TS Nguyễn Sĩ Dũng: “Mô hình nhà nước kiến tạo phát triển sẽ giúp Việt Nam hóa rồng”

Huyền Trang 19/09/2019 11:05

TS Nguyễn Sĩ Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ khẳng định, mô hình nhà nước kiến tạo sẽ là sự lựa chọn phù hợp nhất với Việt Nam.

Diễn đàn thường niên về Cải cách và Phát triển lần thứ Hai năm 2019 (VRDF 2019) với chủ đề “Việt Nam: Khát vọng thịnh vượng - Ưu tiên và Hành động” đang diễn ra tại Hà Nội. 

Có thể bạn quan tâm

  • Việt Nam có mọi tiềm năng để duy trì thành công nhưng cần cải cách táo bạo

    10:24, 19/09/2019

"Việt Nam như con nhộng lột xác nửa vời"

Tại Diễn đàn, ông Dũng cho biết, hiện tại tổ chức bộ máy nhà nước Việt Nam hiện nay có rất nhiều vấn đề, song tựu trung có 4 vấn đề lớn: một hệ thống mà hai tiêu chuẩn; phương thức vận hành chưa rõ theo mô hình nhà nước kiến tạo phát triển hay nhà nước điều chỉnh; không phân định hành pháp chính trị và hành chính công vụ; phân quyền cho địa phương không theo Hiến pháp.

Theo đó, vấn đề thứ nhất là một hệ thống mà hai tiêu chuẩn. Ông Dũng cho hay trong quá trình cải cách từ năm 1986 đến nay, Việt Nam đã có nhiều cải cách; đặc biệt về chính trị, Việt Nam cải cách hơn Trung Quốc khá nhiều.

Hiến pháp Việt Nam quy định quyền lập pháp thuộc về Quốc hội, quyền hành pháp thuộc về Chính phủ, quyền tư pháp thuộc về Tòa án và nói rõ các cơ quan quyền lực nhà nước kiểm soát lẫn nhau.

“Đó là hệ chuẩn rất mới. Nhưng về cơ bản, ta vẫn nằm trong hệ chuẩn Xô viết. Những chiếc xe cũ kỹ của Xô viết vẫn vận hành. Bộ máy của Việt Nam khác Trung Quốc ở chỗ: một nửa theo hệ chuẩn pháp quyền, một nửa theo hệ chuẩn Xô viết.

Tôi thấy rằng, Việt Nam chúng ta đang giống với "con nhộng lột xác có một nửa". Quan trọng là ta chọn một hệ chuẩn thôi và sắp xếp bộ máy theo hệ chuẩn đó. Ta đã lột xác được một nửa thì nên lột xác tiếp, hơn là đắp lại lớp vỏ cũ”, ông Dũng nói.

TS Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyên Phó Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ.

TS Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyên Phó Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ.

Vấn đề thứ hai là sau khi từ bỏ nhà nước kế hoạch hóa, Việt Nam nên vận hành theo hệ chuẩn nào, nguyên tắc nào? Ông Dũng cho hay có hai mô hình: nhà nước kiến tạo phát triển và nhà nước điều chỉnh. Giai đoạn vừa rồi, Việt Nam đã nói nhiều về mô hình nhà nước kiến tạo phát triển – như mô hình của Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc. “Tuy nhiên chúng ta lại đang hành xử theo mô hình nhà nước điều chỉnh của Anh, của Mỹ. Càng ngày nhà nước càng thể hiện rõ mô hình điều chỉnh”.

Ông Dũng cho rằng nếu theo mô hình nhà nước điều chỉnh, Việt Nam sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, vì văn hóa của Việt Nam khác với Anh, Mỹ. Việt Nam chuyển từ kế hoạch hóa tập trung sang thị trường thì mô hình nhà nước kiến tạo phát triển phù hợp hơn, bởi đây là mô hình chuyển tiếp. Ở mô hình này, vai trò của nhà nước trong hoạch định rất quan trọng. Trung Quốc đã theo mô hình này và phát triển như vũ bão.

“Ta nói theo mô hình kiến tạo mà lại vận hành theo mô hình điều chỉnh, đó là vấn đề rất lớn. Tôi kiến nghị hãy theo mô hình của Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Văn hóa Đông Bắc Á là nền tảng để mô hình nhà nước kiến tạo phát triển thành công”, ông Dũng đánh giá.

Vấn đề thứ ba mà ông Dũng nêu lên là việc lẫn lộn giữa hành pháp chính trị và hành chính công vụ. Theo ông Dũng, "hiện Bộ trưởng được gọi là Tư lệnh ngành – tức là người điều hành mà chưa thực sự là một người hoạch định chính sách".

Vấn đề thứ tư, theo TS Dũng, là việc phân quyền cho chính quyền địa phương chưa thực sự tuân theo quy định của Hiến pháp. Hiến pháp quy định việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương: “... trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương và của mỗi cấp chính quyền địa phương” (khoản 2, Điều 112).

Từ quy định này có thể thấy: những vấn đề gì đã thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước ở trung ương sẽ không thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương, những gì thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền cấp này sẽ không thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền cấp khác.

Quy định của Hiến pháp thể hiện rất rõ quan điểm phân quyền theo chiều dọc, phân quyền giữa trung ương và địa phương, giữa chính quyền địa phương các cấp. Việc phân quyền được xác định trong các đạo luật nhằm bảo đảm tính ổn định của hoạt động nhà nước, hoạt động của các cấp chính quyền, bảo đảm cho tính năng động, sáng tạo và trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Dẫn chứng vụ cháy Nhà máy Rạng Đông không rõ trách nhiệm là cấp nào, ông Dũng đề nghị phải phân quyền cho địa phương, ưu tiên địa phương, để cho địa phương xác lập. "Phân quyền cho địa phương thì đất nước sẽ thịnh vượng nhanh hơn rất nhiều", ông Dũng nói.

Ông Dũng cho biết, thế giới có 4 mô hình: song trùng giám sát, song trùng trực thuộc. Bên cạnh đó còn có mô hình bổ trợ, "tôi khuyến nghị theo mô hình này: cấp dưới làm được gì thì cho cấp dưới làm, không làm được mới chuyển lên cấp trên" - ông nói.

Nhà nước kiến tạo là mô hình phù hợp với Việt Nam

Để giải quyết các vấn đề trên, đồng thời để Việt Nam có thể hóa rồng, ông Dũng cho rằng Việt Nam nên lựa chọn mô hình nhà nước kiến tạo phát triển.

“Do là một nước có nền tảng văn hóa của Đông Bắc Á, mô hình nhà nước kiến tạo phát triển có thể là tối ưu cho Việt Nam”, ông Dũng nhấn mạnh.

Thật ra, theo ông, kể từ Đại hội VI của Đảng, chúng ta đã thật sự từ bỏ mô hình nhà nước kế hoạch hóa tập trung, mà đi theo mô hình nhà nước kiến tạo phát triển. Đảng và Nhà nước đã đề ra đường lối công nghiệp hóa đất nước, đã công nhận cơ chế thị trường, nhưng vẫn coi trọng vai trò quản lý của Nhà nước.

Sáng nay (19/10) Diễn đàn thường niên về Cải cách và Phát triển lần thứ Hai năm 2019 (VRDF 2019) với chủ đề “Việt Nam: Khát vọng thịnh vượng - Ưu tiên và Hành động” đã được tổ chức tại Hà Nội.

Sáng nay (19/10) Diễn đàn thường niên về Cải cách và Phát triển lần thứ Hai năm 2019 (VRDF 2019) với chủ đề “Việt Nam: Khát vọng thịnh vượng - Ưu tiên và Hành động” đã được tổ chức tại Hà Nội.

Sự lựa chọn mô hình nhà nước kiến tạo phát triển, theo ông Dũng đã đưa lại sự phát triển và thịnh vượng cho rất nhiều quốc gia.

"Đây là điều không thể chối cãi. Trong điều kiện các doanh nghiệp của nước ta làm ăn khó khăn như hiện nay, có lẽ đây cũng là cách làm rất cần thiết. Và sự lựa chọn đúng đắn hơn cho đất nước ta vì vậy có vẻ vẫn là mô hình nhà nước kiến tạo phát triển (theo mô hình các quốc gia Đông Bắc Á) chứ không hẳn là mô hình nhà nước điều chỉnh (theo kiểu Anh-Mỹ)”, ông Dũng nói.

Huyền Trang