“Mở van” cho ngành dược

Phan Nam 28/04/2019 11:01

Theo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), ngành dược sẽ tăng trưởng hai con số trong vòng 5 năm tới. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư sẽ tiếp tục mạnh tay rót vốn vào lĩnh vực này.

Cách đây không lâu, Công ty cổ Phần Traphaco đã khởi động Dự án chuyển giao công nghệ giữa Traphaco và Công ty Dược phẩm Daewoong (Hàn Quốc). Theo dự án, Daewoong và Traphaco đã đồng ý chuyển giao công nghệ của công ty Hàn Quốc về 8 sản phẩm, trong đó có thuốc gan Ursa.

p/Lễ khởi động Dự án chuyển giao công nghệ giữa Traphaco và Công ty Dược phẩm Daewoong, Hàn Quốc

Lễ khởi động Dự án chuyển giao công nghệ giữa Traphaco và Công ty Dược phẩm Daewoong, Hàn Quốc

Hút vốn ngoại

Mặc dù chưa có chủ trương từ SCIC (sở hữu 37,53% vốn) nhưng thoái vốn nhà nước tại công ty dược đứng thứ hai thị trường chỉ còn là vấn đề thời gian.

Hiện tại, Domesco Đồng Tháp, Dược Hậu Giang (DHG)… đều đã mở room 100% cho nhà đầu tư nước ngoài. Mới đây, Taisho Pharmaceutical Co., Ltd (Taisho) đã thông báo chào mua 28,35 triệu cổ phần DHG, tương đương 21,7% vốn với giá 120.000 đồng/cổ phần. Tổng giá trị thương vụ là 3.403 tỷ đồng. Sau khi hoàn tất giao dịch, sở hữu của Taisho tại Dược Hậu Giang sẽ nâng lên 74,12 triệu cổ phần, tương đương 56,7% vốn.

Có thể bạn quan tâm

  • M&A ngành dược: Âm thầm và quyết liệt

    M&A ngành dược: Âm thầm và quyết liệt

    10:16, 04/03/2019

  • Ngành dược phẩm hấp dẫn nhà đầu tư ngoại

    Ngành dược phẩm hấp dẫn nhà đầu tư ngoại

    03:25, 24/02/2019

  • Hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thị trường tỷ đô ngành dược phẩm, thiết bị y tế

    Hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thị trường tỷ đô ngành dược phẩm, thiết bị y tế

    00:11, 19/07/2018

  • "Cuộc chiến" ngành dược

    02:40, 14/06/2018

  • M&A ngành dược Việt Nam

    M&A ngành dược Việt Nam "hút" vốn ngoại

    05:02, 09/04/2018

Thị trường dược hấp dẫn tới mức ngay cả những “tay ngang” như Thế giới Di động, FPT Retail, Digiworld, Nguyễn Kim cũng không can tâm đứng ngoài. Thế giới Di động thâu tóm Phúc An Khang, FPT Retail mở rộng nhà thuốc Long Châu và Nguyễn Kim muốn thâu tóm Dược Lâm Đồng. Trong khi đó, Vingroup đã vào cuộc với các cửa hàng thuốc VinFa, nằm cạnh các siêu thị Vinmart.

Nhưng nếu quan sát kỹ thì phần lớn các vụ M&A đình đám trên thị trường dược thời gian vừa qua đều được thực hiện bởi các nhà đầu tư nước ngoài.

Tương tự như DHG, tại Domesco (DMC) khi công ty con thuộc tập đoàn Abbott – CFR International Spa nâng tỷ lệ sở hữu lên 51% cổ phần DMC với tư cách là cổ đông chiến lược. Ngoài ra, tập đoàn Abbott còn mạnh tay mua lại công ty dược phẩm Glomed – một công ty sản xuất dược phẩm tại Việt Nam vào năm 2016.

Hay Pymepharco (PME) gần đây cũng được chấp thuận nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên 100% và cho phép Stada Service Holding B.V tăng tỷ lệ sở hữu lên tối đa 72%, hiện đơn vị này đang nắm giữ PME với tỷ lệ 49%.

Trong thời gian tới, Imexpharm (IMP) và Traphaco (TRA) được cho là 2 cái tên tiềm năng tiếp theo trong thương vụ M&A. Tính đến hiện tại, tổng sở hữu nước ngoài tại IMP và TRA lần lượt là 47,8% và 47,1%.

“Tác dụng phụ”?

Hiện tại Việt Nam có khoảng 180 doanh nghiệp sản xuất dược phẩm (bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và FDI), khoảng trên 220 nhà máy thuộc hơn 160 doanh nghiệp đạt chuẩn GMP- WHO (thực hành tốt sản xuất thuốc).

Theo hãng nghiên cứu thị trường IMS Health, quy mô thị trường dược Việt Nam vào khoảng 5-7 tỉ USD/năm. Dự báo đến năm 2021, con số này đạt 7,7 tỉ USD và tăng lên 16,1 tỉ USD vào năm 2026, tương ứng tốc độ tăng trưởng 11%/năm. Tuy nhiên, kênh bán lẻ của các nhà thuốc (OTC) chỉ tăng nhẹ luỹ kế hằng năm (CAGR) 3.6% trong 5 năm tới, giảm tỷ trọng trong tổng tiêu thụ ngành dược xuống còn 35% vào năm 2021.

Thay vào đó, doanh số kênh đấu thầu tại sở và bệnh viện (ETC) được dự phóng tăng trưởng mạnh 10.6% CAGR. Điều này sẽ dẫn đến sự phân hoá mạnh trong ngành dược. Các doanh nghiệp dược trong nước, quy mô nhỏ sẽ gặp khó khăn. Bởi ETC hiện là sân chơi riêng của thuốc ngoại, khi mà sản phẩm nội địa chỉ đáp ứng được gần 12% nhu cầu.

Doanh nghiệp Việt Nam hiện nay dù đã đạt tiêu chuẩn về năng lực sản xuất, nhưng vẫn khó cạnh tranh vào kênh ETC do môi trường pháp lý chưa ổn định, chủ yếu vì thông tư đấu thầu tập trung mới chưa được ban hành.

Hệ quả rõ nét là những ông lớn như DHG, Traphaco đều đang chững lại. Năm 2018, DHG đạt 3.888 tỷ đồng doanh thu, giảm 4% so với năm 2017 và mới chỉ hoàn thành 97% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 651,6 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Năm 2019, doanh nghiệp này đặt mục tiêu trưởng doanh thu 1,6%, lợi nhuận trước thuế tăng 3%.

Thậm chí, CTCP Dược phẩm OPC và CTCP Dược phẩm Hà Tây đều đặt kế hoạch lợi nhuận đi lùi. OPC dự kiến cả doanh thu và lợi nhuận hợp nhất đi ngược so năm trước, cụ thể doanh thu chỉ 875 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế chỉ là 120 tỷ đồng, lần lượt giảm 13% và 8% so năm 2018.

Hiện đại hóa lĩnh vực y tế chăm sóc sức khỏe đòi hỏi đầu tư lớn, Việt Nam đang phải huy động nhiều nguồn vốn đầu tư khác nhau, cả nhà nước, tư nhân và các công ty nước ngoài. Sẽ có những “tác dụng phụ” trong cuộc đua này khi các doanh nghiệp Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi và phải cạnh mạnh mẽ với các tập đoàn Sanofi của Pháp, Abbott của Mỹ, Stada của Đức và Nipro của Nhật, các nhà đầu tư Hàn Quốc… cũng như xu hướng M&A đang diễn ra mạnh mẽ.

BBT mong nhận được bài viết của các chuyên gia, doanh nghiệp và độc giả đóng góp cho sự phát triển của kinh tế tư nhân tại: kinhtetunhan@dddn.com.vn 

Phan Nam