Bán vốn lớn sao cho hiệu quả?

Mỹ Ý 01/09/2019 13:02

Ngoài bán vốn theo phương pháp dựng sổ, 93 doanh nghiệp Nhà nước lớn đã có chủ trương thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020 vẫn cần nhiều yếu tố bổ trợ để tăng lực hấp dẫn nhà đầu tư.

Trong quá trình cổ phần hóa, thực tế ở tại nhiểu doanh nghiệp Nhà nước, tài sản đất đai luôn chiếm giá trị lớn. Định giá đất đai như thế nào để chính xác, hiệu quả có thể nói là một vấn đề đối với cổ phần hóa DNNN.

p/Số doanh nghiệp nhà nước cần bán vốn qua các năm.p/Nguồn: Bộ KHĐT

Số doanh nghiệp nhà nước cần bán vốn qua các năm. Nguồn: Bộ KHĐT

Đất đai: Định giá sao cho đúng và đủ?

Năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 126/2017/NĐ-CP, theo đó yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa phải hoàn thành phương án sử dụng đất đai và sắp xếp về nhà đất, trước thời điểm quyết định cổ phần hóa. Phương án sử dụng đất phải phù hợp với kế hoạch sử dụng đất của địa phương, phù hợp với ngành nghề sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và phải được sử dụng đúng mục đích, sử dụng đất do địa phương phê duyệt.

Nghị định này cũng quy định, trường hợp doanh nghiệp sử dụng không đúng mục đích, chưa phù hợp với quy hoạch thì Nhà nước thu hồi và doanh nghiệp phải trả lại cho nhà nước để sử dụng vào mục đích khác kinh doanh hiệu quả hơn.

Nghị định này cũng quy định tham chiếu giá đất được giao, giá trị đất thuê trả tiền một lần của doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa đều được tính vào giá trị doanh nghiệp và các doanh nghiệp phải chuyển sang thuế đất trả tiền hàng năm theo đúng quy định. Đối với trường hợp thoái vốn nhà nước thì giá trị quyền sử dụng đất thuê phải được tính vào giá khởi điểm trước khi đấu giá theo Nghị định 32 năm 2018 của Chính phủ.

Quy định là khá rõ tuy nhiên trên thực tế, vẫn xuất hiện các trường hợp doanh nghiệp bị hoãn thực hiện cổ phần hóa do vướng mắc định giá đất đai, giá trị đất đai chưa phản ánh đủ trên sổ sách hay có vướng mắc pháp lý khiến định giá xong, bán cổ phần xong, nhà đầu tư không thể làm được sổ chuyển quyền sử dụng đất…

Đây là những ví dụ mà ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính “điểm” ra từ thực tế hoạt động cổ phần hóa của DNNN. Cũng cần phải nói thêm rằng, định giá đất công trong cổ phần hóa DNNN đang trở thành điểm nóng và khiến nhà đầu tư quan ngại hơn bao giờ hết.

TGĐ một tổ chức đầu tư lớn trên thị trường khẳng định khi các trường hợp bán vốn cổ phần dù hoàn tất nhưng nhà đầu tư vấn phải trả lại cổ phần cho Nhà nước và nhận tiền hoàn hoặc chịu bị rà soát các dự án được phát triển từ nguồn gốc đất công như những tiền lệ, thì việc định giá đất đai tại các doanh nghiệp sở hữu nhiều giá trị /lợi thế từ đất trong thời gian tới càng cần phải rõ ràng, minh bạch”.

Ông này cũng cho rằng các tổ chức sẵn sàng bỏ chi phí để mời định giá độc lập là các tổ chức định giá quốc tế tại các DNNN của Việt Nam nhằm xác định được những giá trị doanh nghiệp phản ánh vào trong vốn hóa doanh nghiệp có thể đấu giá. Quan trọng là các DNNN có sẵn sàng mở cửa và hợp tác, cho nhà đầu tư được rộng đường khảo sát hay không.

Niêm yết liền và ngay: Hay, nhưng…

Quan ngại với trạng thái “kéo dây cao su” dài vô thời hạn đối với lộ trình niêm yết sau IPO và cổ phần hóa DNNN, một doanh nghiệp nói rằng những cam kết của DNNN hậu cổ phần cần phải có thêm một cam kết. Đó là nếu doanh nghiệp không thực hiện được việc đưa doanh nghiệp lên sàn niêm yết sau cổ phần hóa như Nhà nước đã có quy định, thì nên có cam kết chịu trách nhiệm cụ thể như bồi hoàn cho nhà đầu tư đã bỏ thầu, trúng giá mua cổ phần ra sao, với từng thời gian kéo dài thì có tỷ lệ nào.

Đây cũng là một trong những điểm nhấn để nhà đầu tư có thể nhìn thấy được lộ trình và khả năng thoái vốn hoặc nắm giữ cổ phần doanh nghiệp dài hạn tùy theo thời gian cam kết nắm giữ và hợp tác chiến lược hoặc không.

Hiện, vị này nói, những trường hợp DNNN hậu cổ phần hóa đã lên sàn UPCOM, với quy chuẩn về công bố thông tin sơ giản hơn so với 2 sàn niêm yết chính thức và giao dịch rất thấp, tính thanh khoản cổ phiếu cũng hạn chế hơn… là một hình thức niêm yết cho có, đối phó với cam kêt niêm yết cổ phiếu doanh nghiệp.

Mới nhất, tại Quyết định 26/2019/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục Doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã quy định rõ trách nhiệm Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế, tổng công ty.

Nhưng cần nhớ là trước đó Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị 01/2019/CT-TTg vào đầu năm với cầu cụ thể cả việc xác định rõ trách nhiệm cá nhân lẫn chế tài xử lý theo hưởng đủ mạnh, xử lý nghiêm các vi phạm, không để tái diễn. Thực tế lại ghi nhận rõ ràng trong 8 tháng qua, hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn DNNN cũng không thấy có trường hợp quy trách nhiệm, rà soát áp chế tài cho trường hợp chậm trễ, trì hoàn so với lộ trình CPH tại doanh nghiệp nào.

Mỹ Ý