Thịt lợn ngoại tràn vào Việt Nam
Mặc dù giúp giải “cơn đói” thịt lợn những tháng cuối năm, nhưng thịt lợn nhập ngoại tràn lan có nguy cơ sẽ chiếm lĩnh thị trường và “bóp chết” ngành chăn nuôi lợn trong nước.
Trung Quốc vừa quyết định hủy mua lô hàng thịt lợn từ Mỹ lớn nhất từ trước đến nay với khối lượng lên tới 14.700 tấn, vốn dự kiến nhận trong năm nay và năm sau.
Cơn “địa chấn” chưa qua…
Ông Đào Quang Vinh, Giám đốc Công ty Thực phẩm Vinh Anh lo lắng, hơn 14.000 tấn thịt lợn của Mỹ bị Trung Quốc từ chối có thể sẽ tràn sang các thị trường khác, đặc biệt là thị trường Việt Nam. Trong khi đó, thị trường thịt lợn thời gian qua đã chứng kiến cơn “địa chấn” dịch tả lợn châu Phi, giá bán lợn trong nước vẫn ở mức cao 40.000–45.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thịt lợn Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam hiện chỉ 26.000-30.000 đồng/kg.
“Mặc dù người tiêu dùng sẽ được mua sản phẩm với giá tốt, song người sản xuất sẽ chịu thiệt thòi”, ông Vinh nhấn mạnh.
Trong ngắn hạn, nhiều ý kiến cho rằng, sự gia nhập của thịt lợn Mỹ sẽ giúp giảm “cơn khát” của ngành chăn nuôi trong nước do dịch tả lợn châu Phi. Đến gần Tết nguyên đán 2020, Việt Nam có thể thiếu hụt tới 500 ngàn tấn thịt heo, chiếm gần 20% tổng nhu cầu. Cùng với đó, thị trường Trung Quốc đang tăng nhập khẩu thịt lợn từ Việt Nam.
… lại thêm đòn hiểm
Theo Công ty nghiên cứu toàn cầu Ipsos, tổng đàn nái cả nước tại thời điểm 6/2019 đã giảm tới 30% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, ngành chăn nuôi lợn khó phục hồi trong thời gian tới.
Trong khi đó, không riêng từ Mỹ, nguồn nhập khẩu thịt lợn về Việt Nam cũng đã tăng vọt trong những tháng đầu năm nay từ Đức, Ba Lan, Pháp, Canada, Tây Ban Nha... Đến nay, đã có 24 quốc gia và vùng lãnh thổ đủ điều kiện xuất khẩu thịt và sản phẩm từ thịt vào Việt Nam.
Như vậy, sự tràn lan rồi tiến tới chiếm lĩnh thị trường của nguồn thịt ngoại là có cơ sở bởi chất lượng thịt từ các thị trường nước ngoài thường được đánh giá cao cùng tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng Việt Nam.
Do đó, có ý kiến cho rằng cần tính toán kỹ nhu cầu sử dụng thịt trong nước để giới hạn lượng nhập khẩu. Bởi nếu chúng ta cho nhập khẩu ồ ạt thịt lợn lúc này, thì chỉ cần một thời gian ngắn nữa, lượng thịt nhập ngoại sẽ lấn át ngành chăn nuôi trong nước vốn đã yếu ớt lại vừa dứt cơn bạo bệnh.