Thách thức nào đang chờ ngành cá tra năm 2019?
Thách thức về giống cá tra cũng như vùng nuôi trồng là những áp lực nội tại của cá tra trong năm tới, đòi hỏi doanh nghiệp trong ngành phải tập trung cải thiện từ chất lượng con giống.
Cá tra Việt có một năm rực rỡ, phá vỡ kỷ lục trong 20 năm để đạt mốc 2,3 tỷ USD, sản lượng nguyên liệu đạt trên 1,3 triệu tấn, giá cá tra nguyên liệu đạt ở mức cao trên 35.000đ/kg.
Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng cao, kèm theo thị trường Mỹ với thuế chống bán phá giá sơ bộ POR 14 thấp hơn, cũng như FSIS đã công nhận và đề xuất công nhận cá tra Việt Nam đủ điều kiện xuất sang thị trường Mỹ.
Cùng với đó, năm 2018 ghi nhận xuất khẩu cá tra sang Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất tăng đột biến 108,5% và đạt 48,1 triệu USD. Đặc biệt, VASEP dự báo trong năm 2019, xuất khẩu cá tra sang thị trường Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ do nhu cầu nhập khẩu ổn định ở mức cao.
Tuy nhiên, vào đầu năm 2019 cá tra Việt Nam sẽ phải đương đầu với nhiều đối thủ cạnh tranh mới, đòi hỏi phải nỗ lực hơn trong xây dựng hình ảnh, tăng sức cạnh tranh. Đặc biệt trong đó, “điểm nghẽn” về giống cần được chú trọng tháo gỡ. Nói như ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam (Vinapa) cho rằng, yêu cầu khắt khe của thị trường đòi hỏi doanh nghiệp trong ngành muốn cải thiện chất lượng ngành hàng cá tra sẽ phải tập trung vào việc cải thiện chất lượng con giống.
Trên thực tế, một trong những vấn đề cốt lõi của ngành công nghiệp chế biến cá tra là sự thiếu hụt về con giống, dẫn đến sự thiếu hụt cá tra nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu. 3 năm qua, việc thiếu hụt cá tra nguyên liệu đã đẩy giá cá tra tăng 66%. Việc khép kín quy trình sản xuất để hạ thấp giá thành, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm là điều cấp thiết cần làm ngay.
Tại Hội nghị Sơ kết sản xuất, tiêu thụ cá tra và triển khai đề án giống cá tra ba cấp, nhiều doanh nghiệp cho rằng chất lượng con giống là vấn đề cốt yếu. Doanh nghiệp đề xuất tạo con giống trái mùa với công nghệ cao, hạn chế dịch bệnh. Đồng thời, các doanh nghiệp đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hỗ trợ công tác truyền thông, quảng bá mạnh hơn nữa hình ảnh cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Kiến nghị giải pháp cho vấn đề này, ông Dương Quốc Nghĩa cho rằng, cần quy trình ương, sử dụng chế phẩm sinh học, vacxin để tăng sức đề kháng, kháng bệnh cho cá giống.
“Cùng với đó, trong khâu nuôi cá thương phẩm phải gắn liền với việc cải thiện chất lượng môi trường qua các giải pháp xử lý chất thải, ứng dụng IoT trong kiểm soát môi trường tự động để nâng cao năng suất, đồng thời hạ giá thành sản phẩm, sử dụng công nghệ thân thiện môi trường nhằm tăng sức cạnh tranh”, ông Nghĩa cho biết.
Cùng với thách thức về giống, áp lực nội tại vùng nuôi cũng là khó khăn trong năm mới của ngành. Theo đó, diện tích vùng nuôi được giới chuyên gia nhận định sẽ tăng lên khi cá tra được giá trong năm 2018.
Bởi vậy, TS Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Vinapa khẳng định, sự toan tính chạy theo lợi nhận nhất thời dễ dẫn tới khả năng mất cân đối cung - cầu và người nuôi cá sẽ gánh hậu quả thua lỗ như đã từng xảy ra.
“Điều này kéo theo giá cá tra sắp tới có thể giảm nhưng ngay từ bây giờ cần phải làm thế nào tăng sức chịu đựng cho cá tra và có chiến lược cạnh tranh. Sản lượng giữ ổn định theo nhu cầu thị trường nhưng chất lượng cá tra phải tìm giải pháp nâng cao. Đặc biệt, tận dụng tối đa lợi thế về nguồn nước vùng nuôi, hạ giá thành để tăng sức cạnh tranh, giữ đà tăng trưởng”, TS Võ Hùng Dũng nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Xuất khẩu cá tra có thể đạt 2,2 tỷ USD trong 2019
05:32, 16/01/2019
Không kê khai thuế cả trăm tỷ doanh thu, doanh nghiệp du lịch bị đề nghị điều tra
01:20, 04/01/2019
Mỹ lấy lại “ngôi vương” nhập khẩu cá tra Việt Nam: Chưa thể vội mừng!
11:00, 29/12/2018
Đó là với những vấn đề nội tại, dự báo về thị trường xuất khẩu, chuyên gia đánh giá, sang năm 2019, cá tra Việt nam “không còn một mình một chợ”. Sắp tới thị trường tiêu thụ cá tra sang Trung Quốc có thể sẽ không tăng mạnh, do chính phủ nước này kiềm chế việc xuất khẩu qua đường tiểu ngạch và mở cho xuất chính ngạch.
Nhìn lại trong vài năm gần đây thị trường cá tra được Trung Quốc và Hồng Kông tiêu thụ mạnh, có thời điểm cá tra Việt Nam không đủ cung cấp. Vì vậy hiện thời có một số vùng ở Trung Quốc bắt đầu đổ xô nuôi cá tra và được chính phủ nước này hỗ trợ. Tương tự, Myanmar có vùng nước khả năng mở ra nuôi cá mênh mông. Tính toán như vậy nếu giá cá tra trên thị trường còn tiếp tục tăng sẽ kích thích các nước khác có điều kiện nhắm tới đối tượng nuôi mới cá tra để mưu tìm lợi nhuận.