Doanh nghiệp thịt lợn sụt giảm 50% sản lượng tiêu thụ vì… dịch tả lợn và sán lợn
Người tiêu dùng hoang mang “quay lưng” với thịt lợn khiến hàng triệu hộ chăn nuôi và các doanh nghiệp đang sản xuất chế biến thịt lợn đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm lao đao.
Những ngày qua, thông tin về dịch tả lợn châu Phi bùng phát kèm vụ việc hàng trăm trẻ nhiễm sán lợn tại Bắc Ninh khiến người tiêu dùng hoang mang “quay lưng” với thịt lợn, thiệt hại lớn nhất thuộc về hàng triệu hộ chăn nuôi và các doanh nghiệp đang sản xuất chế biến thịt lợn đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Doanh nghiệp lao đao
Trao đổi với PV Báo DĐDN, ông Đào Quang Vinh - Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vinh Anh lo lắng, người tiêu dùng đang bị tình trạng thiếu thông tin, thiếu nguồn cung cấp thực phẩm thịt lợn an toàn nên dẫn tới “quay lưng” với sản phẩm thịt lợn.
Theo ông Đào Quang Vinh, lượng lợn nhiễm dịch tả lợn chiếm chưa tới 1/1000 đàn lợn trên cả nước, tỉ lệ này là rất nhỏ nhưng do tâm lý lo lắng người tiêu dùng đã giảm hẳn việc sử dụng thịt lợn. Thêm vào đó, thông tin về sán lợn khiến nhiều trường học mà chúng tôi cung cấp thịt lợn đã ngừng hoặc giảm lượng thịt lợn theo hợp đồng.
“Chúng tôi hiện cung cấp thịt lợn cho khoảng 100 trường học trên địa bàn thủ đô, lượng tiêu thụ khoảng 3 tấn thịt/ngày. Tuy nhiên gần đây các trường đã thông báo giảm số buổi cung cấp thịt lợn từ 5 buổi xuống còn 3 buổi trên tuần, số lượng cũng giảm, thậm chí có trường thông báo dừng hẳn. Cùng với đó hệ thống bán lẻ ở các siêu thị kênh phân phối cũng giảm mạnh. Ước tính tổng sản lượng sụt giảm gần 50%, doanh nghiệp phải chuyển sang cấp đông sản phẩm”, Tổng Giám đốc Công ty Vinh Anh chia sẻ.
Cùng lo lắng về vấn đề này, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương cho biết, hiện nay đã có hơn 34.000 con lợn bị bệnh và cả lợn nằm trong ổ dịch bị tiêu huỷ.
“Điều này có nghĩa là hễ nằm trong đàn lợn nhiễm bệnh, dù con lợn đó khoẻ mạnh thì cũng bị tiêu huỷ. Con số này rất nhỏ. Còn lại, thịt lợn đang lưu hành trên thị trường là thịt đảm bảo an toàn. Hàng ngày gia đình tôi vẫn ăn thịt lợn, thậm chí còn sử dụng nhiều hơn bình thường, ngay cả Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng khẳng định như vậy”, ông Dương nhấn mạnh.
Trên thực tế, việc sản xuất giết mổ và chế biến thịt lợn vẫn được đảm bảo ở các doanh nghiệp có quy trình khép kín đảm bảo an toàn.
“Tại các doanh nghiệp như chúng tôi, lợn thịt được đảm bảo lấy mẫu xét nghiệm kiểm tra trước khi xuất chuồng. Về đến nhà máy chế biến cũng phải tiến hành test nhanh mẫu máu đảm bảo an toàn mới đưa vào giết mổ, nên vấn đề an toàn thực phẩm được đảm bảo đầu tiên. Cùng với đó, virus tả lợn châu Phi cũng được tiêu diệt ở nhiệt độ 56 độ C tuyệt đối không lây sang người. Do đó người tiêu dùng không nên quá hoang manh”, ông Đào Quang Vinh phân tích.
Bản thân Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cũng khẳng định, hiện, 70% tiêu dùng thực phẩm trong nước là dùng thịt lợn, do đó, không thể một sớm một chiều chuyển sang sử dụng các sản phẩm khác như gia cầm, thuỷ sản…
“Việc của ngành chăn nuôi là vẫn phải đảm bảo cung cấp thịt cho người tiêu dùng. Có một vấn đề cần làm rõ, đó là minh bạch độ an toàn của thịt lợn như thế nào để người tiêu dùng yên tâm”, ông Dương nói.
Có thể bạn quan tâm
Người chăn nuôi lâm vào cảnh "đường cùng" vì dịch tả lợn châu Phi
11:01, 09/03/2019
Thịt lợn ế ẩm vì dịch tả lợn Châu Phi
01:46, 08/03/2019
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thực hiện “5 không” để chống dịch tả lợn châu Phi
11:31, 04/03/2019
Dịch tả lợn châu Phi lây lan do… giá đền bù thấp
10:00, 04/03/2019
Thái Bình: Tiêu hủy 237 con lợn bị mắc dịch tả lợn châu Phi
17:02, 27/02/2019
Trẻ nhiễm sán lợn: Ai chịu trách nhiệm?
05:00, 19/03/2019
Trẻ bị nhiễm sán lợn: Bài học đạo đức người kinh doanh
21:34, 18/03/2019
Vụ nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh: Thủ tướng chỉ đạo xử lý nghiêm!
15:13, 18/03/2019
Xây chuỗi để kiểm soát an toàn
Kiến nghị giải pháp cho vấn đề này, Tổng Giám đốc Công ty Vinh Anh nhấn mạnh, cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người tiêu dùng không “quay lưng” với thịt lợn. Đặc biệt, việc này còn đảm bảo vấn đề về đàn lợn sinh sản của ngành chăn nuôi, ảnh hưởng tới tương lai của cả một ngành trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.
“Cùng với đó, việc xây dựng chuỗi là quan trọng để đảm bảo tính phát triển bền vững của ngành. Khi hình thành chuỗi và có quy trách nhiệm từng khâu có truy suất sẽ nâng cao chất lượng của từng đơn vị tham gia vào mỗi khâu trong chuỗi. Doanh nghiệp chế biến sẽ đảm bảo được nguồn cung cũng như chất lượng sản phẩm, kiểm soát được bệnh dịch, chủ động được thị trường và vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm”, ông Vinh nhấn mạnh.
Theo báo cáo mới nhất của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), tính đến ngày 18/3, dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã xuất hiện tại 253 xã, 57 huyện của 19 tỉnh, thành phố, với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 26.807 con, trong đó tỉnh mới xuất hiện là Bắc Ninh và một địa phương khác cũng đã xuất hiện là Thừa Thiên- Huế (đang đợi quyết định công bố dịch). Nguy cơ dịch bệnh này tiếp tục lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao, gây tâm lý hoang mang đối với nhiều hộ chăn nuôi và cả người tiêu dùng thịt lợn.