Mở đường bay thẳng Việt - Mỹ: Việt Nam đã đạt chuẩn!

Thy Hằng 15/02/2019 16:43

CAT1 là bước tiến quan trọng, tiến tới thiết lập đường băng thẳng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Đây là kết quả của nhiều năm nỗ lực làm việc của Cục Hàng không Việt Nam và Bộ GTVT.

Chiều ngày 15/2, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink đã trao Chứng chỉ công nhận năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT1) cho Cục Hàng không Việt Nam.

 Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng nhận Chứng chỉ CAT1

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng nhận Chứng chỉ CAT1. Ảnh:VGP

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink cho biết, hôm nay là một ngày tuyệt vời cho Hoa Kỳ, cho Việt Nam và cho quan hệ đối tác Việt Nam-Hoa Kỳ. “Sự hợp tác tốt đẹp của hai nước Việt Nam, Hoa Kỳ được thể hiện trên nhiều phương diện khác nhau, trong đó có Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội”, Đại sứ Daniel J. Kritenbrink nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo Cục Hàng không, hiện tất cả quốc gia trên thế giới đều chịu sự giám sát an toàn của Tổ chức Hàng không thế giới (ICAO). Riêng Mỹ có quy định muốn bay đến nước này phải chịu Chương trình thanh sát của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA). 

CAT1 là chuẩn giám sát an toàn hàng không được phê chuẩn bởi chương trình Đánh giá An toàn Hàng không Quốc tế của FAA, dựa trên 8 tiêu chuẩn an toàn trọng yếu của ICAO. Quan trọng hơn, CAT1 là sự công nhận của quốc tế về an toàn hàng không.

“CAT1 là bước tiến quan trọng, tiến tới thiết lập đường băng thẳng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Đây là kết quả của nhiều năm nỗ lực làm việc của Cục Hàng không Việt Nam và Bộ GTVT”, Đại sứ Daniel J. Kritenbrink nói.

Từ năm 2012, Việt Nam bắt đầu đặt mục tiêu được phê chuẩn CAT 1, tuy nhiên đây là vấn đề rất khó khăn, trong khi đó nếu FAA đánh giá không đạt yêu cầu, uy tín của ngành hàng không, hình ảnh của Việt Nam sẽ ảnh hưởng rất lớn.

Đầu năm 2015, Nhà chế tạo máy bay Boeing của Hoa Kỳ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Cục Hàng không Việt Nam, bắt đầu quá trình đạt được CAT1. Năm 2015, Việt Nam, Hoa Kỳ kỷ niệm 20 năm Ngày bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Sau đó, Boeing đã chuyển giao máy bay Boeing 787-9 đầu tiên cho Hãng hàng không Quốc gia của Việt Nam (Vietnam Airlines).

Như vậy, sau nhiều năm, Việt Nam đã chính thức được FAA phê chuẩn CAT1. Đạt được CAT1, Cục Hàng không Việt Nam sẽ được phép giám sát các hãng hàng không có trụ sở tại Việt Nam nhằm bảo đảm sự tuân thủ các quy chế và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để có thể bay thẳng đến Mỹ, không phải transit (quá cảnh) ở nước thứ ba.

Trên thực tế, Hiệp định hàng không Việt Nam-Hoa Kỳ được ký kết năm 2003, Hiệp định này cho phép các hãng hàng không mở đường bay thẳng giữa 2 nước. Về phía Mỹ, United Airlines đã mở đường bay từ San Fransisco tới TPHCM của Việt Nam nhưng quá cảnh ở Hongkong. Năm 2016, đường bay San Fransisco tới TP HCM đã tạm dừng khai thác do thị trường chưa tốt.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục hàng không Việt Nam, đạt CAT 1 mới chỉ là một trong những điều kiện chính về mặt kỹ thuật, mở ra cơ hội bay thẳng đi Mỹ, góp phần nâng tầm hàng không Việt Nam trên thị trường hàng không quốc tế .

Ngoài ra, để được chính thức chấp thuận bay đến Mỹ còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như vấn đề thủ tục an ninh, nguồn lực tài chính của các hãng hàng không trong nước.

Có thể bạn quan tâm

  • Hàng không Việt có “vé” bay thẳng đến Mỹ

    Hàng không Việt có “vé” bay thẳng đến Mỹ

    11:00, 15/02/2019

  • Đề xuất xây dựng mở rộng cảng hàng không Điện Biên

    Đề xuất xây dựng mở rộng cảng hàng không Điện Biên

    00:04, 03/02/2019

  • Hàng không đãi

    Hàng không đãi "tay mới"?

    08:21, 29/01/2019

  • Chính phủ tháo gỡ

    Chính phủ tháo gỡ "nút thắt cổ chai" về hạn chế kết nối hàng không cho du lịch Việt

    08:42, 27/01/2019

Mở đường bay thẳng đến Mỹ có thể xem là cơ hội rất tốt để thúc đẩy đầu tư phát triển, tăng cường giao lưu, nhưng cũng trở thành một thách thức lớn đối với các hãng hàng không Việt Nam trên con đường hội nhập quốc tế.

Được biết, hiện Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways đều đã lên kế hoạch mở đường bay đến Mỹ, trong đó Vietnam Airlines dự định bay thẳng đến Mỹ vào cuối năm 2019. 

Trước khi có đường bay thẳng, khi bay từ Việt Nam sang Mỹ, hành khách sẽ phải bay ít nhất là hai chuyến. Từ Việt Nam quá cảnh (transit) ra một nước quốc tế nào đó ở Châu Á (Nhật, Hàn, Trung Quốc, Singapore...), sau đó từ trạm trung chuyển quốc tế này, hành khách mới có chuyến bay đến Mỹ.

Hiện nay, có hơn 10 hãng hàng không khai thác chặng bay Việt Nam đi Mỹ tại các sân bay Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất (như United Airlines; American Airlines; Northwest Airlines; Eva Air; China Airlines; Singapore Airlines...). 

Thời gian trung chuyển hành khách với 1 điểm dừng này khoảng 3 - 5 giờ. Nếu có 2 điểm dừng (dừng qua đêm) và chuyển đổi sân bay, thời gian bay có thể kéo dài 25 - 38 giờ.

Thy Hằng