5.400 tấn cá "mắc cạn" vì vướng Thông tư 21
Thông tư 21 với quy định về công bố cảng cá chỉ định xác nhận thủy sản có nguồn gốc từ khai thác ban hành không có thời gian chuyển tiếp khiến cho cho các doanh nghiệp tồn đọng 5.400 tấn cá.
Sáng nay (1/4), Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra các Bộ, cơ quan về các quy định đang gây khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Theo đó, Tổ công tác đã nắm bắt ý kiến các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và tổ chức buổi làm việc với 5 Bộ là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ.
“Tự mình làm khó mình”
Doanh nghiệp cho biết gặp khó với những quy định tại thông tư 21 được cho là “tự mình làm khó mình”. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho biết, hiện có khoảng 5.400 tấn nguyên liệu hải sản khai thác đang ứ đọng khi nhiều cảng cá không được Bộ NN&PTNT chỉ định là có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác. Cả nước hiện có 83 cảng cá nhưng Bộ mới công bố 47 cảng đủ điều kiện, theo quy định tại Thông tư 21 năm 2018 của Bộ.
“Với quy định hiện nay không công bố cảng thì không xuất khẩu được cá, nên Bộ cần có sự hỗ trợ địa phương để công nhận các cảng đạt chuẩn loại I, loại II. Do đó VASEP mong muốn trước mắt bộ sớm có biện pháp hành chính để doanh nghiệp xuất khẩu hơn 5.400 tấn cá, vì đã được chế biến”, Vị đại diện VASEP nhấn mạnh.
Cùng với đó, doanh nghiệp cho biết một vướng mắc khác cũng liên quan tới thủy sản nằm tại Thông tư 36 năm 2018 của Bộ này. Theo đó, các lô hàng nguyên liệu thủy sản nhập khẩu từ các cảng trung chuyển về Việt Nam phải nộp bản sao giấy xác nhận do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia nơi có cảng trung chuyển cấp.
Các doanh nghiệp kiến nghị: “Quy định này được cho là không cần thiết, không khả thi nhưng đang gây ách tắc cho nhiều container hàng thủy sản”.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp nông nghiệp nêu 23 vấn đề vướng mắc liên quan 5 Bộ
11:00, 01/04/2019
Cần tháo gỡ khó khăn về quỹ đất cho doanh nghiệp nông nghiệp
07:40, 29/03/2019
Doanh nghiệp cần gì trong “cuộc đua” vào lĩnh vực chế biến ngành nông nghiệp?
06:21, 18/02/2019
Nhiều vướng mắc khác cũng được nêu ra tại buổi làm việc. “Cần rút ngắn thời gian xem xét đăng ký sản phẩm thuốc thú y, có những doanh nghiệp phải chờ từ 6 tháng đến 2 năm”, đại diện doanh nghiệp nói và cho biết thêm hiện thủ tục này tại Cục Thú y vẫn thực hiện thủ công với hồ sơ giấy, chưa được điện tử hóa.
Lưu ý thời gian chuyển tiếp
Giải trình các kiến nghị của VASEP, bà Nguyễn Thị Kim Anh, Vụ trưởng vụ Pháp chế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, tính đến 25/3/2019, các địa phương báp cáo 83 cảng cá đang hoạt động. Tổng lượng hàng hóa thủy sản qua cảng khoảng 1,8 triệu tấn/năm, đáp ứng khoảng 9.300 lượt tàu cá/ngày.
Đến nay, bộ đã công bố 47/83 cảng, ngày 24/4 tiếp tục công bố các cảng còn lại để các tàu cá khi nhập cá về cảng được xác định là hàng lưu cảng.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Anh, nếu để địa phương làm rất chậm, trong khi yêu cầu gỡ thẻ vàng của EU rất gấp, nên bộ đã phải công bố 47 cảng loại 2 đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu xuất nhập khẩu. Bộ đang đề nghị địa phương gửi thông tin nhanh nhất để làm thủ tục công nhận.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn thừa nhận nội dung này và cho biết sẽ rút kinh nghiệm. Tuy nhiên Thứ trưởng cũng cho biết: "Tất cả thủy sản nhập vào Việt Nam phải có chứng nhận nguồn gốc. Việc mua container từ cảng nước ngoài không nhiều doanh nghiệp tham gia. Nhưng muốn gỡ thẻ vàng phải cải tiến, bảo đảm công bằng kể cả nhân dân đánh bắt ngoài khơi về hiện cũng phải khai báo. Phía EU cũng rất quan tâm vấn đề này, quy định phải có chứng nhận nguồn gốc đã sửa nhiều lần, thay vì phải có giấy kiểm dịch nước ngoài đã sửa lại chỉ cần xác nhận chủ tàu, giờ sửa tiếp chỉ cần doanh nghiệp nhập khẩu khai báo thông tin".
Lắng nghe ý kiến đại diện Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác nêu quan điểm, nhiều thủ tục, quy định rất cần thiết về lý thuyết, nhưng cần xem xét trên thực tế có cần không.
“Cần xem xét năm vừa qua kiểm tra bao nhiêu lô hàng, phát hiện bao nhiêu vi phạm? Các nước đã có chứng nhận rồi thì mình có cần kiểm tra nữa không? Còn nếu cứ lý thuyết mà khẳng định là cần thì chúng ta đã không cần phải ngồi với nhau như thế này”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Đặc biệt, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng lưu ý Bộ cần hết sức lưu ý tới quy định chuyển tiếp trong các Thông tư 36 và 21. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ NN&PTNT phải rút kinh nghiệm khi ban hành thông tư 21 về công bố cảng cá chỉ định xác nhận thủy sản có nguồn gốc từ khai thác.
Lý do là thông tư này ban hành ra nhưng không có thời gian chuyển tiếp, khiến cho cho các doanh nghiệp tồn đọng 5.400 tấn cá thời gian qua.
“Thông tư 36 có hiệu lực ngày 10/2 nhưng tới 14/2 thì cơ quan công báo mới nhận được văn bản của Bộ, các doanh nghiệp không nắm được, có cá mà không xuất được. Đề nghị Bộ tiếp tục có văn bản tháo gỡ vấn đề này”, Bộ trưởng đề nghị.