Động lực tăng trưởng cho thị trường tiêu thụ xi măng nội địa
Theo BVSC, sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân sẽ tiếp tục kích thích các hoạt động xây dựng, đặc biệt là khu công nghiệp, vì thế hỗ trợ nhu cầu tiêu thụ xi măng nội địa trong thời gian tới.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, tổng nguồn vốn đầu tư đòi hỏi cho cải thiện hạ tầng đặc biệt là hệ thống giao thông quốc gia trong giai đoạn 2016-2010 được ước tính khoảng 953 nghìn tỷ đồng, trong đó dành cho đường bộ là 633 nghìn tỷ (~66,4% nhu cầu nguồn vốn), với những dự án nổi bật như Đường cao tốc Bắc - Nam và Sân bay Quốc tế Long Thành.
Bên cạnh đó, Chiến lược phát triển năng lược quốc gia của Chính phủ cũng chỉ ra rằng tổng vốn đầu tư cho ngành năng lượng tại Việt Nam giai đoạn 2016-2030 là 3.207 nghìn tỷ đồng. Nguồn vốn luôn là vấn đề được quan tâm nhất đối với các dự án lớn bởi vị thế tài khóa yếu của Việt Nam và tiếp cập nguồn vốn vay ODA khó hơn khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình. Theo đó, vai trò của các nhà đầu tư tư nhân trong nước và ngoài nước là quan trọng trong việc tài trợ phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam trong thời gian tới.
Tháng 6/2018, Chính phủ đã thông qua Nghị định 63/2018 đã có một số cải tiến so với Nghị định 15/2015 trước đây như: Nâng mức vốn chủ đòi hỏi từ 15% lên 20% tổng vốn đầu tư đối với những dự án trên 1.500 tỷ đồng trong khi giữ nguyên mức 10% cho các dự án dưới mức 1.500 tỷ để đảm bảo khả năng thành công cao hơn và Đơn giản hóa các thủ tục để cắt ngắn thời gian giải quyết các vấn đề trong lúc thi công dự án.
Vì thế, Nghị định 63 sẽ kích thích mạnh mẽ hơn sự tham gia từ các nhà đầu tư tư nhân trong các dự án hạ tầng sắp tới, hỗ trợ phát triển kinh tế và thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Trên thực tế, đã nhận thấy những tín hiệu tích cực từ tham gia của các nhà đầu tư tư nhân ở một số dự án lớn như: Đường Cao tốc Trung Lương Mỹ Thuận (Tổng vốn đầu tư: 14,6 nghìn tỷ đồng) với sự tham gia của chủ đầu tư là CII; Tuấn Lộc; Thắng Lợi và Hoàng Anh. 2. Dự án mở rộng đường cao tốc Hà Nội giai đoạn 2 (Tổng vốn đầu tư: 5,7 nghìn tỷ đồng) do CII đầu tư 3. Cầu Thủ Thiêm 2 (Tổng mức đầu tư: 3,1 nghìn tỷ đồng) do Đại Quang Minh đầu tư.
Câu chuyện FDI bền vững và xu hướng dịch chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam cũng sẽ thúc đẩy hoạt động xây dựng mảng khu công nghiệp tại Việt Nam.
Mặc dù nguồn vốn FDI đăng ký năm 2018 đạt 35,5 tỷ USD (-1,1% y/y) gần như đi ngang so với mức cơ sở cao năm 2017 là 35,9 tỷ USD, BVSC nhận nguồn vốn đăng ký vẫn duy trì tập trung ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam trong giai đoạn 2013-2018.
Trong ngắn hạn, có nhiều tín hiệu tích cực từ vốn FDI đăng ký mới những tháng gần đây. Cụ thể, sau khi đạt đỉnh tháng 2/2019, tốc độ tăng trưởng của vốn FDI đăng ký đã giảm tốc trong ba tháng gần đây nhưng vẫn ở mức cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2017 và 2018.
Về dài hạn, nhóm phân tích tin rằng câu chuyện FDI tại Việt Nam mang tính cấu trúc và bền vững bởi FDI phụ thuộc vào các kế hoạch dài hạn và được tiên quyết bởi các đặc thù riêng của từng nước.
Việt Nam có những lợi thế cạnh tranh riêng để duy trì là một thỏi nam châm thu hút vốn FDI bao gồm Vị trí chiến lược; Cấu trúc dân số vàng với chi phí nhân công cạnh tranh; và Nỗ lực của chính phủ trong việc hội nhập với kinh tế thế giới qua: đầu tư hạ tầng mạnh mẽ hơn, nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn để thúc đẩy nhà đầu tư nước ngoài, cũng như tham gia các hiệp định kinh tế thế giới.