“Sách trắng” gợi mở những thông tin về doanh nghiệp

Thúy Anh 10/07/2019 11:26

Sách trắng doanh nghiệp năm 2019 được kỳ vọng sẽ cập nhật nhiều thông tin mới về doanh nghiệp.

f

Sách trắng gồm những thông tin cơ bản đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp cả nước và các địa phương giai đoạn 2016-2018 và 2011-2015 (Ảnh minh họa)

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn tất “Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019” với kỳ vọng trở thành một cẩm nang không thể thiếu cho các nhà đầu tư.

Trước đó, trung tuần tháng 4/2019, Dự thảo Sách trắng đã được đưa ra lấy ý kiến với nhiều nội dung về doanh nghiệp như (vốn hóa, chứng khoán, cổ phiếu, lợi nhuận của doanh nghiệp…) sẽ được công bố dựa trên thông tin, số liệu được các bộ, ngành phối hợp cung cấp.

Tại cuộc họp đó, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng cho biết, nội dung Sách trắng gồm những thông tin cơ bản đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp cả nước và các địa phương giai đoạn 2016-2018 và 2011-2015, kết cấu thành 3 phần: Bối cảnh phát triển doanh nghiệp năm 2018; Bộ chỉ tiêu đánh giá phát triển doanh nghiệp Việt Nam năm 2018 và giai đoạn 2016-2018; Phụ lục số liệu bộ chỉ tiêu phát triển doanh nghiệp năm 2018 và giai đoạn 2016-2018.

Nội dung Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019 có xếp hạng doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), doanh nghiệp nhà nước (DNNN), doanh nghiệp tư nhân theo các tiêu chí: Doanh nghiệp đang hoạt động, tốc độ tăng trưởng, hiệu quả sản xuất kinh doanh, nộp thuế, đóng góp vào ngân sách Nhà nước, thu nhập của người lao động của từng địa phương.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (Doing Business 2019), Việt Nam cùng với Indonesia là hai nước thực hiện nhiều cải cách nhất trong 16 năm qua, với 42 cải cách. Trong đó, chỉ tính riêng 5 năm kể từ khi thực hiện Nghị quyết 19, Việt Nam đã có tới 18 cải cách được ghi nhận, đáng chú ý là chỉ số Nộp thuế và bảo hiểm xã hội, tiếp cận điện năng.

Theo báo cáo của các bộ, ngành, hầu hết kết quả cắt giảm điều kiện kinh doanh đạt trên 50%, trong đó đã cắt giảm, đơn giản hóa 61% điều kiện kinh doanh và 60% thủ tục kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu, đạt mục tiêu Nghị quyết số 19/NQ-CP đề ra.

Chính vì vậy, Sách trắng doanh nghiệp năm 2019 cũng sẽ chỉ rõ một số bất cập về thủ tục hải quan và quản lý, kiểm tra chuyên ngành còn chậm, làm cho thứ bậc của Việt Nam bị giảm. Chỉ số Đăng ký quyền sở hữu và sử dụng tài sản trong nhiều năm không có cải cách nào và thứ hạng liên tiếp giảm bậc qua các năm. Các động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo để theo kịp xu thế 4.0 của Việt Nam còn yếu và chưa hiệu quả. Thủ tục hành chính vẫn là rào cản, văn hóa doanh nhân giảm điểm, mức độ trao đổi và đa dạng hóa còn thấp, mức độ thương mại hóa còn hạn chế. 

Thúy Anh