Thu hút FDI là điểm sáng lớn nhất trong phát triển kinh tế quý I/2019
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, vốn FDI là điểm sáng lớn nhất với phát triển kinh tế quý I với nhiều dự án chất lượng, hàm lượng khoa học công nghệ cao, tăng 30,9% so với cùng kỳ.
Chủ trì họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2019, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng cho biết, vốn FDI là điểm sáng lớn nhất với phát triển kinh tế quý I. Tuy nhiên, việc cạnh tranh thu hút FDI sẽ tăng lên do diễn biến khó lường của kinh tế thế giới.
Thu hút FDI tăng 30,9%
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, cần tập trung phát triển kinh tế đặc biệt là vấn đề tăng trưởng nhưng không bỏ quên những vấn đề xã hội nổi lên như vấn đề Chùa Ba Vàng, bạo lực học đường, trường học Bà Rịa Vũng Tàu, buôn bán ma tuý lớn 3 vụ đã trên 1 tấn, dịch bệnh..
“Nếu coi nhẹ vấn đề xã hội thì đến thời điểm kinh tế cũng không thể phát triển được. Do đó, Thủ tướng yêu cầu quan tâm 3 trụ cột là vấn đề tăng trưởng kinh tế, xã hội và môi trường”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Về phát triển kinh tế, GDP quý I/2019 tăng 6,79%. “Tuy thấp hơn mức tăng quý I/2018 nhưng cao hơn so với 2011-2017. Như vậy đây cũng là mức tăng trưởng cao, thể hiện kinh tế trong nước đang tăng trưởng ổn định hơn”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Cùng với đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2019 giảm 0,21% so với tháng trước, cùng kỳ tăng 8,7%. CPI bình quân quý 1 năm 2019 tăng 2,63% so với bình quân cùng kỳ năm 2018.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,2%, trong đó, ngành chế biến chế tạo tăng 11,1%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12%, cao hơn mức cùng kỳ 2018 là 9,9%.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết, sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng. “Đặc biệt là ngành thủy sản tăng trưởng 5,1% so với cùng kỳ, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 9 năm trở lại đây, là mức tăng trưởng đáng khích lệ”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Người phát ngôn VPCP cũng vui mừng cho biết khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng mạnh đạt trên 4,5 triệu lượt, tăng 7%, là con số ấn tượng.
Xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, tháng 3/3019 ước đạt 22,4 tỷ USD, tăng 61,1%, đặc biệt khu vực kinh tế trong nước đạt hơn 17 tỷ USD, tăng 9,7%. Tháng 3 xuất siêu 600 triệu USD, tính chung 3 tháng xuất siêu 536 triệu USD.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 8,8%. Vốn FDI quý I cũng là điểm sáng, đăng ký mới và tăng thêm đạt trên 5,1 tỷ USD tăng 30,9% so với cùng kỳ, vốn FDI thực hiện đạt 4,12 tỷ USD, tăng 6,2%.
“Có thể nói thu hút FDI là điểm sáng lớn nhất với phát triển kinh tế quý I với nhiều dự án chất lượng, hàm lượng KHCN cao”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt trên 43,5 nghìn doanh nghiệp. Trong đó số doanh nghiệp thành lập mới đạt 28.451 doanh nghiệp, tăng 6,2%, cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt trên 15.000 doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Vụ nữ sinh bị đánh hội đồng: Bộ Giáo dục thừa nhận thực hiện quy định chưa nghiêm!
16:03, 02/04/2019
Thủ tướng: Cần có đối sách "giữ chân" và thu hút FDI
14:12, 02/04/2019
Trung Quốc “cởi trói” FDI
11:21, 02/04/2019
Doanh nghiệp FDI còn thiếu niềm tin vào giải quyết tranh chấp thương mại bằng toà án
00:15, 29/03/2019
Dư địa cải cách còn rất lớn
Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, nền kinh tế nước ta cũng còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đó là vốn đầu tư phát triển khu vực nhà nước thấp, vốn từ ngân sách Nhà nước chỉ đạt 14,7% kế hoạch năm. Vốn Trung ương quản lý giải ngân giảm 30,5% so với cùng kỳ năm trước.
“Thủ tướng kiên quyết không chấp nhận tình trạng này và yêu cầu các bộ giải trình đồng thời có giải pháp tháo gỡ trong vấn đề thực hiện giải ngân vốn đầu tư công ngay trong tháng 4 này”, Người phát ngôn VPCP cho biết.
Cùng với đó, khu vực công nghiệp, dịch vụ tăng chậm lại. Tín dụng tăng thấp. Việc thực thi Luật quy hoạch gặp nhiều khó khăn, tác động đến hoạt động đầu tư, nhất là dự án mới, nhiều quy hoạch hết hiệu lực trong khi quy hoạch tích hợp mới chưa ban hành.
Đặc biệt, trích dẫn kết quả của Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2018 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh dư địa cải cách còn lớn, bởi hiện điểm số trung bình chỉ ở mức 70/100 điểm.
Kết quả điều tra của VCCI cho thấy, một số lĩnh vực của môi trường kinh doanh có thay đổi tích cực hơn so với năm 2017 như chi phí không chính thức giảm, 49% doanh nghiệp tư nhân trong nước và 56% doanh nghiệp FDI sẽ có nhu cầu mở rộng kinh doanh. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại.
“Quảng Ninh là địa phương liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng PCI 2 năm liền nhưng vẫn chỉ ở mức hơn 70 điểm. Như vậy dư địa cải cách còn rất lớn, các địa phương cần nỗ lực cải cách, nâng cao tính liêm chính, minh bạch”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Cùng với đó, tăng cường chất lượng đào tạo lao động, cải thiện dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, thuế, hải quan…