Chuyển “khẩu” 12 dự án thua lỗ về “Siêu ủy ban”: “An cư” liệu có “lạc nghiệp”?

Nguyễn Việt 23/07/2019 11:22

Cuộc chuyển đổi “hộ khẩu” của 12 dự án thua lỗ ngành Bộ Công Thương sang Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp được đánh giá là cần thiết.

Chúng ta có thể kỳ vọng ở tinh thần khách quan, minh bạch, lắng nghe thị trường trong việc xử lý các dự án này. Tuy nhiên, sẽ có nhiều việc cần phải làm với “Siêu ủy ban” vì  các dự án thua lỗ, kém hiệu quả của ngành công thương đang vướng mắc ba vấn đề. Đó là xử lý các hợp đồng EPC với nhà thầu, cơ cấu lại các khoản vay nợ và giải pháp thoái vốn nhà nước.

Cảnh hoang phế của Dự án Gang thép nghìn tỷ sau nhiều năm tạm dừng thi công.

Cảnh hoang phế của Dự án Gang thép nghìn tỷ sau nhiều năm tạm dừng thi công.

Vậy cần phải xác định tính hiệu quả trong việc xử lý các dự án ngành Công thương dựa trên tiêu chí nào? Cách tiếp cận phù hợp có thể nhằm tới hai mục tiêu: thu hồi tối đa về ngân sách nhà nước và ngăn chặn nguy cơ tái diễn tình trạng này ở các dự án tương tự. Ở đây, trước hết phải nhìn từ con mắt không thiên vị của thị trường để phân loại và tiêu chí không phải là có sản xuất hay không sản xuất như đang tồn tại.

Có thể tạm phân chia làm 3 nhóm: nhóm dự án có tiềm năng sinh lời, có thể giữ lại chờ cổ phần hóa; nhóm dự án cần sớm hoàn thiện để bán cho nhà đầu tư tư nhân; nhóm dự án không có cơ hội phục hồi, cần thanh lý sớm để thu hồi tài sản nhà nước.

Có thể bạn quan tâm

  • 12 dự án thua lỗ về “Siêu Uỷ ban” liệu có “hồi sinh”?

    12 dự án thua lỗ về “Siêu Uỷ ban” liệu có “hồi sinh”?

    10:56, 14/07/2019

  • Ban chỉ đạo 12 dự án thua lỗ chuyển về Ủy ban Quản lý vốn

    Ban chỉ đạo 12 dự án thua lỗ chuyển về Ủy ban Quản lý vốn

    15:32, 09/07/2019

Tiếp đến là lấn cấn việc nếu xử lý dứt điểm, bức tranh thua lỗ sẽ phơi bày với những con số thiệt hại đo đếm bằng ngàn tỷ phải bị dẹp bỏ. Theo đó, loại trừ các yếu tố kinh nghiệm và trình độ quản lý, điều buộc phải chấp nhận trong một bộ máy quản lý còn có nơi này nơi khác chưa trưởng thành, có hay không vấn nạn tham nhũng, móc ngoặc, vẽ dự án như dư luận đã đặt câu hỏi?

Nếu có thực trạng này, chúng ta sẽ xử lý như thế nào? Ngành công thương có thể không tiện phơi bày sự thật, nhưng giờ đây nhiệm vụ khó khăn này được chuyển sang “Siêu ủy ban” xử lý. Vì tất cả còn ở phía trước nên dư luận có quyền khấp khởi mừng hoặc phập phồng lo lắng chờ đợi kết quả thực.

Nhiều ý kiến đánh giá việc chuyển giao 12 đại dự án thua lỗ của ngành công thương nói riêng và các tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước trực thuộc các bộ ngành nói chung về “Siêu ủy ban” sẽ giúp tách bạch được hai chức năng: quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Điều này rất quan trọng, giúp xóa bỏ tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, khi các bộ chuyên ngành vừa ban hành chính sách quản lý nhà nước, đồng thời lại trực tiếp quản lý hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước thuộc lĩnh vực mình quản lý. Đồng thời cũng giúp quá trình xử lý hạn chế, tồn tại, yếu kém tại các dự án thua lỗ thuận lợi hơn, nhanh hơn, dễ dàng hơn, nhất là trong bối cảnh Chính phủ kiên quyết không cho sử dụng ngân sách để cứu các dự án thua lỗ.

Việc tiếp tục để 12 dự án này ở Bộ Công Thương là khó chồng thêm khó, vừa nhùng nhằng mất thời gian, vừa làm mất đi cơ hội cho những doanh nghiệp có tiềm năng, lại vừa tăng thêm gánh nặng cho ngân sách và xã hội. Bản thân Bộ Công Thương không thể có đủ nguồn lực để vực dậy các dự án, trong khi, các doanh nghiệp đã không còn đủ uy tín để tự kêu gọi vốn đầu tư hoặc tự đứng ra vay vốn từ ngân hàng.

Ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đánh giá, chuyển giao 12 đại dự án thua lỗ cho “Siêu ủy ban” sẽ chấm dứt tình trạng bao bọc, tạo ra những lợi thế cạnh tranh không bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp khác, dẫn tới tâm lý ỷ lại, không cần và không có sức ép phải cạnh tranh để phát triển. Và đây là thời điểm, cơ hội cho các dự án thật sự có tiềm năng bộc lộ hết thế mạnh, ưu thế mà trước đây vì nhiều lý do nên chưa thể phát triển. 

Bên cạnh đó, nhờ cơ chế cạnh tranh sẽ lộ ra những dự án không có tiềm năng, ít cơ hội phục hồi, tồn tại chỉ nhờ dựa vào lợi thế “ban phát” từ cơ quan chủ quản. Về với “Siêu ủy ban” có thể giải quyết dứt điểm tình trạng càng giữ dự án càng lỗ, càng đổ thêm tiền càng mang nợ. Vấn đề cấp bách của “Siêu ủy ban” bây giờ là phải đánh giá đúng tiềm năng từng dự án, đi cùng với đó là một chiến lược, một phương án xử lý cụ thể, công khai trước khi quyết định rót vốn vực dậy hay cho phá sản một dự án nào đó.

Mặc dù chưa thể khẳng định ngay kết quả, nhưng với tiềm lực tài chính rất mạnh (Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đang quản lý 19 tập đoàn, tổng công ty với trên 1 triệu tỷ đồng, tổng giá trị tài sản trên 2,3 triệu tỷ đồng), trong đó có Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) với tổng vốn điều lệ là 50.000 tỷ đồng) sẽ là cơ sở đề giúp các cơ quan quản lý tìm được con đường giải quyết các hạn chế, tồn tại tại các dự án này nhanh hơn, sớm hơn, hiệu quả hơn.

Nguyễn Việt