Thuỷ sản Việt “dính đòn” vì cuộc chiến Mỹ - Trung
Theo Chuyên gia Bùi Ngọc Sơn, Việt Nam chịu nhiều thiệt hại hơn là được hưởng những lợi ích từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, trong đó, xuất khẩu thuỷ sản đã "dính đòn".
Mặc dù Việt Nam được coi là sẽ hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ- Trung trong việc có thêm cơ hội bán hàng sang Mỹ. Tuy nhiên, trao đổi với DĐDN, Chuyên gia Bùi Ngọc Sơn, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới có nhận định trái lại: “Những thiệt hại dường như lớn hơn nhiều và trực diện hơn, trong khi việc hưởng lợi từ cơ hội bán hàng sang Mỹ thì còn tùy thuộc vào khả năng cạnh tranh với nhiều đối thủ khác”.
Theo đó, chiến thương mại với Mỹ ngày càng gay gắt khiến sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc trở nên nặng nề. Điều này dẫn tới, cầu từ thị trường Trung Quốc đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có dấu hiệu giảm khá rõ.
Đặc biệt, thuỷ sản Việt chính là một trong những mặt hàng “dính đòn” đầu tiên bởi Trung Quốc hiện là một trong 4 thị trường có giá trị nhập khẩu thủy sản Việt Nam trên 1 tỷ USD một năm và được đánh giá là một trong những thị trường quan trọng, có tiềm năng tiêu thụ thủy sản lớn.
“Tỷ trọng của thị trường Trung Quốc trong tổng xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã giảm rõ rệt từ 15% năm 2017 xuống còn 14% năm 2018 và tiếp tục xuống 12% trong quý 1/2019”, ông Sơn cho biết.
Cụ thể, thống kê từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, năm 2017, giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam tăng mạnh gần 50% đạt 1,3 tỷ USD. Năm 2018, xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường Trung Quốc “đảo chiều”, giảm 5%, đạt trên 1,2 tỷ USD.
Tới Quý I/2019, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 239 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu mặt hàng chủ lực là tôm giảm 15%, cá tra giảm gần 2%.
Bên cạnh việc xuất khẩu thuỷ sản sang Trung Quốc giảm do cầu, thì chiến tranh thương mại với Mỹ cũng khiến đồng Nhân dân tệ (NDT) mất giá, điều này là một yếu tố giảm sức cạnh tranh của thuỷ sản Việt nói riêng và hàng xuất khẩu Việt nói chung.
Theo đó, việc phá giá đồng NDT được xem là một vũ khí được Trung Quốc sử dụng trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. Trong vòng một tháng qua tính tới ngày 17/5/2019 đồng NDT đã mất giá 3,4%. Đây là mức phá giá thấp nhất so với đồng USD kể từ tháng 12/2018 khi cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc leo thang.
Có thể bạn quan tâm
Giá cổ phiếu thủy sản có còn tăng nóng?
11:00, 10/05/2019
Doanh nghiệp "mắc kẹt" vì thẻ vàng thuỷ sản và nguy cơ đóng cửa thị trường EU
11:00, 08/05/2019
Thủy sản Hùng Vương sau “cú sốc” POR 14
06:00, 08/05/2019
Cần gỡ "nút thắt" cho ngành thủy sản
05:07, 05/05/2019
“Mức mất giá trong khoảng thời gian như vậy là khá lớn sẽ khiến hàng xuất khẩu Việt Nam đắt lên, điển hình như với mặt hàng tôm. Cầu đang suy yếu trong khi giá lại đắt lên sẽ làm suy giảm sức xuất khẩu của Việt Nam. Rõ ràng, các nhà nhập khẩu Trung Quốc đang có xu hướng lựa chọn tôm Ấn Độ giá rẻ thay vì tôm Việt”, ông Sơn đánh giá và thậm chí còn cho rằng khuynh hướng này sẽ còn tiếp tục trong năm 2019.
Hiện tại, theo thống kê của Vasep, hiện có hơn 150 doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc, trong đó có khoảng 45 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, basa, gần 50 doanh nghiệp xuất khẩu tôm và một số doanh nghiệp hải sản khác.