Chiến tranh thương mại sẽ thực sự tác động đến GDP và FDI Việt Nam từ khi nào?
Tác động thực sự của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc lên GDP và FDI toàn cầu được tính toán sẽ chưa đến ngay trong năm 2019 mà sẽ thể hiện ra các con số từ 2020-2021 và sau đó.
Đó là nhận định được đưa ra trong Seminar nghiên cứu kinh tế Trung Quốc: Thương chiến Mỹ - Trung và tác động với Việt Nam, được tổ chức bởi Trung tâm Nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức hôm nay (29/7).
Diễn giả Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF) cho rằng có thể khẳng định trong năm 2019 này khó có thể mong chờ về một kết thúc cho chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, bởi một phía đàm phán Trung Quốc vẫn còn chờ đợi thay đổi trên chính trường Mỹ để có thể quyết định về các vấn đề thương mại.
Tiến sỹ Thắng chỉ ra dựa trên phân tích của nhóm nghiên cứu, GDP năm 2020, 2021 và 2022 sẽ sụt giảm lần lượt 0,43%; 0,56% và 0,57%. Kinh tế Singapore sẽ chịu tác động nặng nề nhất, GDP sụt giảm lần lượt 1,22%; 1,06% và 0,72%.
Còn đối với Việt Nam, tăng trưởng GDP dưới tác động của chiến tranh thương mại từ năm 2020 đến hết năm 2022 được dự báo sẽ lần lượt sụt giảm 0,4%; 0,36% và 0,29%. Mức sụt giảm với xuất khẩu hàng hoá dịch vụ ở mức 0,89%; 0,91% và 0,82%. Tỷ giá tiền đồng Việt Nam được cho sẽ tác động không nhiều, mức tác động sụt giảm ước lần lượt là 0,57%; 0,52% và 0,38%. Như vậy có thể nói rằng tỷ giá của tiền đồng Việt Nam sẽ không phải chịu nhiều tác động.
Xét về FDI , tiến sỹ Trần Toàn Thắng khẳng định chưa có đủ cơ sở để khẳng định FDI đang thực sự dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Theo ông, hiện tại, bất chấp hàng loạt thông tin trên báo chí về doanh nghiệp này doanh nghiệp khác chuyển sản xuất sang Việt Nam, thực tế chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc chưa thực sự gây ra tác động đủ lớn để doanh nghiệp phải đưa ra quyết định chuyển sản xuất thực sự, thực tế sẽ phải chờ đến năm 2020 và năm 2021 để có thể nói xu thế dịch chuyển FDI có thực sự diễn ra hay không.
Và nếu xu thế đó thực sự xảy ra, để cạnh tranh giành dòng vốn FDI, Việt Nam có nhiều đối thủ lớn như Indonesia, Malaysia vốn cũng có rất nhiều lợi thế.
Phân tích của tiến sỹ Trần Toàn Thắng cho thấy rằng có không ít nhóm ngành của Việt Nam sẽ hưởng lợi từ chiến tranh thương mại nếu nó căng thẳng hơn và khiến cho Trung Quốc mất thị phần.
Cụ thể nhóm ngành sau đây sẽ hưởng lợi bao gồm: nhóm doanh nghiệp cung cấp sản phẩm cá, giáp xác, thân mềm thủy sinh thuộc nhóm nông lâm thủy sản; nhóm doanh nghiệp chế phẩm từ thịt cá gay động vật giáp xác, nhóm doanh nghiệp cung cấp phế liệu thực phẩm, thức ăn gia súc đã chế biến thuộc nhóm thực phẩm chế biến; nhóm doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm nhựa thuộc nhóm hoá chất và nhựa; nhóm doanh nghiệp cung cấp sản phẩm và mặt hàng bằng gỗ, than từ gỗ thuộc nhóm gỗ và các sản phẩm liên quan.
Nhóm các công ty dệt may không được hưởng lợi nhiều từ chiến tranh thương mại bởi ngay cả khi bị áp thuế kịch kim đến 25% thì sản phẩm dệt may của Việt Nam vẫn không đủ hấp dẫn so với Trung Quốc chính vì vậy khó giành thị phần từ phía Trung Quốc.