Nhà đầu tư nào sẽ đủ điều kiện tham gia mạng đấu thầu tổng thể?
Nhà đầu tư phải am hiểu quy trình, nghiệp vụ đấu thầu theo quy định của pháp luật Việt Nam với giải pháp xây dựng hệ thống hiện đại, an toàn, dễ sử dụng...
Nhằm tăng cường tính hiệu quả, quy mô và chất lượng của hoạt động đấu thầu qua mạng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành quy định về lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng giai đoạn 2019-2025 trên cơ sở tính chất gói thầu và xây dựng hệ thống tổng thể theo mô hình đối tác công tư (PPP).
Liên quan đến nội dung này, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu về mạng đấu thầu tổng thể.
- Thưa ông, được biết, việc xây dựng hệ thống tổng thể này sẽ có nhiều tiện ích mới hơn. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về hệ thống tổng thể này?
Hiện nay, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia bao gồm 04 chức năng: cổng thông tin điện tử, quản lý người dùng, đấu thầu điện tử,và hỗ trợ người dùng.
Hệ thống tổng thể sau khi hoàn thiện sẽ bao gồm 11 chức năng, mở rộng thêm 7 chức năng mới so với Hệ thống hiện tại: văn bản điện tử, cơ sở dữ liệu nhà thầu,danh mục sản phẩm, mua sắm điện tử,thanh toán điện tử,bảo lãnh điện tử và quản lý hợp đồng điện tử.
Hệ thống mới sẽ tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ và tin học hóa tối đa các thủ tục trong tổ chức lựa chọn nhà thầu, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại có tính bảo mật cao; tương thích với các trình duyệt phổ biến (Firefox, Chrome, Cốc cốc…) và thân thiện hơn với người sử dụng.
Đồng thời, hệ thống mới sẽ kết nối với hệ thống ngân hàng, kho bạc, đăng ký kinh doanh, thuế, Tòa án và các cơ quan khác để tạo thành một trục kết nối tổng thể đem lại những tiện ích lớn cho công tác đấu thầu, giảm thiểu thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, nâng cao tính minh bạch trong tổ chức và đánh giá các cuộc thầu.
- Trên thế giới hiện có nhiều mô hình PPP trong đầu tư xây dựng hệ thống đấu thầu qua mạng, vậy Việt Nam sẽ triển khai theo cơ chế hợp tác như thế nào, thưa ông?
Hệ thống tổng thể được thực hiện theo mô hình đối tác công tư (PPP), cụ thể là loại hợp đồng xây dựng – vận hành – chuyển giao (BOT). Thời gian thực hiện dự án: 13 năm. Trong đó, giai đoạn thiết kế và xây dựng hệ thống là 1,5 năm; giai đoạn vận hành, thu chi phí sử dụng dịch vụ là 11,5 năm.
Dự kiến Hệ thống mới sẽ được bắt đầu xây dựng trong năm 2019 và đi vào hoạt động từ năm 2021 đảm bảo đáp ứng lộ trình đấu thầu qua mạng đến 2025.
Sau khi kết thúc giai đoạn xây dựng Hệ thống, nhà đầu tư sẽ được thu 04 loại chi phí để bồi hoàn chi phí đầu tư ban đầu bao gồm: Chi phí nộp hồ sơ dự thầu, chi phí nộp hồ sơ đề xuất, chi phí trúng thầu, chi phí sử dụng hợp đồng điện tử.
Toàn bộ quyền quản lý và khai thác dữ liệu thuộc về phía nhà nước, doanh nghiệp dự án chỉ xây dựng, vận hành hệ thống và phải tuân thủ theo các quy tắc về bảo mật thông tin đảm bảo không có xung đột lợi ích đối với các đối tượng tham gia Hệ thống.
Ngay sau khi kết thúc thời gian thực hiện Dự án, nhà đầu tư sẽ chuyển giao toàn bộ Hệ thống đấu thầu qua mạng cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư bao gồm thiết bị phần cứng, bản quyền phần mềm, cơ sở dữ liệu đấu thầu qua mạng và tất cả các tài liệu có liên quan.
- Vậy các nhà đầu tư như thế nào sẽ đủ điều kiện tham gia vào việc xây dựng hệ thống đấu thầu qua mạng tổng thể này, thưa ông?
Trước tiên, nhà đầu tư phải có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm, có giải pháp khả thi để thực hiện dự án hiệu quả theo yêu cầu của Dự án được phê duyệt.
Bên cạnh đó nhà đầu tư phải am hiểu quy trình, nghiệp vụ đấu thầu theo quy định của pháp luật Việt Nam. Giải pháp xây dựng Hệ thống phải hiện đại, an toàn, dễ sử dụng, dễ vận hành, thân thiện với người dùng.
- Xin cám ơn ông!