Tăng giá sản phẩm theo giá điện: Cực chẳng đã!

Vân Du (tổng hợp) 25/03/2019 08:00

Các mặt hàng xi măng tăng từ 20.000 – 50.000 đồng/tấn, sắt thép xây dựng cũng tăng giá bán từ 100.000 -200.000 đồng/tấn…

Giá điện tăng 8,36% kể từ ngày 20/3 khiến không ít doanh nghiệp phải lo lắng khi chi phí sản xuất kinh doanh sẽ tăng theo, nhất là đối với các doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng điện năng như ngành thép, dệt may, xi măng...

Doanh nghiệp buộc phải tăng giá sản phẩm đề bù vào chi phí đầu tư, sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Sưa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, quyết định tăng giá điện của Bộ Công Thương đã ảnh hưởng lớn đến ngành thép. Theo ước tính của Hiệp hội Thép, giá điện tăng 8,36% thì giá thép có thể tăng trên dưới 100.000 đồng/tấn. Thép là ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng trong đó có điện năng. Do đó, giá điện tăng thì chi phí sản xuất sẽ tăng lên.

Đúng như dự báo của ông Sưa, chưa đầy một tuần sau khi có thông báo chính thức tăng giá điện, hôm nay (25/3), các mặt hàng sắt thép xây dựng đã công bố tăng giá bán từ 100.000 - 200.000 đồng/tấn.

Cụ thể, Công ty sản xuất thép Australia SSE (SSE Steel) tăng giá bán thép cây D10 thêm 100.000 đồng/tấn, đối với thép cây và thép cuộn tăng thêm 200.000 đồng/tấn. Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco) cũng nâng giá thép thành phẩm, trong đó, thép thanh vằn D10 tăng 200.000 đồng/tấn; thép cuộn, D12 và D14 trở lên tăng 150.000 đồng/tấn. Giá các sản phẩm thép xây dựng dự án các loại cũng tăng 150.000 đồng/tấn…

Theo lý giải của đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam, việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng lớn đến giá thành sản phẩm bởi sản lượng từ các cơ sở sản xuất theo công nghệ điện hồ quang EAF chiếm đến 65% tổng sản lượng sản xuất thép trong nước, trong khi giá điện thường chiếm 8 - 9% chi phí sản xuất. Việc chi phí đầu vào phục vụ sản xuất tăng cao nên các doanh nghiệp sản xuất sắt thép phải điều chỉnh tăng giá để bù đắp nhằm đảm bảo hiệu quả sản xuất, kinh doanh là điều khó tránh khỏi. 

“Mặc dù nhiều doanh nghiệp thép đã mạnh tay đầu tư ứng dụng công nghệ kỹ thuật mới để tiết giảm điện năng, song mức chi phí cho điện vẫn rất lớn. Ðể đảm bảo lợi nhuận, giá bán thép ra thị trường buộc phải điều chỉnh nhích lên”. – ông Sưa giải thích.

Có thể bạn quan tâm

  • Giá điện tăng 8,36% có gây ra thách thức lớn với lạm phát năm 2019?

    11:00, 25/03/2019

  • Doanh nghiệp “đối phó” với tăng giá điện thế nào?

    11:00, 23/03/2019

  • Giá điện chính thức tăng sau 2 năm giữ bình ổn

    02:37, 21/03/2019

  • Tăng giá điện: Hệ luỵ từ quy hoạch

    10:08, 14/03/2019

  • Nghe giá điện tăng... doanh nghiệp thuỷ sản "sốc"

    15:18, 12/03/2019

  • Giá điện “đè nặng” doanh nghiệp

    12:20, 09/03/2019

  • Tăng giá điện: Đã đúng và trúng thời điểm?

    11:08, 08/03/2019

Hiện chi phí điện chiếm trên 10% chi phí sản xuất. Với ngành xi măng, nếu áp giá mới, sản xuất clinker đội thêm khoảng 7.500 đồng/tấn và xi măng tăng thêm khoảng 20.000 đồng/tấn.

Không chỉ mặt hàng sắt thép tăng giá, các mặt hàng xi măng cũng rục rịch tăng theo giá điện. Đơn cử, Công ty CP xi măng Sông Lam (Tập đoàn xi măng Vissai) vừa phát đi thông báo gửi các khách hàng về việc điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm xi măng bao, rời, mức điều chỉnh giá bán tăng đối với xi măng bao từ 50.000 đồng/tấn và xi măng rời tăng 40.000 đồng/tấn, áp dụng từ ngày 1/4/2019.

Không chỉ Sông Lam, mới đây, một loạt các đơn vị khác cũng đã có thông báo điều chỉnh tăng giá bán với mặt hàng xi măng rời và bao như: Vicem Hoàng Thạch tăng từ 20.000 -50.000 đồng/tấn; Vicem Hạ Long từ 20.000 - 30.000 đồng/tấn; Vicem Hà Tiên, Vicem Bỉm Sơn, Vicem Nghi Sơn, Cẩm Phả cùng tăng 30.000 đồng/tấn…

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp như: Vissai Ninh Bình, Xi măng Sông Lam, Xi măng Đồng Lâm, Xi măng Công Thanh… cũng sẽ điều chỉnh giá bán xi măng bắt đầu từ ngày 1/4/2019.

Có thể thấy, đối với doanh nghiệp giá bán là vấn đề “tử huyệt” để duy trì thị phần. Việc cạnh tranh về giá là rất khốc liệt nhất là trong bối cảnh hàng Trung Quốc, hàng giả, hàng nhái nhan nhải ngoài thị trường với mức giá rẻ hơn. Cực chẳng đã doanh nghiệp buộc phải tăng giá thành sản phẩm để ổn định hoạt động, có điều kiện tái đầu tư, đảm bảo chất lượng sản phẩm phục vụ tốt cho khách hàng.

Vân Du (tổng hợp)