PEMNA 2019: Hữu ích trong quản lý tài chính công
Tái cơ cấu ngân sách cũng là chủ đề quan trọng được PEMNA xử lý, vì nhiều quốc gia tự thấy dư địa tài khóa còn hạn hẹp để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Ngày 22/5, tại Quảng Ninh đã diễn ra Hội nghị toàn thể Mạng lưới quản lý chi tiêu công tại Châu Á (PEMNA) năm 2019. Đây là hội nghị toàn thể lần thứ 8 của Mạng lưới và là hội nghị đầu tiên do Bộ Tài chính Việt Nam đăng cai tổ chức, với chủ đề “Cơ cấu lại NSNN và quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững”. Hội nghị diễn ra từ ngày 22-24/5/2019 với sự tham gia của gần 150 đại biểu đến từ 14 quốc gia thành viên PEMNA (Brunei, Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Lào, Malaysia, Mông Cổ, Myanmar, Philipin, Singapore, Thái Lan, Timor-leste, Việt Nam) và các tổ chức quốc tế như World Bank, IMF, OECD, USOTA, UNESCAP.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, sau khủng hoảng kinh tế những năm 2007- 2008, trong khoảng 10 năm, đa số nền tài chính các quốc gia trên thế giới cũng như trong khu vực đều tăng nợ, tăng bội chi 2,2 - 5,5%; thời gian gần đây giảm xuống 3,5%.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, qua 3 năm thực hiện tái cơ cấu, Việt Nam đã đạt được những kết quả bước đầu, tạo tiền đề để tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Cụ thể, qua 3 năm, Việt Nam đã phục hồi tỷ lệ động viên thu ngân sách, thay vì 21 - 22% GDP, Việt Nam đã đạt mức bình quân gần 24% GDP.
“Cơ cấu thu chuyển dịch quan trọng từ sản xuất, kinh doanh, từ thuế phí đã đạt 83% tổng thu ngân sách. Thu ngân sách nhà nước của Việt Nam đã không phụ thuộc vào hoạt động khai thác khoáng sản, tài nguyên. 10 năm trước, số thu từ nguồn này chiếm 23% tổng thu, hiện chỉ còn dưới 3,5% tổng thu ngân sách. Trong cơ cấu chi ngân sách nhà nước, Việt Nam đã kiên định giảm bội chi từ trên 5% (quyết toán 2017) đã đạt 2,74% GDP, phấn đấu đến 2020 khoảng 3%”, Thứ trưởng nói.
“Với kết quả đó đã giúp giảm nợ công từ 63,8% xuống còn 58,4% GDP với xu hướng xuống vững chắc trong tổng nợ công đã cơ cấu lại, trên 60% đối với các khoản nợ trái phiếu chính phủ, kỳ hạn nợ dài hơn, bình quân trên 12 năm, lãi suất chỉ còn 4,2 - 4,5%/năm. Đây là tỷ lệ hợp lý trong cơ cấu lại nợ công”, Thứ trưởng nhận định.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, các chủ đề của PEMNA tại hội nghị lần này sẽ đóng góp hữu ích cho Bộ Tài chính Việt Nam bối cảnh và môi trường mới của khu vực và toàn cầu đã và đang có những biến động mạnh mẽ. Chẳng hạn, tăng cường thu để đảm bảo bền vững tài khóa là chủ đề hết sức phù hợp trong khu vực.
Theo ông Ousmane Dione, nghiên cứu của WB cho thấy huy động thu trong nước ở các quốc gia đang phát triển Đông Á hiện tương đối thấp so với các quốc gia thu nhập cao và trung bình ở những khu vực khác. Nhiều quốc gia Đông Á đang dựa vào thuế gián thu, như thuế GTGT và TTĐB, có tính lũy thoái cao, trong khi thuế trực thu (như thuế thu nhập cá nhân) chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ so với các nền kinh tế tiên tiến.
Bên cạnh đó là những thách thức mới trong huy động thu như hệ thống thuế, cần thích ứng và xử lý những rủi ro mới nổi về chuyển giá và chuyển lợi nhuận giữa các quốc gia, cũng như sự bùng bổ của dịch vụ số hóa xuyên biên giới. Khi nhu cầu về dịch vụ tăng lên. Trong đó, cần đảm bảo hệ thống thuế có đủ năng lực huy động đủ nguồn lực nhằm đảm bảo bền vững đồng thời duy trì được môi trường thuế hiệu quả và thân thiện với tăng trưởng.
Tái cơ cấu ngân sách cũng là chủ đề quan trọng được PEMNA xử lý, vì nhiều quốc gia tự thấy dư địa tài khóa còn hạn hẹp để đáp ứng nhu cầu của người dân. Vì vậy các quốc gia đang tìm kiếm giải pháp nhằm giảm tăng chi thường xuyên, chiếm tỷ trọng lớn trong ngân sách để chuyển hướng chi tiêu cho các lĩnh vực ưu tiên hơn.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Kyoungho Han, Chủ tịch Ban điều hành PEMNA, Vụ trưởng Vụ Quản lý Hiệu quả hoạt động tài khoá, Bộ Tài chính và Kinh tế Hàn Quốc cho biết, Hội nghị PEMNA đến nay đã có 8 năm hoạt động và là diễn đàn trao đổi những thông lệ tốt về diễn đàn quản lý tài chính công. PEMNA đã tạo ra một tinh thần cộng đồng trong mạng dưới tài chính Châu Á.
“Châu Á đang được coi là khu vực tài chính kinh tế năng động. Nếu muốn đẩy mạnh thành công của các nước trong khu vực thì các quốc gia thành viên cũng phải hợp tác với nhau để chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức. PEMNA có sự tham gia của nhiều quốc gia với trình độ khác nhau. Chính vì vậy, những chia sẻ tại đây sẽ là những kinh nghiệm quý giá cho các thành viên tham dự”, ông Kyoungho Han nhận định.
Có thể bạn quan tâm
Sửa Luật Đầu tư công: Phân cấp mạnh hơn cho các cấp quản lý ngân sách địa phương
06:36, 28/02/2019
Đại biểu Tống Thanh Bình: Quản lý ngân sách còn nhiều bất cập
13:52, 31/10/2017
Theo chương trình, đoàn đại biểu Việt Nam sẽ trình bày các tham luận liên quan đến việc cơ cấu lại NSNN và quản lý nợ công; định hướng hoàn thiện các chính sách ưu đãi thuế nhằm thu hút đầu tư, đảm bảo mục tiêu bền vững tài khóa; kinh nghiệm của Việt Nam trong quản lý nợ công thận trọng và bền vững; mô hình và chức năng của kho bạc nhà nước Việt Nam trong bối cảnh quản lý tài chính công hiện đại; kinh nghiệm của Việt Nam về phát hành trái phiếu Chính phủ và quản lý danh mục trái phiếu; báo cáo tài chính nhà nước tại Việt Nam.
Đây cũng là dịp, các nhà quản lý, cán bộ quản lý ngân sách và kho bạc nhà nước Việt Nam có cơ hội được trao đổi, học tập, chia sẻ kinh nghiệm về quản lý tài chính công với các quốc gia thành viên và chuyên gia quốc tế
PEMNA là mạng lưới học hỏi giữa các đồng nghiệp gồm cán bộ và chuyên gia về quản lý tài chính công trong khu vực. Được thành lập từ năm 2012 theo sáng kiến của Ngân hàng thế giới, Bộ Tài chính và Chiến lược Hàn Quốc, với mục tiêu hỗ trợ các Chính phủ trong khu vực giải quyết các vấn đề liên quan đến tài chính công và nâng cao hiệu quả chi tiêu công, thông qua việc tạo ra diễn đàn trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về quản lý tài chính công giữa các quốc gia trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.