Cẩn trọng với nguy cơ "nhập khẩu lạm phát"!

Thy Hằng 02/04/2019 05:11

Trong 3 quý còn lại của năm 2019, giá một số nhóm hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý tăng theo lộ trình, cùng với những yếu tố bên ngoài sẽ tác động mạnh tới lạm phát.

Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2019 ước tính tăng 6,79% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, trong quý I năm nay, lạm phát được kiểm soát thấp nhất trong 3 năm 2017 - 2019.

Đồng tiền Việt Nam đang mất giá các doanh nghiệp trong nước sẽ có xu hướng đẩy mạnh nhập khẩu hàng hóa thay vì sản xuất trong nước. Hậu quả của xu hướng này chính là nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài vào Việt Nam.

Đồng tiền Việt Nam đang mất giá, các doanh nghiệp trong nước sẽ có xu hướng đẩy mạnh nhập khẩu hàng hóa thay vì sản xuất trong nước. Hậu quả của xu hướng này chính là nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài vào Việt Nam.

Không tăng giá xăng tránh lạm phát kỳ vọng

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2019 theo công bố của cơ quan thống kê giảm 0,21% so với tháng trước, do đó, bình quân quý I/2019 CPI tăng 2,63% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng cục Thống kê đánh giá, đây là mức tăng bình quân quý I thấp nhất trong 3 năm gần đây.

Liên quan đến điều hành giá, Tổng cục Thống kê cho biết, cơ quan thống kê đã tính toán về những tác động trực tiếp và gián tiếp của việc tăng giá điện 8,36%. Việc tăng giá điện sẽ khiến CPI năm 2019 tăng 0,29%.

Cùng với đó, ở kỳ điều hành ngày 18/3 vừa qua, Liên bộ Công Thương - Tài chính tăng chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá để giữ ổn định giá bán lẻ xăng dầu. “Ở kỳ điều hành này, Tổng cục Thống kê đã khuyến nghị không tăng giá xăng dầu vì nếu giá xăng tăng ngày 18/3, tăng giá điện ngày 20/3 sẽ gây lạm phát kỳ vọng và tâm lý hoang mang cho người dân”, ông Nguyễn Bích Lâm Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nói.

Đồng thời, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định, việc điều hành như vậy là tránh lạm phát kỳ vọng, tránh chi tiêu và ổn định tâm lý người dân. “Kể cả nếu tăng giá xăng dầu thì CPI tháng 3 vẫn "âm" từ 0,1 đến 0,2%. Tất cả kịch bản điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý đều có sự phối hợp giữa các bộ, ngành", ông Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.

Trong những tháng cuối năm, một số nhóm hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý giá sẽ tăng theo lộ trình gồm dịch vụ y tế, giá dịch vụ giáo dục, sách giáo khoa, tác động từ việc tăng lương cơ sở vào ngày 1/7.

Ông Đặng Đức Anh, Trưởng ban Phân tích và Dự báo thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia nhận định, áp lực từ thị trường quốc tế trong năm 2019 sẽ không quá mạnh mẽ, tiêu cực như năm 2018. Do đó, mặt bằng giá của Việt Nam chủ yếu sẽ chịu những tác động từ các yếu tố trong nước như: điều chỉnh giá dịch vụ công, mặt hàng do Nhà nước quản lý giá như: điện, dịch vụ y tế, phí bảo vệ môi trường.

Có thể bạn quan tâm

  • Nhịp sống kinh tế: Chính phủ có thể kiểm soát lạm phát ở mức 3,3 - 3,9%

    Nhịp sống kinh tế: Chính phủ có thể kiểm soát lạm phát ở mức 3,3 - 3,9%

    11:05, 01/04/2019

  • Giá điện tăng 8,36% có gây ra thách thức lớn với lạm phát năm 2019?

    Giá điện tăng 8,36% có gây ra thách thức lớn với lạm phát năm 2019?

    11:00, 25/03/2019

  • Điện và xăng rất “nhạy cảm” với lạm phát

    Điện và xăng rất “nhạy cảm” với lạm phát

    05:00, 28/01/2019

  • Có nên nới rộng lạm phát?

    Có nên nới rộng lạm phát?

    17:29, 23/01/2019

  • Quyết tâm điều hành giá nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát từ 3,3% - 3,9%

    Quyết tâm điều hành giá nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát từ 3,3% - 3,9%

    03:07, 23/01/2019

Nguy cơ nhập khẩu lạm phát

Tuy nhiên, một số chuyên gia đánh giá, vẫn có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới CPI trong những tháng tới. Đó là giá các mặt hàng thiết yếu trên thế giới có xu hướng tăng trở lại như giá nhiên liệu, chất đốt, sắt thép,… nên quý I/2019 so với cùng kỳ, chỉ số giá nhập khẩu tăng 1,06%, chỉ số giá sản xuất công nghiệp tăng 1,45%, chỉ số giá sản xuất nông nghiệp tăng 3,6%; chỉ số giá xuất khẩu tăng 2,88%. 

Đó là chưa kể đến các mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý sẽ được điều chỉnh tăng như tăng giá điện, tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục… sẽ khiến lạm phát chung tăng. Đồng thời còn có tác động đáng kể khi xăng dầu tăng giá theo diễn biến giá thế giới và việc tăng thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu từ đầu năm… sẽ có ảnh hưởng lan tỏa đến nền kinh tế.

Cụ thể, chuyên gia Ngô Trí Long phân tích, những căng thẳng về chính trị giữa các nước có thể đẩy giá dầu mỏ leo thang như diễn biến của những năm 2008 - 2009 khi chạm mức đỉnh 147 USD/thùng. Mặt hàng xăng dầu hiện chiếm tỷ trọng gần 3% trong rổ hàng hóa tính chỉ số CPI của Việt Nam. Không chỉ vậy, do xăng dầu là đầu vào của rất nhiều ngành sản xuất khác nên sự tăng giá của nó sẽ tiếp tục làm tăng giá các mặt hàng khác.

“Tăng trưởng kinh tế năm nay có thể không đạt tốc độ tốt như năm 2018 trong khi lạm phát có xu hướng gia tăng”, PGS-TS. Tô Trung Thành, Trường Đại học KTQD nhận định. Các dự báo tăng trưởng và lạm phát của các tổ chức quốc tế như ADB, IMF, WB cũng có nhận định tương tự.

Tính đến thời điểm hiện tại, tiền đồng (VND) đang mất giá ít hơn so với rất nhiều đồng tiền khác như CNY của Trung Quốc, THB của Thái Lan, IDR của Indonesia... đồng nghĩa với việc VND đã gián tiếp lên giá so với các đồng tiền đó. Do vậy, các doanh nghiệp trong nước sẽ có xu hướng đẩy mạnh nhập khẩu hàng hóa thay vì sản xuất trong nước. Hậu quả của xu hướng này chính là nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài vào Việt Nam.

Do vậy, theo các chuyên gia, những yếu tố bên ngoài mới là áp lực chính chứa đựng bất ngờ, có thể ảnh hưởng mạnh đến lạm phát nhưng lại nằm ngoài khả năng kiểm soát của các cơ quan điều hành trong nước.

"Trước mắt, để đảm bảo kiểm soát lạm phát dưới 4%, cơ quan thống kê tính toán và đề nghị không nên điều chỉnh giá dịch vụ của bất cứ mặt hàng nào trong quý II/2019 đối với các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá. Nên điều chỉnh tiền lương cơ bản vào tháng 8, điều chỉnh chi phí quản lý vào tháng 9. Điều hành giá xăng dầu linh hoạt, sử dụng quỹ bình ổn hiệu quả để hạn chế tác động của yếu tố lạm phát", đại diện Tổng cục Thống kê khuyến nghị.

Đặc biệt, theo các chuyên gia, để có thể kiểm soát lạm phát trong năm 2019, Chính phủ cần tiếp tục kiên trì theo đuổi mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô như đã làm trong năm 2017 và 2018.

Thy Hằng