Số doanh nghiệp “chết” nhiều hơn “sinh”: Chuyên gia nói gì?
Việc doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hay thậm chí giải thể là câu chuyện tất yếu của thị trường. Hơn nữa, tháng 2 lại là tháng nghỉ dài của Tết Nguyên đán.
Thông tin về số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm lớn hơn số doanh nghiệp thành lập đã khiến nhiều người tỏ ra lo lắng. Tuy nhiên, theo phân tích của chuyên gia, chúng ta đừng vội đưa ra nhận định bởi tháng 2 là tháng có ngày nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi khá dài.
Cụ thể, số liệu do Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, trong 2 tháng đầu năm nay, cả nước có 15.979 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 247.400 tỷ đồng, giảm 14,6% về số doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2018. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 15,5 tỷ đồng, tăng 46,7%.
Bên cạnh đó, còn có 10.191 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 48,2%, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động lên gần 26.200 doanh nghiệp.
Đáng chú ý, số doanh nghiệp thành lập mới trong 2 tháng đầu năm tại các vùng kinh tế đều giảm so với cùng kỳ năm trước: Vùng Đông Nam Bộ giảm 20,6%; Đồng bằng sông Hồng 5,1 nghìn doanh nghiệp, giảm 6,6%; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung giảm 11,9%; Trung du và miền núi phía Bắc giảm 27%...
Đặc biệt, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong 2 tháng đầu năm nay là 13.519 doanh nghiệp, tăng 20,8% so với cùng kỳ. Trong 2 tháng đầu năm nay còn có 13.692 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể.
Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 2 tháng đầu năm 2019 là 3.156 doanh nghiệp, tăng 24,8% so với cùng kỳ.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp giải thể cao: Sự “thanh lọc” tất yếu của nền kinh tế
05:15, 05/12/2018
Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp khó về đích?
05:37, 14/01/2019
Giải "thế khó" cho mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020
12:00, 18/10/2018
Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp đang cận kề
05:15, 23/06/2018
Lo lắng cho mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020
11:00, 18/06/2018
Trao đổi với SGGP, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho biết,tTrong số những doanh nghiệp giải thể, cũng có những doanh nghiệp chuyển sang một lĩnh vực kinh doanh khác, cũng có doanh nghiệp chuyển trở lại kinh doanh theo hình thức hộ kinh doanh.
Bên cạnh việc nhìn vào số liệu của cơ quan thống kê, chúng ta nên đồng thời nhìn vào những số liệu của cơ quan thuế thì đánh giá về môi trường kinh doanh và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp sẽ chính xác hơn.
“Nhìn vào số liệu thống kê của 2 tháng, mà lại trong khoảng nghỉ dài của Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, thì đưa ra nhận định lúc này là còn khá sớm. Mặt khác, việc doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hay thậm chí giải thể cũng là câu chuyện tất yếu của thị trường. Tôi thấy chưa có lý do gì để lo ngại quá, nhưng vẫn cần tiếp tục theo dõi sát tình hình”. – bà Thảo nói.
Vẫn theo bà Thảo, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường như: doanh nghiệp chưa được trang bị kỹ càng trước khi gia nhập thị trường; những hạn chế cố hữu của doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa được giải quyết căn bản; năng lực cạnh tranh, năng lực đổi mới sáng tạo còn thấp; môi trường kinh doanh mặc dù đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn những rào cản…
“Đa số các doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là các doanh nghiệp quy mô nhỏ với vốn dưới 10 tỷ đồng. Đây là nhóm doanh nghiệp có tính linh hoạt rất cao nhằm phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của thị trường và cũng là khu vực có thể dễ dàng chuyển hướng kinh doanh khi gặp khó khăn. Qua các số liệu cho thấy, các doanh nghiệp của Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, kinh doanh một cách truyền thống vẫn đang gặp khó khăn.
Tuy nhiên, điều này diễn ra không chỉ riêng năm 2019 mà trong bất cứ giai đoạn nào, muốn cho doanh nghiệp hoạt động tốt, phát triển bền vững thì đều phải rà soát lại các quy định về đăng ký kinh doanh và quản lý doanh nghiệp. Môi trường kinh doanh nói chung cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn nữa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp”. – bà Thảo phân tích.
Trước thông tin về số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và chờ giải thể tăng cao, trước đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đưa ra một số nguyên nhân.
Theo đó, ông Dũng cho rằng, do quy luật đào thải; việc tiếp cận các yếu tố đầu vào như vốn, đất đai, lao động của doanh nghiệp còn rất khó khăn. Ngoài ra có doanh nghiệp lập nên để chuộc lợi chính sách, buôn bán hóa đơn.
Trong khi đó, trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Văn Nam - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, trong các nguyên nhân trên vẫn có một nguyên nhân nặng nề nhất đối với doanh nghiệp, đó là chi phí của các doanh nghiệp không ngừng tăng lên kéo theo lợi nhuận giảm xuống đến mức thua lỗ khiến doanh nghiệp phải ngừng hoạt động.
Chưa xét đến chi phí không chính thức, riêng về chi phí chính thức, theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Văn Nam, dù Việt Nam hô hào cắt giảm nhưng nhưng thực tế chưa giảm được bao nhiêu...
Thứ chi phí lớn nhất vẫn là chi phí vận tải. Ông Nam dẫn thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam cho hay, khâu vận tải chiếm tới 40-60% chi phí logistics. Chi phí vận tải ở Việt Nam rất đắt đỏ do vẫn chủ yếu sử dụng phương thức vận tải đường bộ, vốn chi phí quá cao, trong khi những phương thức khác như đường sắt, đường thủy có khối lượng lớn, giá thành thấp lại chưa tận dụng được.
Tính toán của Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cho thấy, ngoài các loại phí cố định, phí cầu đường BOT còn cao hơn cả phí nhiên liệu cho cùng một quãng đường vận chuyển vì các trạm thu phí dày đặc.