EVFTA có tạo sức ép cạnh tranh cho rau quả Việt tại thị trường nội địa?
Mặc dù cắt giảm, tiến tới loại bỏ thuế đối với rau quả với các sản phẩm từ EU song dự kiến EVFTA sẽ không tạo ra sức ép cạnh tranh quá lớn cho rau quả Việt Nam thị trường nội địa.
Ngành sản xuất, chế biến rau, hoa, quả của Việt Nam cần có những giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh mới có thể phát triển bền vững
Đó là nhận định được đưa ra trong báo cáo chuyên đề mới nhất của nhóm phân tích CTCK Bảo Việt (BVSC). Hiện trong các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam xuất sang EU, thì mật ong, thủy sản và các sản phẩm rau củ quả là những mặt hàng hiện bị đánh thuế nặng nhất với mức thuế trung bình lần lượt là 17,3%, 11,6% và 10,3%. Tuy nhiên, các sản phẩm như Mật ong và Rau củ quả sẽ được lập tức giảm thuế nhập khẩu về 0% ngay sau khi hiệp định này có hiệu lực.
EU cam kết mở cửa rất mạnh cho rau quả Việt Nam trong EVFTA, theo đó EU sẽ xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả (trong đó có nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa…); 24 dòng thuế (chiếm 4,4%) chịu áp thuế “giá nhập cảnh” (entry price ) (gồm nhóm dưa chuột tươi và ướp lạnh, chanh…); 08 dòng thuế áp hạn ngạch (chủ yếu ở một số sản phẩm trong nhóm nấm chi agaricus, ngô ngọt…) và 01 dòng thuế duy trì thuế nhập khẩu.
Phần lớn các dòng thuế EU cam kết xóa bỏ ngay hiện đều đang có mức thuế MFN trung bình là trên 10%, cá biệt có những sản phẩm rau quả đang chịu thuế trên 20%. Như vậy, theo BVSC, mức cam kết này của EU được đánh giá là sẽ tạo ra lợi thế lớn về giá cho rau quả Việt Nam (đặc biệt trong cạnh tranh nhập khẩu vào EU với các nước có thế mạnh về rau quả chưa có FTA với EU như Thái Lan, Trung Quốc…).
Các thị trường như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU tiếp tục là những thị trường xuất khẩu lớn của mặt hàng rau, hoa, quả của Việt Nam trong thời gian tới.
Với lộ trình loại bỏ thuế tương đối dài áp dụng cho phần lớn các sản phẩm rau quả, dự kiến EVFTA sẽ tạo ra khoảng thời gian tương đối để người sản xuất, kinh doanh rau quả Việt Nam thích ứng với việc không còn hàng rào thuế. Bên cạnh đó, sản phẩm mà EU có thế mạnh phần lớn là các loại rau quả ôn đới, ít cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam.
Vì vậy, mặc dù cắt giảm, tiến tới loại bỏ thuế đối với rau quả từ mức 10-40% hiện nay với các sản phẩm từ EU tuy nhiên dự kiến EVFTA sẽ không tạo ra sức ép cạnh tranh quá lớn cho rau quả Việt Nam trên thị trường nội địa.
Tuy vậy, mặc dù cơ hội thị trường rộng mở nhưng các chuyên gia cho rằng, ngành sản xuất, chế biến rau, hoa, quả của Việt Nam cần có những giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh mới có thể phát triển bền vững. Vấn đề của ngành sản xuất rau, hoa, quả Việt Nam là chậm cơ giới hóa, thiếu công nghệ trong bảo quản, chế biến sau thu hoạch dẫn đến tỷ lệ hao hụt cao, chất lượng sản phẩm bị giảm nhiều trong suốt quá trình lưu thông, phân phối.
Mức độ đầu tư cho khâu chế biến của Việt Nam hiện rất thấp so với nhiều quốc gia khác trong khu vực, cả nước hiện có chưa tới 150 doanh nghiệp chế biến rau, hoa, quả, vì vậy chưa tạo ra được nhiều giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu.
Ngoài việc nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm thì việc giảm chi phí sản xuất, chi phí vận chuyển là giải pháp tăng sức cạnh tranh của rau, hoa, quả Việt Nam khi xuất khẩu.
Một giải pháp khác được nhiều chuyên gia đưa ra là phải xây dựng được thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các loại đặc sản đặc trưng của từng địa phương, vùng miền; đồng thời, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin thị trường kịp thời để nông dân và doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất, xuất khẩu hợp lý.