Phát triển du lịch: Hết thời ỉ lại vào lợi thế thiên nhiên

Thục Uyên 26/07/2019 15:29

Sáu tháng đầu năm 2019, dù lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng, tuy nhiên đang có dấu hiệu chậm dần.

Vậy tình trạng tăng trưởng du lịch không mạnh mẽ như những năm trước nói lên điều gì?

Từ thực tiễn kinh doanh Tiến sĩ Hồ Xuân Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Dấu ấn Việt Nam nhận xét, điểm mấu chốt của việc giữ chân du khách, khiến họ quay trở lại chính là cảm nhận của du khách chứ không đơn thuần là cảnh quan thiên nhiên đẹp, kỳ vỹ như chúng ta hay quan niệm. Cảm nhận này được xác định bởi 3 yếu tố: chiều sâu văn hóa địa điểm du lịch; sự thân thiện của người dân và đa dạng các dịch vụ phục vụ du khách.

p/Sản phẩm du lịch của chúng ta vẫn thiếu đa dạng, chủ yếu là khai thác những cái có sẵn trong thiên nhiên.

Sản phẩm du lịch của chúng ta vẫn thiếu đa dạng, chủ yếu là khai thác những cái có sẵn trong thiên nhiên.

Tốc độ tăng trưởng giảm

Theo Tổng cục Thống kê, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đón gần 8,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lượng khách quốc tế có xu hướng giảm dần, điển hình tháng 6 có mức thấp nhất trong nửa đầu năm, chỉ đạt 1,18 triệu lượt khách, giảm 10,6% so với tháng trước. Trong đó, khách đến từ Châu Á chiếm thị phần lớn nhất trong cơ cấu khách quốc tế đến nước ta giảm 0,4%, từ Châu Úc giảm 6% so với tháng 6 năm 2018. Tốc độ tăng trưởng khách sáu tháng đầu năm nhìn chung thấp hơn nhiều so với mức tăng từ 20-30% giai đoạn 2016 - 2018.

Ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa cho biết: Nếu nhìn chung, chúng ta dễ dàng nhìn thấy lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm vẫn tăng. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng có dấu hiện chậm lại so với các năm trước, nguyên nhân là do trước đây, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam rất lớn nhưng thiếu bền vững, nếu thị trường khách Trung Quốc đến Việt Nam giảm 3,3% thì đã kéo theo một lượng khách rất lớn giảm xuống, điều này khiến tốc độ tăng trưởng cũng giảm theo.

Trong khi đó, nhóm khách có tốc độ tăng trưởng cao chủ yếu là các nước trong khu vực, bao gồm Thái Lan, ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất với 45,4%, Đài Loan (Trung Quốc) 27%, Indonesia 22%, Hàn Quốc 21%, Phillipines 20% nhưng số lượng khách tăng này không thể bù được số lượng khách giảm từ thị trường Trung Quốc nên dẫn đến tốc độ tăng trưởng của chúng ta thấp hơn các năm trước và chúng ta thấy có dấu hiệu chậm lại.

Có thể bạn quan tâm

  • Thanh Hóa vẫn chưa thoát khỏi du lịch mùa vụ

    05:00, 25/07/2019

  • Quảng Nam phát triển du lịch Cù Lao Chàm: Khó chồng thêm khó

    11:00, 23/07/2019

  • An Giang quyết định cho thuê đất trên đỉnh núi Sam làm du lịch

    14:46, 20/07/2019

  • “Đánh thức” dịch vụ du lịch trực tuyến

    11:01, 14/07/2019

  • Du lịch Đảo Lý Sơn không phải "mỏ vàng" để tận thu!

    09:23, 11/07/2019

  • Nóng cuộc đua hàng không - dịch vụ du lịch

    02:07, 11/07/2019

  • Khánh Hòa: Có nên xẻ núi, lấp biển, lấp sông, hồ để phát triển du lịch?

    15:28, 09/07/2019

Cần tạo sự khác biệt

Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, sở dĩ thời gian qua lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm có nguyên nhân khách quan là do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ- Trung khiến lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam giảm mạnh. Bên cạnh đó, lượng khách Hàn Quốc đến nước ta sau thời gian tăng trưởng nóng cũng có xu hướng chững lại. Trong khi hiện nay khách du lịch Trung Quốc, Hàn Quốc chiếm phần lớn lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Chưa kể, nhiều quốc gia lân cận cũng đang tích cực đầu tư về cơ sở vật chất lẫn chính sách thu hút khách du lịch nên sự cạnh tranh hút khách ngày càng gay gắt.

GS.TSKH Nguyễn Quốc Hưng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa – Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phụ trách Du lịch cho rằng, chất lượng trải nghiệm du lịch chưa làm hài lòng du khách, hiệu quả kinh doanh còn thấp và tồn tại nhiều yếu kém, bất cập ảnh hưởng tới sự bền vững và sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Vai trò chủ động của các doanh nghiệp du lịch trong công tác triển khai thị trường, xây dựng sản phẩm, liên kết còn hạn chế; năng lực cạnh tranh của du lịch chưa được cải thiện nhiều.

Theo GS Hưng, sản phẩm du lịch của chúng ta thiếu đa dạng, phong phú; chủ yếu là khai thác những cái có sẵn trong thiên nhiên và cộng đồng, thiếu sản phẩm du lịch nỗi trội khác biệt, có tính cạnh tranh với các nước trong khu vực. Các sản phẩm du lịch tại các cụm du lịch trên lãnh thổ Việt Nam trùng lắp, na ná như nhau tập trung giới thiệu khai thác bốn dòng sản phẩm du lịch chính là văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng biển đảo và du lịch thành phố. Trong khi nhiều sản phẩm là tiềm năng thế mạnh, có giá trị gia tăng cao đóng góp nhiều cho kinh tế xã hội như du lịch mua sắm, du lịch làng nghề, du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch chữa bệnh, du lịch hoài niệm chiến trường xưa, du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch tâm linh, du lịch học tập, công vụ... lại chưa được chú trọng khai thác và phát huy.

Rõ ràng lợi thế 3200 km bờ biển chúng ta cũng chưa khai thác hết và hiệu quả. Ngoài kia là biển và Du lịch Việt Nam vẫn đang đứng trước biển. Du lịch biển của chúng ta vẫn còn rất nhiều dư địa nếu biết cách làm phong phú các loại hình dịch vụ như lặn, câu cá, lướt ván, đua thuyền... Đặc biệt, du lịch phải phát triển mạnh ra ngoài đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn, Côn Đảo, Phú Quốc, Nam Du và xa hơn nữa.

Thục Uyên