Dệt may Việt ngày càng đuối sức

Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch HĐQT TCT CP may Hưng Yên 16/08/2019 11:00

6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Việt Nam chững lại. Hàng hoá sang thị trường Trung Quốc chỉ tăng nhẹ 0,3% so với cùng kỳ.

Lương tối thiểu vùng tăng khiến áp lực chi phí lao động tăng cao, trong khi đó, các thị trường đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ, Bangladesh lại đang có mức lương tối thiểu vùng thấp, lợi thế của doanh nghiệp dệt may Việt đang mất dần.

Đi ngược lại với kỳ vọng về việc hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại tự do cũng như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, doanh nghiệp dệt may đang chịu áp lực lương tối thiểu vùng tăng khiến áp lực chi phí lao động tăng cao, doanh nghiệp mất dần lợi thế. Trong khi đó, các thị trường nhập khẩu đang giảm giá đồng nội tệ khiến đầu ra giảm, trong khi chi phí đầu vào cứ tiếp tục tăng.

p/Hiện nay, ngành may mặc Việt Nam không có nhiều lợi thếp/(Ảnh: Công nhân Công ty May 10)

Hiện nay, ngành may mặc Việt Nam không có nhiều lợi thế (Ảnh: Công nhân Công ty May 10)

Lợi thế “rơi” vào tay đối thủ

Thực tế, 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Việt Nam chững lại. Hàng hoá sang thị trường Trung Quốc chỉ tăng nhẹ 0,3% so với cùng kỳ, trong khi đó, những năm trước, tăng trưởng thường ở mức 2 con số. Xuất khẩu sang EU giảm, sang Mỹ nhìn chung tăng trưởng chậm, thậm chí phải đối mặt lo ngại có thể chịu biện pháp nhằm hạn chế xuất khẩu từ nước này.

Doanh nghiệp thậm chí phải chấp nhận hạ giá 10-20% theo các đối tác, bởi “thà ăn cháo còn hơn nhịn đói”. Đầu tư nhà máy hàng trăm tỷ đồng nếu bỏ không cũng mất chi phí khấu hao, do đó, phải giữ đơn hàng và công việc cho người lao động.

Cùng với đó, nguồn thu lợi lớn của ngành dệt may Việt có tới 92% tới từ chi phí sản xuất nên tăng lương tối thiểu vùng hàng năm mức 5% cho công nhân thì lãi không còn bao nhiêu. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp nhỏ chia sẻ còn lỗ càng thêm lỗ.

Nguyên nhân của tình trạng này được lý giải bởi việc Việt Nam khó trở thành thị trường được dịch chuyển đầu tư từ chiến tranh thương mại. Theo đó, với hơn 300 tỷ USD hàng hoá mà chính quyền Donal Trump sẽ áp thuế 10% vào sản phẩm từ Trung Quốc, chúng ta chỉ được hưởng lợi nhỏ về nguyên phụ liệu.

Nhưng nhìn chung, hiện nay, ngành may mặc Việt Nam không có nhiều lợi thế hơn so với Trung Quốc. Cụ thể, về mức thuế bình quân xuất khẩu hàng dệt may từ Việt Nam vào Mỹ đang khoảng 17%, trong khi đó, hàng Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường này cũng chỉ hơn 20%, chênh lệch giữa chúng ta và Trung Quốc không nhiều lắm. Do đó, nếu nói chúng ta được hưởng lợi khi Mỹ chuyển hướng nhập khẩu các mặt hàng dệt may từ Trung Quốc về ta khả năng rất thấp.

Ở chiều ngược lại, sự chuyển hướng đầu tư của Trung Quốc sang các thị trường khác để có thể xuất hàng vào Mỹ, quốc gia này sẽ ưu tiện chọn Ấn Độ và Bangladesh. Bởi Ấn Độ hiện có trên 1 tỷ dân, chính sách của Ấn Độ gần đây đang quan tâm rất lớn cho việc bố trí lực lượng lao động vào ngành may, thậm chí bù lỗ thúc đẩy ngành may phát triển. Nhờ đó, năm 2018 Ấn Độ xuất khẩu gần 40 tỷ USD. Bangladesh cũng tương tự.

Và cái gốc là mức lương tối thiểu của hai nước cạnh tranh là Ấn Độ và Bangladesh chỉ ở mức hơn 100 USD/người/tháng. Hai thị trường này cũng có mức thuế xuất khẩu vào Mỹ thấp hơn nhiều so với Việt Nam. Do đó, khả năng cao Trung Quốc sẽ chọn hai thị trường này. Điều này có nghĩa, lợi thế của doanh nghiệp dệt may Việt Nam là không đáng kể.

Điều chỉnh tỷ giá đồng nội tệ

Để vượt qua giai đoạn khó khăn này và tạo cơ hội cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, doanh nghiệp kiến nghị không tăng lương tối thiểu vùng hàng năm kéo theo hàng loạt chi phí về lao động tăng cao.

Đồng thời, về vấn đề tỷ giá, hiện các nước xung quanh đều hạ giá đồng nội tệ của họ để cạnh tranh nhưng chúng ta cứ lấy lý do nợ công, hạ giá đồng tiền quá thấp trong khi Ấn Độ hạ gần 10%, Bangladesh cũng tương tự, nước láng giềng Trung Quốc chỉ trong vòng 1 tháng đã hạ giá gần 5%. Hàn Quốc cũng giảm mức 5%. Nếu Việt Nam cứ giữ mức này thì chúng ta sẽ trở thành thị trường để các nước bán hàng vào chúng ta mà không thể xuất khẩu đi được.

Không có con đường nào khác là giảm chi phí, giảm lãi suất cho doanh nghiệp. Bình quân mức lãi suất vay vốn của doanh nghiệp ở các nước khoảng 2,5%-4%, nhưng doanh nghiệp Việt hiện vay mức 7-10%. Mức lãi suất đã cao như vậy, cộng thêm hàng loạt các chi phí đầu vào như nguyên liệu, lao động đều tăng cao trong khi đầu ra giảm khiến các doanh nghiệp dệt may ngày càng đuối sức. Trong khi đó, vận tải hàng hoá, cảng biển cũng là điểm nghẽn.

Do đó, muốn thúc đẩy doanh nghiệp phát triển để cạnh tranh như Thủ tướng Chính phủ nói là “đồng hành cùng doanh nghiệp” thì cả hệ thống phải vào cuộc, phải mở để doanh nghiệp được tự chủ nhiều hơn.

Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch HĐQT TCT CP may Hưng Yên