Giá điện tăng 8,36% có gây ra thách thức lớn với lạm phát năm 2019?

Thy Hằng 25/03/2019 11:00

Việc giá điện tăng 8,36% vừa qua sẽ gây ra tác động mang tính lan tuyền gián tiếp lên mặt bằng giá cả, tuy nhiên sẽ ở mức hạn chế. Đồng thời tạo áp lực khiến lạm phát tăng mức 3,5% năm 2019.

Sau khi giá điện được điều chỉnh tăng thêm 8,36% mới đây, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng đưa ra báo cáo cập nhật liên quan đến tình hình lạm phát. Theo đó, quan sát của BVSC cho thấy, những năm CPI tăng mạnh mà có sự điểu chỉnh giá điện thì ngoài giá điện ra, lạm phát những năm đó còn bị tác động cộng hưởng của nhiều yếu tố khác, đặc biệt là do cung tiền gia tăng mạnh.

CPI tăng thêm 0,3%

Theo BVSC trong hai tháng đầu năm, chỉ số CPI đã tăng lần lượt là 0,1% và 0,8%. Cụ thể, tính đến cuối tháng 2, CPI tăng 2,64% so với cùng kỳ năm trước, duy trì xu hướng giảm và thấp hơn khá nhiều mức đỉnh 4,67% vào tháng 5/2018. Việc hạ nhiệt của CPI chủ yếu nhờ đóng góp của nhóm hàng giao thông (giảm 3% so với cùng kỳ) trong khi nhóm hàng y tế chỉ tăng 1,8% (không còn đột biến như năm 2017).

Theo tính toán của BVSC, với tỷ trọng của nhóm hàng điện trong rổ tính CPI chỉ chiếm 3,5% thì việc tăng giá điện trung bình thêm 8,36% dự kiến sẽ khiến chỉ số CPI tổng thể tăng thêm khoảng 0,3% (tác động vòng 1 mang tính trực tiếp nhất). 

Mức tác động tăng CPI 0,3% sẽ chỉ phân bổ một phần vào số liệu CPI của tháng 3 do ngày điều chỉnh giá điện đã vào 20/3, còn lại sẽ tiếp tục phản ánh trong tháng 4.

Từng chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định, còn nhiều thách thức trong công tác kiểm soát lạm phát năm 2019, bởi nhiều yếu tố có thể làm giá cả biến đổi theo chiều hướng tăng được “để dành” từ năm 2018.

Trong đó, giá điện “hứa hẹn” điều chỉnh tăng là mối lo ngại mà ông Long đã nhắc tới khi đánh giá các yếu tố thách thức tới lạm phát 2019. “Một số yếu tố tăng giá ảnh hưởng tới lạm phát năm 2019 như giá điện chưa được điều chỉnh năm 2018 và “hứa hẹn” sẽ điều chỉnh trong năm nay. Cùng với đó là điều chỉnh giá một số dịch vụ y tế, giáo dục theo lộ trình và giá xăng dầu trên thế giới diễn biến bất thường”, ông Long chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp “đối phó” với tăng giá điện thế nào?

    Doanh nghiệp “đối phó” với tăng giá điện thế nào?

    11:00, 23/03/2019

  • Giá điện chính thức tăng sau 2 năm giữ bình ổn

    Giá điện chính thức tăng sau 2 năm giữ bình ổn

    02:37, 21/03/2019

  • Giá điện chính thức tăng 8,36% từ hôm nay (20/3)

    Giá điện chính thức tăng 8,36% từ hôm nay (20/3)

    15:31, 20/03/2019

  • Tăng giá điện: Hệ luỵ từ quy hoạch

    Tăng giá điện: Hệ luỵ từ quy hoạch

    10:08, 14/03/2019

  • Nghe giá điện tăng... doanh nghiệp thuỷ sản

    Nghe giá điện tăng... doanh nghiệp thuỷ sản "sốc"

    15:18, 12/03/2019

Gây tác động lan truyền lên mặt bằng giá

Thống kê cũng cho thấy, từ năm 2010 đến nay, giá điện bình quân đã tăng 9 lần với mức cao nhất thuộc về năm 2011 với 15,3%. Trong quá khứ, tác động vòng 2 của giá điện lên mặt bằng giá cả chung trên thị trường trong thời gian từ 3-6 tháng sau đó không thật sự rõ ràng.

Theo quan sát của BVSC, những năm CPI tăng mạnh mà có sự điểu chỉnh giá điện (giai đoạn 2010-2011) thì ngoài giá điện ra, lạm phát những năm đó còn bị tác động cộng hưởng của nhiều yếu tố khác, đặc biệt là do cung tiền gia tăng mạnh.

Trong giai đoạn hiện tại, BVSC cho rằng các yếu tố liên quan đến cung-cầu trong nền kinh tế đang không tạo ra nhiều rủi ro đối với lạm phát như lần điều chỉnh giá điện năm 2011. Do vậy, tác động mang tính lan tuyền gián tiếp lên mặt bằng giá cả từ việc giá điện tăng trong năm nay là có nhưng sẽ ở mức hạn chế. 

Đối với giá nhóm hàng giao thông, giá dầu thế giới đã bật tăng kể từ đầu năm 2019. Theo mô hình định lượng của BVSC, trong kịch bản cơ sở, nếu giá dầu Brent tiếp tục tăng đều và đóng cửa ở mức 70 USD/thùng vào cuối năm nay thì lạm phát trung bình của Việt Nam năm 2019 sẽ ở mức 3,53%.

Do đó, BVSC đưa ra dự báo, với mức tăng giá điện như hiện tại, lạm phát trung bình năm sẽ ở mức quanh 3,5%. Trong kịch bản dầu Brent ở mức 65 USD/thùng và 80 USD/thùng thì lạm phát trung bình của Việt Nam sẽ lần lượt ở mức 3,33% và 3,76%. Đây là mức dưới 4% như mục tiêu được Quốc hội và Chính phủ đề ra.

Tuy nhiên, chuyên gia Ngô Trí Long cũng lưu ý, công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2019 cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động.

“Các Bộ liên quan cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, đặc biệt là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu để kịp thời đề xuất các giải pháp trong trường hợp có biến động về giá. Bên cạnh đó, cần điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát”, ông Long nói.

Tại cuộc họp ban Chỉ đạo điều hành giá, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đề nghị kiểm soát lạm phát năm 2019 ở mức 3,3 - 3,9%, lạm phát cơ bản ở mức 1,6 - 1,8%, điều hành giá đối với một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu phải theo nguyên tắc công khai, minh bạch với các kịch bản giá phù hợp.

Thy Hằng