Đòn bẩy xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ
Mực dù tiềm năng xuất khẩu lớn nhưng tình trạng sao chép, dập khuôn mẫu mã sản phẩm của doanh nghiệp khác vẫn xảy ra ở các làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc, Sở Công Thương Hà Nội cho biết, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các làng nghề Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để xuất khẩu, song làm sao để khách hàng biết tới lợi thế này, làm sao để gia tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu là điều quan trọng.
Bó hẹp tư duy làng nghề
Nguyên nhân của thực tế trên bởi hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp vẫn yếu về năng lực tài chính, dễ bị tác động bởi biến động của nền kinh tế, kém về mẫu mã sản phẩm, tư duy của doanh nghiệp làng nghề còn bó hẹp; sản xuất hàng loạt theo đơn hàng mẫu; không mạnh dạn bỏ tiền đầu tư vào lĩnh vực thiết kế...
Ngoài ra, đại đa số doanh nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, tiêu thụ sản phẩm chủ yếu phải qua trung gian thương mại và bán cho khách hàng quen. Chính vì quy mô hạn chế nên khó đáp ứng được những đơn đặt hàng lớn của nước ngoài, chưa tạo dựng được sự tin cậy đối với bạn hàng trong những hợp đồng lớn...
“Đây là những tồn tại cản trở sự vươn lên của các doanh nghiệp xuất khẩu ngành hàng thủ công mỹ nghệ hiện nay” - ông Hải nói.
Một yếu tố cơ bản nữa là giá trị gia tăng từ xuất khẩu những sản phẩm này chưa lớn. Đơn cử, ông Hải chia sẻ, 1 tờ giấy gấp 3D mở ra là hình ảnh chiếc ô tô, cây đàn, bông hoa hoặc tháp Eiffel, hay công trình gì đó của thế giới do một doanh nghiệp ở xã Đông Dư (giáp Bát Tràng), huyện Gia Lâm, Hà Nội bán ở Việt Nam có giá 5 USD, nhưng khi được đưa sang Pháp bán ở chân tháp Eiffel có giá tới 30 USD.
Cùng quan điểm trên, ông Vương Đình Thanh, Phó Giám đốc, Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp, Sở Công Thương Hà Nội cũng thẳng thắn cho rằng, doanh nghiệp hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam cơ bản là doanh nghiệp nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, thậm chí phần lớn là các cơ sở sản xuất làng nghề nên khả năng đầu tư cho phát triển sản xuất, đặc biệt xuất khẩu còn nhiều hạn chế. Các vấn đề như đàm phán, kết nối, phát triển mẫu mã sản phẩm, giao dịch với đối tác... cũng rất yếu.
Do nhỏ về quy mô, yếu về tài chính nên việc các doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại tại thị trường nước ngoài cũng khó khăn.
Bà Hà Thị Vinh, Giám đốc Công ty gốm sứ mỹ nghệ xuất khẩu Quang Vinh, Chủ tịch Hiệp hội thủ công mỹ nghệ làng nghề TP Hà Nội cho biết, nếu tham gia hội chợ nước ngoài, đơn cử như hội chợ Frankfurt của Đức, dù nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí, nhưng doanh nghiệp vẫn phải bỏ ra vài trăm triệu cho 1 người đi. Nhưng đi hội chợ đòi hỏi cần 3 người gồm: phiên dịch, thiết kế, giám đốc... thì số tiền rất lớn. Chính vì thế, doanh nghiệp không “mặn mà” với những chuyến xúc tiến nước ngoài.
Có thể bạn quan tâm
Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ tăng 20%/năm
00:00, 03/09/2010
Thúc đẩy xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam sang Nhật Bản
00:00, 14/04/2010
Đẩy mạnh xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ sang thị trường Mỹ
00:00, 02/05/2007
“Bệ đỡ” hỗ trợ tư vấn thiết kế sản phẩm
Để khắc phục những “lỗ hổng” này, ông Thanh cho biết, Sở Công thương Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương thông qua các kỳ hội chợ trong nước. Điển hình, Hanoi Gift Show được tổ chức thường niên hàng năm, trong đó hỗ trợ 100% chi phí tham gia hội chợ cho các doanh nghiệp, mời các nhà mua nước ngoài đến tham quan, đàm phán.
Mặt khác, từ năm 2018, Sở tổ chức hoạt động kết nối kinh doanh, kết nối nhu cầu nhập khẩu của các doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước trước khi hội chợ diễn ra, sau đó để hai bên trao đổi, đàm phán trực tiếp. Khi ra đến hội chợ hai bên chỉ xem xét mẫu mã nhằm rút ngắn thời gian đàm phán ký kết hợp đồng.
Hàng năm, Sở Công Thương phối hợp với các trường Đại học Ngoại thương, Đại học ngoại ngữ, Đại học Hà Nội... bố trí 30 sinh viên xuất sắc tiếng Anh, tiếng Nhật hỗ trợ phiên dịch cho các cơ sở sản xuất không có khả năng ngoại ngữ trong giao dịch, đàm phán với các đối tác nước ngoài.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng bố trí đưa các nhà nhập khẩu nước ngoài đến tham quan làng nghề, trong đó có những làng nghề nổi tiếng nhằm quảng bá sản phẩm, xúc tiến xuất khẩu. Phối hợp với Hội đồng Anh cử chuyên gia tư vấn thiết kế đến hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.
Theo bà Vinh thì, thông qua các kỳ hội chợ trong nước, các nhà sản xuất Việt Nam tìm được nhiều cơ hội cho những ý tưởng thiết kế mới của mình. Việc xúc tiến thương mại tại chỗ, mời các nhà nhập khẩu đến rất quan trọng với các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Một mặt giúp doanh nghiệp tiết giảm được chi phí, mặt khác giúp doanh nghiệp tiếp cận trực tiếp với khách hàng, dẫn khách hàng tham quan nhà máy, qua đó họ đánh giá năng lực sản xuất, biết được điểm mạnh của sản phẩm Việt Nam.
Qua đó, doanh nghiệp rút ra được điểm yếu của mình từ những đánh giá, phản ánh tại chỗ của khách hàng. Khi đó doanh nghiệp Việt Nam sẽ có những ý tưởng thiết kế sáng tạo mới, hoàn thiện hơn cho chiến lược phát triển sản phẩm, mẫu mã, hợp lý hoá trong sản xuất, đáp ứng yêu cầu của thị trường nước ngoài.
Bổ sung thêm, ông Thanh bộc bạch, Sở sẽ đưa đẩy mạnh hỗ trợ điểm yếu về thiết kế mẫu mã cho các doanh nghiệp làng nghề thủ công mỹ nghệ bằng việc thành lập trung tâm thiết kế sáng tạo. “Dự kiến, Trung tâm thiết kế đổi mới sáng tạo sẽ được thí điểm trong năm nay ở làng gốm Bát Tràng. Nếu hiệu quả sẽ tiếp tục triển khai với sản phẩm đồ gỗ và sơn mài” - ông Thanh nhận định.