Vai trò của Hợp tác xã trong phát triển nông nghiệp
Trong 2 năm qua, số lượng Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp của toàn vùng ĐBSCL tăng nhanh. Đến hết năm 2018, toàn vùng có 1.803 HTX nông nghiệp, chiếm 13% tổng số HTX nông nghiệp của cả nước.
Theo ông Lê Đức Thịnh – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, các HTX nông nghiệp của cả vùng ĐBSCL có trên 230.000 thành viên, chiếm khoảng 15% số vụ sản xuất của toàn vùng. Trung bình mỗi HTX nông nghiệp có 130 thành viên và tổng diện tích sản xuất của các thành viên trong mỗi HTX trung bình là 160 ha, tăng gấp đôi cả về quy mô hộ và quy mô đất so với trước năm 2016..
Ngoài các HTX, vùng ĐBSCL còn có 11.775 tổ hợp tác (THT) với 260,573 thành viên. Trong đó THT trong lĩnh vực trồng trọt chiếm 46,07%. Bên cạnh đó, vùng ĐBSCL cũng có diện tích thực hiện liên kết lớn nhất là 450.000 ha. Có 71,1% tổng số xã có mô hình liên kết hiệu quả trong nông nghiệp đạt tiêu chí số 13 nông thôn mới.
Ông Nguyễn Thanh Hùng – P. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh Đồng Tháp có 164 HTX nông nghiệp đang hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Phần lớn các HTX kinh doanh đa dịch vụ, đồng thời đẩy mạnh kết nối với doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản cho xã viên.
Năm 2018 có 120/164 HTX tổ chức tổng kết với tổng doanh thu 213.684 triệu đồng; lợi nhuận 23.203 triệu đồng, lợi nhuận bình quân của 1 HTX là 193 triệu đồng. 120/164 HTX được xếp loại HTX nông nghiệp theo thông tư 09/2017/TT-BNNPTNT. Trong đó, loại Tốt có 15 HTX, chiếm 14%; loại Khá có 45 HTX, chiếm 33%; loại Trung bình có 50 HTX, chiếm 43%; loại yếu có 10 HTX, chiếm 10%.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Hùng, năm 2018, diện tích thực hiện liên kết tiêu thụ là 43,959 ha, sản lượng thu mua qua hợp đồng là 269.747 tấn. Trong đó có 50 doanh nghiệp, 53 HTX và 18 THT tham gia.
“Vơi sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng các ngành đã mạnh dạn, chủ động thực hiện mô hình “Hội quán” trên cơ sở tự nguyện, tự chủ, tự quản của người dân, là một thiết chế đa chức năng mới ở nông thôn với phương trâm “Chăm chỉ - Tự lực – Hợp tác” nhằm chia sẻ những “chuyện làng, chuyện xóm” và hỗ trợ nhau trong sản xuất kinh doanh. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 70 hội quán hoạt động ổn định, có hiệu quả với tổng số 3.700 thành viên; đồng thời có 14 HTX được thành lập trên mô hình Hội quán”. Ông Hùng chia sẻ thêm.
Đánh giá về vai trò của của kinh tế hợp tác trong ứng phó với BĐKH, ông Lê Đức Thịnh cho rằng, các HTX và THT tham gia vào quá trình điều tiết kế hoạch sản xuất, điều chỉnh lịch thời vụ phù hợp để nâng cao hiệu quả nuôi trồng; thông qua các dịch vụ để hỗ trợ phát triển canh tác tôm, lúa ở khu vực nước lợ; hướng dẫn đào tạo, hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi thích ứng với iến đổi khí hậu.
Có thể bạn quan tâm
Hơn 250 hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia kết nối cung-cầu tại TP. HCM
19:09, 18/04/2019
Khai mạc hội chợ xúc tiến thương mại hợp tác xã năm 2019
14:40, 18/04/2019
Hợp tác xã nông nghiệp ĐBSCL trước thách thức biến đổi khí hậu
10:09, 16/04/2019
Bên cạnh đó, các HTX, THT liên kết với các doanh nghiệp chế biến thu mua sản phẩm của thành viên và nông dân trên địa bàn theo chuỗi giá trị. Trong các chuỗi ngành hàng đều có những mô hình tổ chức sản xuất và liên kết chuỗi giá trị hiệu quả như HTX Tân Thuận Tây tỉnh Đồng Tháp; HTX Bình Hòa phước tỉnh Vĩnh Long; HTX Hòa Lộc…sản phẩm của các HTX có liên kết với các doanh nghiệp đều được sản xuất theo mô hình VietGap, GlobalGap.
Đối với tỉnh Đồng Tháp, việc xây dựng chuỗi giá trị nông sản bền vững thích ứng với BĐKH đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của địa phương. Hiện nay, tỉnh đã và đang triển khai mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu gắn kết với xây dựng chuỗi giá trị nông sản như: xây dựng mô hình liên kết sản xuất – tiêu thụ lúa gạo theo tiêu chuẩn SRP do tập đoàn Lộc Trời và Tập đoàn Phoenix triển khai. Dự án VnSAT do Ngân hàng Thế giới tài trợ, tỉnh đang thực hiện ở 41 HTX, 1 THT với diện tích 22.505 ha.
Ngoài ra, ông Nguyễn Thanh Hùng cũng cho rằng, để tăng sức cạnh tranh giá trị nông sản trên thị trường, thì tất yếu các chuỗi ngành hàng nông sản phải được hình thành. Trong điều kiện đó, HTX phải nâng cao vai trò kinh tế tập thể trong việc liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ. Hiện nay, chuỗi giá trị các ngành hàng chủ lực của tỉnh cơ bản đã được hình thành và phát huy hiệu quả tích cực.
Chia sẻ về kinh nghiệm ứng phó với BĐKH trong doanh nghiệp nhằm tạo ra những công nghệ mới áp dụng trong sản xuất kinh doanh cũng như việc liên kết trong sản xuất, ông Lê Văn Quang – Chủ tịch Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết: Để ứng phó với biến đổi khí hậu, Tập đoàn Minh Phú đã áp dụng công nghệ nuôi tôm 234. Theo đó, cứ 1ha sẽ được đầu tư từ 1 – 1,5 tỷ đồng, cho thu hoạch khoảng 16 tấn tôm/vụ, 1 năn nuôi được khoảng từ 4 – 5 vụ.
Theo ông Quang mô hình nuôi tôm 234 do Tập đoàn Minh Phú sáng tạo từ quy trình nuôi tôm 2 giai đoạn. Số 2 là nuôi 2 giai đoạn. Còn số 3 là thu tỉa 3 lần trong một vụ: thu tỉa lần đầu khi tôm 60 - 65 ngày (bắt 50% lượng tôm trong ao đã đạt cỡ 60 - 65 con/kg), tiếp vài chục ngày thu tỉa lần hai (cũng bắt 50% lượng tôm còn lại trong ao đã đạt 40 - 45 con/kg), lần thứ ba sau 110 - 120 ngày thu hoạch hết tôm trong ao, sản lượng đạt khoảng 4 tấn, với số con là 15 - 20 con/kg. Còn số 4 là 4 sạch: con giống sạch bệnh, nước nuôi sạch, sạch kháng sinh và sạch môi trường.
“Với mô hình này, 1 ha sẽ cho doanh thu khoảng hơn 10 tỷ đồng, lợi nhuận là hơn 2 tỷ đồng/ha. Tập đoàn Minh Phú mong muốn được liên kết với các hộ nông dân trong vùng để triển khai công nghệ này. Đây là một công nghệ mới với nhiều ưu điểm như: diện tích không cần lớn (khoảng từ 1 ha trở lên là có thể thực hiện được), thời gian nuôi được rút ngắn và tỷ lệ thành công cao, trên 95%”. Ông Quang chia sẻ.