Lời “cảnh báo” cho nông sản Việt!
Việc Trung Quốc siết nông sản nhập khẩu bằng các rào cản kỹ thuật đang là lời “cảnh báo” cho nông sản Việt xuất khẩu bởi thị trường 1,4 tỷ dân này không còn dễ tính như trước.
Từ tháng 10/2019, thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc phải có giấy chứng nhận chất lượng, xuất xứ
Miếng bánh không “dễ xơi”
Từ tháng 10/2019, thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc phải có giấy chứng nhận chất lượng, xuất xứ được cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu ban hành.
Các cơ quan chức năng Trung Quốc sẽ quản lý danh mục hàng hóa thực phẩm được phép xuất khẩu vào Trung Quốc; danh sách cơ sở, doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu vào Trung Quốc với đầy đủ chứng thư xuất khẩu; các loại hàng hóa lần đầu tiên nhập khẩu và chưa có trong danh mục.
Riêng với sản phẩm thủy sản lần đầu tiên xuất vào Trung Quốc phải đăng ký để Trung Quốc kiểm tra, đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm mới được nhập.
Trung Quốc là một trong 5 thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam với tỷ trọng áp đảo lên đến 75%, song, theo các chuyên gia trong ngành, việc Trung Quốc dựng rào cản, siết nhập khẩu nông sản đã khiến thị trường tiềm năng với 1,4 tỷ dân này không còn là thị trường dễ tính như trước kia. Nông sản Việt muốn vào thị trường này, cần đáp ứng đủ các điều kiện khắt khe của họ.
Theo dự báo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2019 thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe hơn. Vì vậy doanh nghiệp và nông dân cần phải tuân thủ theo quy định trọng sản xuất và phát triển bền vững, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm.
Bình luận về vấn đề này, ông Vĩ Tích Thành - Tham tán Thương mại và kinh tế, Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP HCM, cho biết: “Ẩm thực với người Trung Quốc rất quan trọng. Chúng tôi rất thích ăn, biết ăn và ăn rất khỏe. Tuy nhiên, người Trung Quốc ngày càng nâng cao tiêu chuẩn của nông sản. Không phải vì đông dân nhất thế giới, nhu cầu nông sản, ẩm thực nhiều mà cái gì cũng có thể bán được cho Trung Quốc”.
Theo ông Thành, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam rất được ưa chuộng tại Trung Quốc. Song, nông sản Việt vẫn đang xuất sang Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch, xuất chính ngạch còn rất hạn chế. “Tiểu ngạch quan trọng nhưng lại không bền vững, yếu tố rủi ro rất cao. Hiện Trung Quốc rất quan trọng yếu tố truy xuất nguồn gốc nông sản”, ông Thành nói.
Đồng quan điểm, ông Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn cũng cho rằng, Trung Quốc nói riêng và các nước nói chung, với sức sản xuất, lao động của mình,... họ không thể có nguồn nông sản cung cấp đủ, chỉ là họ đi từ phân khúc này sang phân khúc khác, từ tiêu chuẩn này sang tiêu chuẩn khác và chúng ta phải nắm bắt được, từ đó sản xuất ra những sản phẩm phù hợp, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Có thể bạn quan tâm
Nông sản Việt cần nâng “chất” để thích ứng FTA
12:30, 21/12/2018
TP.HCM: Doanh nghiệp gặp khó khi đưa nông sản Việt sạch đến người tiêu dùng
11:00, 21/12/2018
"Cửa" nào cho nông sản Việt vào Australia?
01:02, 19/12/2018
Nỗi buồn nông sản Việt
14:36, 27/11/2018
Nông sản Việt vẫn "gặp khó" khi đăng ký bảo hộ
07:55, 13/11/2018
Doanh nghiệp Singapore đang "nhắm" vào nông sản Việt Nam
00:36, 29/10/2018
Nông sản Việt vào siêu thị: Cần "liệu cơm gắp mắm"
04:02, 26/10/2018
Liên tục "đụng hàng", nông sản Việt sẽ đi về đâu?
03:14, 17/10/2018
Trò chuyện với nữ doanh nhân ví nông sản Việt như "cô gái quê danh giá"...
11:05, 20/10/2018
Thanh long và ba yếu điểm "cố cựu" của nông sản Việt
11:00, 09/10/2018
Thay đổi tư duy để bắt kịp thị trường
Theo các chuyên gia trong ngành, việc Trung Quốc tăng cường rào cản, siết nhập khẩu tiểu ngạch chính là lời cảnh báo cho nông sản Việt Nam xuất khẩu. Song, nhìn ở góc độ lạc quan thì điều này sẽ giúp Việt Nam nâng cao quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm, thay đổi tư duy để bắt kịp thị trường, hướng tới xuất khẩu chính ngạch thay cho xuất khẩu tiểu ngạch như trước đây.
TTXVN dẫn lời ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho biết, Trung Quốc không còn là khách hàng dễ tính. Sự chuyển dịch tầng lớp dân cư nước này diễn ra rất mạnh mẽ, khi có tới 60% số người thuộc tầng lớp trung lưu. Do đó, nhu cầu các sản phẩm chất lượng cao, an toàn thực phẩm cũng tăng theo.
Ông Nguyễn Quốc Toản cho rằng từ xưa tới nay, ngành nông nghiệp vẫn quen với việc sản xuất ra rồi mới chào hàng, nói cách khác là "bán những những gì chúng ta có thay vì bán những gì thị trường cần." Điều này đòi hỏi cần có sự thay đổi trong tư duy và thói quen của cả người tiêu dùng lẫn người sản xuất.
Năm 2018, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang các thị trường truyền thống đều tăng trưởng mạnh so với năm 2017, ngoại trừ thị trường Trung Quốc.
Lý giải nguyên nhân này, ông Nguyễn Quốc Toản cho rằng đầu ra nông sản của Việt Nam vẫn phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc, trong khi đó thị trường này ngày càng siết chặt quản lý nhập khẩu, thậm chí đóng cửa nhiều tuyến cửa khẩu xuất khẩu tiểu ngạch.
Ông Toản cho biết thêm, quan điểm của Trung Quốc và Việt Nam là nông sản Việt Nam cần hướng tới xuất khẩu chính ngạch. Việc này giúp nâng cao năng lực tiếp cận thị trường, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp và năng lực thích ứng thị trường của nông dân được nâng cao.
Ngoài ra, thương mại điện tử ở Trung Quốc cũng đang phát triển mạnh đến từng ngóc ngách các hộ gia đình. Vì vậy, ông Toản khuyến nghị doanh nghiệp cần tận dụng các kênh bán hàng này, đồng thời hướng tới làm ăn bài bản tại thị trường Trung Quốc.