Một bất cập ba năm chưa sửa xong là quá chậm!
Đó là khẳng định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng khi nhắc tới yêu cầu sửa đổi bất cập quy định về muối I-ốt tại Nghị định 09/2016/NĐ-CP.
Theo Bộ trưởng, ba năm sau vẫn chưa làm xong là rất chậm, cần khẩn trương xử lý dứt điểm, thể hiện bằng hành động cụ thể, thể chế hóa, chứ không phải cứ “tiếp tục, đang tiến hành”.
Làm việc với các Bộ, cơ quan về các quy định đang gây khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Mai Tiến Dũng lưu ý, Bộ Y tế cần chú ý khẩn trương sửa đổi quy định về sử dụng muối I-ốt trong chế biến thực phẩm tại Nghị định 09 năm 2016. Đại diện Bộ cho biết Bộ đang trong quá trình hoàn thiện dự thảo sửa đổi quy định này.
“Việc này đã bàn từ năm 2016, tức là rất lâu rồi mà chưa sửa. Tổ công tác đã làm việc với Bộ, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết yêu cầu sửa đổi. Ba năm mà vẫn chưa làm xong là rất chậm, cần khẩn trương xử lý dứt điểm, thể hiện bằng hành động cụ thể, thể chế hóa, chứ không phải cứ “tiếp tục, đang tiến hành””, Tổ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Tổ trưởng Tổ công tác nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng là giao các Bộ trưởng cần phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm, tập trung chỉ đạo, xử lý, tháo gỡ kịp thời, hiệu quả các khó khăn, vướng mắc, nỗ lực phấn đấu cao nhất để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2019.
Tập trung tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách, nhất là những khó khăn vướng mắc ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng. Tập trung chỉ đạo cải cách hành chính thực chất hơn nữa, quyết liệt xóa bỏ những rào cảnh hành chính, những khoảng trống pháp lý dễ tạo cơ hội cho cán bộ sách nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, tiếp tục cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
“Hôm nay tôi rất buồn vì quy định về muối I-ốt, từ năm 2016 tới nay mà chưa sửa xong. Trong khi đó, Bộ NN&PTNT thể hiện tinh thần rất cầu thị, như chúng tôi làm việc ngày 21/3 thì ngay hôm sau đã có văn bản công nhận thêm nhiều cảng cá có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác”, Tổ trưởng Tổ công tác nhận định.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp nông nghiệp nêu 23 vấn đề vướng mắc liên quan 5 Bộ
11:00, 01/04/2019
5.400 tấn cá "mắc cạn" vì vướng Thông tư 21
13:48, 01/04/2019
Cách tiếp cận trong Thông tư 02 về thức ăn chăn nuôi không phù hợp
15:00, 01/04/2019
Kiến nghị Thông tư 02 chỉ áp dụng với đơn vị kinh doanh thức ăn chăn nuôi
17:40, 21/03/2019
Trước đó, các doanh nghiệp đã nhiều lần kiến nghị về những khó khăn doanh nghiệp gặp phải khi áp dụng quy định về muối I-ốt theo Nghị định 09/2016/NĐ-CP. Theo đó, tại Nghị định 09 quy định: “Muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt”.
Tuy nhiên, thực tế khi áp dụng quy định này, một số loại thực phẩm không thể sử dụng muối I-ốt làm nguồn nguyên liệu để chế biến do tạo ra trạng thái cảm quan, màu sắc, mùi vị… không bằng so với việc sử dụng muối thường - không bổ sung i-ốt. Vì vậy, doanh nghiệp chế biến thực phẩm gặp phải rất nhiều bất cập trong quá trình sản xuất, công bố, đưa sản phẩm ra thị trường.
Bà Lý Thị Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (FFA) cho biết, hiện nay đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong ngành chế biến thực phẩm, gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện Nghị định 09 nhất là việc tăng cường i-ốt.
Có cùng quan điểm, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) chỉ ra những bất cập về sử dụng muối có bổ sung i-ốt trong chế biến thực phẩm, nhất là trong chế biến thủy sản như gây biến màu, biến mùi, mất khả năng chống ôxi hóa… hoặc nhiều sản phẩm có sẵn i-ốt (thủy sản) thì không cần sử dụng muối có i-ốt làm tăng giá chi phí sản xuất và tạo hàm lượng i-ốt cao trong sản phẩm…
"Đề nghị chỉ khuyến khích (không bắt buộc) doanh nghiệp sản xuất thực phẩm phải tăng cường muối i-ốt, bắt buộc bổ sung i-ốt trong các sản phẩm như gia vị, hạt nêm…", ông Nam kiến nghị.
Trước những yêu cầu đó, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị, thời gian tới, các Bộ cần khẩn trương báo cáo Quốc hội, Chính phủ các nội dung cần sửa đổi và ban hành ngay các văn bản sửa đổi các thông tư thuộc thẩm quyền của Bộ, thể hiện tinh thần tiếp thu nghiêm túc, hành động cụ thể, tiếp tục cắt giảm các thủ tục, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.