Thực thi CPTPP và EVFTA : Kỳ vọng tăng sức bật cho xuất khẩu thủy sản

Thu Hoài 20/07/2019 02:29

Ngành Thủy sản đang trông chờ vào việc thực thi Hiệp định EVFTA và CPTPP để tăng sức bật cho hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới.

Theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản trong 6 tháng qua chỉ tăng nhẹ 0,6% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 10,9%), đạt gần 4 tỷ USD. Điều này cho thấy ngành thủy sản xuất khẩu đang phải chịu tác động của các rào cản thương mại và biến động từ thị trường thế giới.

Đảm bảo xuất xứ hàng hóa, thủy sản sẽ được hưởng lợi từ CPTPP và EVFTA

Đảm bảo xuất xứ hàng hóa, thủy sản sẽ được hưởng lợi từ CPTPP và EVFTA

Ông Nguyễn Ngọc Đức - Giám đốc Công ty TNHH Chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Đệ Khang Phú Thành chia sẻ, xuất khẩu thủy sản trong những tháng qua gặp nhiều khó khăn từ các thị trường. Công ty cũng chỉ đạt giá trị bằng cùng kỳ chứ không có sự tăng trưởng, trong khi đó mọi chi phí khác đều tăng khiến doanh nghiệp phải “căng mình” cân đối để không bị thiệt hại.

Theo các doanh nghiệp, nguyên nhân chủ yếu xuất khẩu sụt giảm là do thị trường Trung Quốc thay đổi chính sách nhập khẩu, áp lực của chống bán phá giá cá tra tại Mỹ, cũng như Hội đồng châu Âu (EC) chưa gỡ bỏ thẻ vàng cho hải sản của Việt Nam.

Mục tiêu của ngành thủy sản xuất khẩu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đề ra trong năm 2019 là trên 10 tỷ USD do vậy trong 6 tháng còn lại ngành này cần phải tăng tốc rất nhiều để có thể đạt mục tiêu đề ra.

Có thể bạn quan tâm

  • Được miễn thuế 33 mặt hàng có “cứu vãn” xuất khẩu thuỷ sản sang Trung Quốc?

    Được miễn thuế 33 mặt hàng có “cứu vãn” xuất khẩu thuỷ sản sang Trung Quốc?

    16:30, 23/05/2019

  • Cơ hội với CPTPP (Kỳ VIII): Tiềm năng xuất khẩu thuỷ sản vào New Zealand

    Cơ hội với CPTPP (Kỳ VIII): Tiềm năng xuất khẩu thuỷ sản vào New Zealand

    15:50, 24/04/2019

  • Xuất khẩu thuỷ sản

    Xuất khẩu thuỷ sản "cán đích" 9 tỷ USD

    15:30, 24/12/2018

  • Xuất khẩu thủy sản đối mặt với lạm dụng hàng rào kỹ thuật

    Xuất khẩu thủy sản đối mặt với lạm dụng hàng rào kỹ thuật

    02:13, 15/12/2018

  • Xuất khẩu thủy sản sang EU vẫn

    Xuất khẩu thủy sản sang EU vẫn "ảm đạm"

    04:49, 12/09/2018

Trong bối cảnh đó, ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký VASEP cho rằng, hai Hiệp định EVFTA và CPTPP sẽ là động lực để ngành bứt phá trong thời gian tới. “Với 11 nước tham gia CPTPP, thủy sản Việt Nam có cơ hội gia tăng xuất khẩu sang 10 thị trường vì hầu hết được cắt giảm thuế về 0%. Đối với EVFTA, ngay khi hiệp định có hiệu lực sẽ có gần 50% số dòng thuế đang có thuế suất cơ sở 0-22%, trong đó phần lớn thuế cao từ 6-22%, sẽ được giảm về 0%. Đây sẽ là lợi thế rất lớn cho ngành thuỷ sản Việt Nam” - ông Hòe đánh giá.

Đặc biệt, thuận lợi mà CPTPP và EVFTA mang tới còn ở chỗ doanh nghiệp của Việt Nam có thể đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu từ các nước nội khối; thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao công nghệ sản xuất và chất lượng sản phẩm, tham gia chuỗi cung ứng khu vực nhờ sự dịch chuyển đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia…

Cùng với những thuận lợi trên, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng sẽ có rất nhiều thách thức mà doanh nghiệp sẽ phải đối mặt như phải tuân thủ quy tắc xuất xứ, quy định nghiêm ngặt về môi trường, đảm bảo an toàn lao động…

Với thách thức này, ông Trần Đình Luân - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết: Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các ngành sản xuất cùng với các Hiệp hội phải phối hợp tổ chức các hội thảo, hội nghị để tìm hiểu sâu hơn nữa về CPTPP và EVFTA. Khi hiểu hết về các hiệp định mới giúp ngành có định hướng, chiến lược phát triển, còn doanh nghiệp cũng sẽ có giải pháp tiếp cận thị trường hiệu quả hơn.

Chúng tôi mong muốn cùng với các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng nhận diện được những vấn đề cần triển khai như: xuất xứ hàng hóa, quy tắc ghi nhãn, ưu đãi thuế…” - ông Luân nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), những hiệp định mới này có tiêu chuẩn cao, lại đa tầng nấc nên cả cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp phải nâng cao nội lực để đáp ứng các quy tắc xuất xứ. Do vậy thời gian tới Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức từng hội thảo, chuyên đề chuyên sâu với tần suất nhiều hơn để phổ biến cho DN hiểu rõ từng điều khoản và phương thức tiếp cận sao cho hiệu quả nhất.

Thu Hoài