Kinh tế Việt Nam giảm sút mang tính chu kỳ?
Triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá theo hướng tích cực mặc dù đã xuất hiện các dấu hiệu giảm sút mang tính chu kỳ.
Đó là khẳng định của ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia của World Bank tại Việt Nam, trong buổi công bố báo cáo "Điểm lại cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam" được công bố chiều ngày 1/7.
Đà tăng trưởng giảm
Nhìn lại bức tranh kinh tế Việt Nam theo báo cáo của World Bank đã chỉ ra những điểm sáng như chỉ số giá tiêu dùng có chút tăng nhẹ trong vài tháng qua, áp lực lạm phát vẫn ở mức vừa phải do tăng trưởng tín dụng có phần chững lại.
Cụ thể, chỉ số CPI tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước vào tháng 5/2019. Việc tăng chỉ số CPI chủ yếu do tăng giá điện thuộc diện Nhà nước quản lý kết hợp với giá lương thực, thực phẩm tăng nhẹ, báo cáo nêu rõ.
Một điểm tích cực khác đó là Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì chính sách tiền tệ thận trọng để hỗ trợ mục tiêu kép, vừa duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế chung. Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng ước tính đạt khoảng 13% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 3/2019.
Dự báo về tốc độ phát triển kinh tế Việt Nam năm 2019, ông Ousmane Dione cho biết: "Tăng trưởng GDP trong năm 2019 được World Bank dự báo sẽ giảm còn 6,6%. Nguyên nhân, do sức cầu bên ngoài giảm sút, chính sách tài khóa, tín dụng tiếp tục bị thắt chặt. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế của Việt Nam nhìn chung là tích cực mặc dù có dấu hiệu chững lại".
Nguyên nhân được chỉ ra khiến cho tăng trưởng của Việt Nam gần đây giảm tốc là do tác động của những yếu tố bất lợi bên ngoài đối với các ngành kinh tế quan trọng.
Trong đó, có thể kể đến như do nhu cầu bên ngoài yếu đi khiến cho tăng trưởng giảm đà ở các ngành chế tạo, chế biến định hướng xuất khẩu cũng như hoạt động xuất khẩu nói chung.
Ngoài ra, dịch tả lợn châu Phi bùng phát và giá cả quốc tế suy giảm gây ảnh hưởng đến sản lượng nông nghiệp. Đồng thời, sức cầu bên ngoài giảm sút làm tăng trưởng chững lại ở các ngành chế biến, chế tạo định hướng xuất khẩu. Cùng với đó là, đầu tư trong nước cũng giảm do tín dụng tăng thấp và giải ngân đầu tư công chậm lại, lạm phát ở mức thấp và giá trị nhập khẩu giảm tốc... những điều này cho thấy tình trạng hoạt động kinh tế đang chậm lại theo tính chu kỳ.
Có thể bạn quan tâm
Vì sao WB dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2019 thấp hơn 2 năm trước?
14:34, 24/04/2019
WB dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2019 giảm do "triển vọng kinh tế thế giới tối dần"
01:00, 10/01/2019
WB khuyến nghị 4 giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam
12:15, 05/12/2018
EU và WB cam kết hỗ trợ Việt Nam năng lượng sạch giá rẻ
00:03, 27/11/2018
Cải cách thuế "lên điểm" trong Báo cáo Môi trường kinh doanh của WB
07:30, 04/11/2018
Cải cách cấu trúc mang tính chiều sâu
Trước những thách thức mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt, ông Ousmane Dione khuyến nghị: "Việt Nam cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để có thể điều chỉnh hợp lý chính sách kinh tế vĩ mô trong trường hợp các rủi ro tiếp tục gia tăng dẫn tới nguy cơ suy giảm các hoạt động kinh tế".
Trong bối cảnh kinh tế khôi phục mạnh mẽ hai năm qua, Việt Nam đã bắt đầu thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô thận trọng hơn. Trong đó, có thể kể đến như kiềm chế tăng trưởng tín dụng và củng cố tài khóa nhằm tạo dựng thêm các khoảng đệm chính sách cần thiết, báo cáo khuyến nghị.
Với nhiều năm kinh nghiệm hoạt động tại Việt Nam, ông Sebastian Eckardt, chuyên gia Kinh tế trưởng World Bank khuyến nghị: "Với những dấu hiệu chững lại, thậm chí là giảm sút các hoạt động kinh tế, Việt Nam nên cân nhắc về các chính sách vĩ mô nhằm tạo thuận lợi cho tăng trưởng, kể cả quan điểm chính sách tiền tệ hỗ trợ nhằm kích thích tổng cầu của toàn bộ nền kinh tế".
Ngoài ra, "Việt Nam cũng cần tiếp tục cải cách cơ cấu bao gồm đổi mới khuôn khổ pháp lý, điều hành, cải cách doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng là hết sức quan trọng nhằm củng cố niềm tin của các nhà đầu tư ngắn hạn cũng như cải thiện tiềm năng tăng trưởng đầu tư trung hạn", ông Sebastian Eckardt khuyến nghị thêm.
Thêm nữa, báo cáo cũng khuyến nghị, các cấp có thẩm quyền cần tập trung ổn định nguồn thu và nâng cao hiệu suất chi tiêu để hỗ trợ bền vững tài khóa. Để xử lý tình trạng bất định và căng thẳng thương mại toàn cầu ngày càng tăng, các nhà hoạch định chính sách cần tập trung tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục tăng cường chiều sâu hội nhập thương mại qua các hiệp định song phương và khu vực, chẳng hạn như Hiệp định Tự do thương mại Việt Nam - EU và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.