"Dư địa cải cách thủ tục hành chính cũng là dư địa cho tăng trưởng"
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, dư địa cải cách thủ tục hành chính cũng là dư địa cho tăng trưởng, tránh đưa ra quy chuẩn, tiêu chuẩn nằm ẩn ở thông tư quy định, phát sinh chi phí cho doanh nghiệp.
Thông tin tại họp báo Chính phủ thường tháng 3/2019, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng cho biết, Tổ công tác của Thủ tướng vừa báo cáo tới Thủ tướng 24 vấn đề khó khăn của doanh nghiệp nông nghiệp liên quan 5 Bộ như vấn đề chỉ định cảng cá, vấn đề Thông tư 02, Thông tư 36, vấn đề thời hạn công bố thi hành thông tư,...
Cụ thể, Tổ công tác đã chủ động làm việc với một số Hiệp hội trong lĩnh vực nông nghiệp để lắng nghe những phản ánh, kiến nghị. Bước đầu có 24 vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách, rào cản hành chính đang được quy định tại các văn bản thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các Bộ, gồm: NN&PTNT (13 kiến nghị), Tài chính (06 kiến nghị), Tài nguyên và Môi trường (02 kiến nghị); Y tế (02 kiến nghị); Khoa học và Công nghệ (01 kiến nghị).
“Qua làm việc, các Bộ đều nhìn nhận vấn đề khách quan, công tâm, ghi nhận vướng mắc mà các Hiệp hội phản ánh, chủ yếu là thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của các Bộ”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Trong đó, có một số vướng mắc đã được Bộ tháo gỡ ngay, các vướng mắc khác đã được các Bộ giải trình, nhận diện và cam kết thời gian cụ thể để tháo gỡ. Cụ thể, Bộ NN&PTNT đã tháo gỡ ngay vướng mắc về quy định nhập khẩu nguyên liệu để gia công, chế biến thực phẩm xuất khẩu từ tàu đánh bắt hải sản nước ngoài chuyển tải tại các cảng trung chuyển của quốc gia khác; quy định công bố cảng cá chỉ định có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác; cập nhật các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc thú y….
“Tổ công tác đã thống nhất với Bộ Tài chính rằng doanh nghiệp chỉ nộp 1 hồ sơ tới đơn vị là cơ quan thuế, thể hiện Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp, sửa ngay những thông tư thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Tổ công tác đề xuất Bộ NN&PTNT sớm xây dựng Nghị định quy định chi tiết Luật Trồng trọt và Luật chăn nuôi, lấy ý kiến các Hiệp hội liên quan, trong đó chú ý tính khả thi của các Nghị định khi được ban hành trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt. Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương ban hành quy định về ngưỡng MRPL (giới hạn hiệu năng phân tích tối thiểu) của các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cho hàng thủy sản tiêu thụ nội địa, hoàn thành trong tháng 4/2019.
Có thể bạn quan tâm
Thu hút FDI là điểm sáng lớn nhất trong phát triển kinh tế quý I/2019
17:59, 02/04/2019
Doanh nghiệp nông nghiệp nêu 23 vấn đề vướng mắc liên quan 5 Bộ
11:00, 01/04/2019
5.400 tấn cá "mắc cạn" vì vướng Thông tư 21
13:48, 01/04/2019
Cách tiếp cận trong Thông tư 02 về thức ăn chăn nuôi không phù hợp
15:00, 01/04/2019
Bộ Y tế khẩn trương trình sửa đổi quy định bất cập về sử dụng muối i-ốt trong chế biến thực phẩm được quy định tại Nghị định 09/2016/NĐ-CP về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm, theo hướng không quy định bắt buộc mà khuyến khích doanh nghiệp chế biến thực phẩm sử dụng muối i-ốt.
Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định 43/2017/NĐ-CP về ghi nhãn hàng hóa, hoàn thành trong quý II/2019.
“Bộ trưởng các Bộ tổ chức đối thoại, làm việc với các Hiệp hội doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước để lắng nghe, tiếp nhận kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, giải quyết kịp thời các vướng mắc”, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng nêu kiến nghị.
Đặc biệt, Người phát ngôn của Chính phủ cũng cho biết, sang tuần tới, Tổ công tác của Thủ tướng sẽ tiếp tục làm việc với 6 hiệp hội liên quan.