Nhân dân tệ Trung Quốc mất giá khiến tôm Việt gặp khó

Linh Nga 01/08/2019 00:41

Trong bối cảnh đồng NDT liên tục bị mất giá so với đồng USD cũng là nguyên nhân khiến giá xuất khẩu tôm từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ cao hơn.

Việt Nam đứng thứ 6 trong số các nhà cung cấp tôm chính cho Trung Quốc

Việt Nam đứng thứ 6 trong số các nhà cung cấp tôm chính cho Trung Quốc (Ảnh minh hoạ)

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) vừa cho biết, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc giảm mạnh trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 do Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu tôm từ Ấn Độ, Ecuador (lợi thế giá thấp hơn tôm Việt Nam).

Quý I/2019, nhập khẩu tôm của Trung Quốc từ Ấn Độ tăng 624% về khối lượng và 573% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Nửa đầu năm nay, xuất khẩu tôm Ecuador sang Trung Quốc tăng 224% về khối lượng và 185% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh những nguyên nhân như Trung Quốc siết chặt thương mại mậu biên, bị cạnh tranh bởi Ấn Độ và Ecuador tại thị trường Trung Quốc, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung làm xáo trộn thị trường, ảnh hưởng đến nhu cầu, đồng NDT mất giá cũng là một yếu tố gây ảnh hưởng đến xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường này.

"Trong bối cảnh đồng NDT liên tục bị mất giá so với đồng USD cũng là nguyên nhân khiến giá xuất khẩu tôm từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ cao hơn, làm giảm sức cạnh tranh của tôm Việt Nam" - VASEP nhận định.

Trong khi đó, tôm Ấn Độ đang có nguồn cung giá rẻ, còn đồng rupee bị phá giá sâu so với USD, nên chênh lệch mất giá với NDT ít hơn so với VND. Điều này khiến cho Ấn Độ sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc, còn Việt Nam chịu áp lực cạnh tranh lớn.

Do đó, mặc dù xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc tăng 10% đạt gần 47 triệu USD trong tháng 6/2019 song 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sang thị trường này giảm 4,9% đạt 233,5 triệu USD.

Theo VASEP, Trung Quốc ngày càng yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm. Có khả năng, từ ngày 1/10/2019, các lô hàng thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc đều phải có chứng thư xuất khẩu đi kèm.

Do đó, VASEP lưu ý các doanh nghiệp cần chú ý đến các yêu cầu mới về chất lượng, truy xuất nguồn gốc cũng như các quy định, tiêu chuẩn về bao bì, ghi nhãn hàng hóa và mã vạch vùng miền để xuất khẩu bền vững cũng như nâng cao giá trị gia tăng.

Đối với mặt hàng tôm, muốn tăng sức cạnh tranh, người nuôi tôm cần hướng tới nuôi tôm sạch đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế thị trường yêu cầu như ASC, BAP…để dễ thâm nhập vào các hệ thống phân phối thủy sản cao cấp của Trung Quốc.

Trung Quốc vốn là một trong 4 thị trường có giá trị nhập khẩu thủy sản Việt Nam trên 1 tỷ USD một năm và được đánh giá là một trong những thị trường quan trọng, có tiềm năng tiêu thụ thủy sản lớn.

Tuy nhiên, sau khi tăng mạnh gần 50% giá trị nhập khẩu thủy sản Việt Nam năm 2017 với gần 1,3 tỷ USD, năm 2018 xuất khẩu sang thị trường này giảm 5% còn 1,2 tỷ USD; đến quý I/2019 tiếp tục giảm thêm 5% và chỉ đạt 239 triệu USD.  

Hiện, có hơn 150 doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc, trong đó có khoảng 45 đơn vị xuất khẩu cá tra, basa và gần 50 công ty bán tôm, cùng một số doanh nghiệp hải sản khác. 

Mặc dù vẫn đứng thứ 4 trong top các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam, nhưng tỷ trọng của thị trường Trung Quốc trong tổng xuất khẩu thủy sản Việt Nam giảm rõ rệt từ 15% năm 2017 xuống còn 14% năm 2018 và tiếp tục xuống 12% trong quý I/2019.

Linh Nga