lo 10 triệu hộ chăn nuôi và CPTPP
05:02, 05/01/2019
Nguyên tắc sòng phẳng tố tụng CPTPP
10:57, 04/01/2019
Xóa bỏ hoàn toàn 97-100% dòng thuế nhập khẩu
Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), các nước CPTPP cam kết xóa bỏ hoàn toàn từ 97-100% số dòng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam, tùy theo cam kết của từng nước. Gần như toàn bộ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào các nước CPTPP khác sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu hoàn toàn ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc theo lộ trình.
Xét về từng ngành hàng, có thể thấy giày dép, lúa gạo, thủy sản hay đồ gỗ được hưởng không ít lợi ích. Cụ thể như, 78% kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang Canada sẽ được hưởng thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc được hưởng mức cắt giảm 75% so với mức thuế suất hiện tại. Thuế nhập khẩu giày dép vào Mexico và Peru cũng được giảm dần đều và xóa bỏ vào năm thứ 16 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
Với thủy sản, các mặt hàng thủy sản sẽ được hưởng thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực khi xuất khẩu sang Canada và Nhật Bản. Nhiều mặt hàng thủy sản trước chưa được cam kết xóa bỏ thuế quan trong hiệp định Việt Nam – Nhật Bản và ASEAN – Nhật Bản sẽ được hưởng thuế 0% khi xuất khẩu sang Nhật Bản, trong đó một số loài cá tuyết, surimi, tôm, cua... sẽ được hưởng thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
Tương tự, với việc được hưởng thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, gạo sẽ có khả năng tiếp cận và tăng trưởng tại thị trường Canada. Mexico cũng là thị trường mới, xuất khẩu khoảng 70.000 tấn/năm và sẽ được hưởng thuế 0% vào năm thứ 11 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
Hàng loạt mặt hàng nông sản xuất khẩu khác như cà phê, chè, hạt tiêu, hạt điều sẽ được hưởng mức thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Riêng Mexico xóa bỏ thuế cà phê hạt Robusta vào năm thứ 16 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, cà phê hạt Arabica và cà phê chế biến giảm mức thuế suất 50% so với mức thuế hiện hành vào năm thứ 5 và năm thứ 10 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Ngoài ra, xuất khẩu đồ gỗ nội ngoại thất sang các nước Canada, Peru sẽ được hưởng mức thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
Doanh nghiệp phải tận dụng ưu đãi thuế quan như thế nào?
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, lộ trình cắt giảm thuế quan sẽ khiến Việt Nam có lợi khi tham gia vào CPTPP. Nhưng trên thực tế, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, VCCI lại khẳng định rằng tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan từ các FTA của doanh nghiệp Việt Nam mới đạt trung bình 30 - 35%. Điều này do nhiều nguyên nhân, trong đó đáng kể là doanh nghiệp không biết về những cơ hội thuế quan này, không hiểu về điều kiện quy tắc xuất xứ để hàng hóa được hưởng thuế ưu đãi và không biết làm thế nào để tuân thủ các thủ tục phức tạp…
Từ góc nhìn của mình, ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch TBS Group đưa ra khuyến nghị: “Quan trọng là các doanh nghiệp cần phải chủ động tìm hiểu kỹ về Hiệp định và phạm vi ảnh hưởng lên ngành của mình, cố gắng tăng tỷ lệ nội địa hóa, đáp ứng các quy tắc xuất xứ của từng loại sản phẩm để hưởng ưu đãi”.
Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng để toàn bộ nền kinh tế cũng như doanh nghiệp Việt được hưởng lợi từ hiệp định này thì Việt Nam tiếp tục cải thiện thể chế và thay đổi từ chính sách.
“Hiện tại, chúng ta đang cách xa các tiêu chuẩn của CPTPP. Với tốc độ cải cách như hiện nay thì hiện tại Việt Nam khó có thể đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe của hiệp định này. Phải mất ít nhất từ 5 tới 10 năm nữa mới có thể tiến đến được với các tiêu chuẩn của CPTPP. Điều này, đồng nghĩa với việc nếu như Việt Nam không thúc đẩy nhanh chóng quá trình cải cách thể chế và cải cách chính sách thì chúng ta rất có thể “bỏ lỡ” những cơ hội mà hiệp định thương mại tự do này mang lại”, ông Hiếu nhấn mạnh.