Việt Nam phải làm gì để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình?

Đỗ Huyền 19/09/2019 16:54

Theo nhiều chuyên gia khẳng định, để vượt qua bẫy thu nhập trung bình thì Việt Nam cần có giải pháp cụ thể để thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng suất...

Hôm nay (19/9) Diễn đàn thường niên về Cải cách và Phát triển lần thứ Hai năm 2019 (VRDF 2019) với chủ đề “Việt Nam: Khát vọng thịnh vượng - Ưu tiên và Hành động” được tổ chức tại Hà Nội. 

Một trong những chủ đề được quan tâm tại Diễn đàn lần này chính là việc làm thế nào để Việt Nam vượt bẫy thu nhập trung bình.

Có thể bạn quan tâm

  • Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Việt Nam có niềm tin thành công và khát vọng phát triển"

    16:29, 19/09/2019

  • Chuyên gia ngoại “hiến kế” để Việt Nam thịnh vượng

    14:21, 19/09/2019

  • VRDF 2019: Việt Nam cần làm gì để vượt qua "bẫy thu nhập trung bình"?

    11:24, 19/09/2019

  • TS Nguyễn Sĩ Dũng: “Mô hình nhà nước kiến tạo phát triển sẽ giúp Việt Nam hóa rồng”

    11:05, 19/09/2019

Quan tâm tới đào tạo nghề

Tại Diễn đàn ông K. Yogeevaran, nguyên Thứ trưởng Bộ Công nghiệp trồng trọt và Hàng hóa Malaysia, cho biết đất nước ông chỉ mất 26 năm để nâng cấp nền kinh tế từ thu nhập thấp lên thu nhập cao.

cxz

Ông K. Yogeevaran, nguyên Thứ trưởng Bộ Công nghiệp trồng trọt và Hàng hóa Malaysia

“Chúng tôi đã mất 27 năm để đi từ một nền kinh tế thu nhập thấp lên thu nhập trung bình, và mất 22 năm để đi từ một nền kinh tế có thu nhập trung bình lên thu nhập cao. Để làm được điều này, song song với việc đào tạo đại học chúng tôi đã đào tạo nghề. Với Việt Nam tôi cho rằng, các bạn cũng nên tập trung vào đào tạo nghề thay vì chỉ tập trung vào đào tạo Đại học như hiện nay”, ông K. Yogeevaran đưa ra khuyến nghị.

Bởi theo quan điểm của ông K. Yogeevaran, việc chỉ chú trọng vào đào tạo đại học mà không quan tâm đến đào tạo nghề sẽ tạo ra sự mất cân đối ở thị trường lao động.

“Trước khi vượt qua bẫy thu nhập trung bình, chúng tôi chỉ tập trung vào đạo tạo đại học. Khi ấy, có tới 48% nhân lực là lao động có kỹ năng, trong khi nhu cầu của thị trường chỉ là 5%. Điều này cũng dẫn tới tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ tương đối cao, do đối tượng này thường được đào tạo bài bản ở bậc đại học. Chúng tôi đã sai khi thúc đẩy đào tạo nhiều vào bậc đại học mà lơ là đào tạo nghề. Tới đây, chúng tôi sẽ tập trung nhiều vào đào tạo nghề”, ông K. Yogeevaran thừa nhận. 

Cũng theo ông K. Yogeevaran để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam phải giải quyết đươc vấn đề năng suất: “Vấn đề năng suất phải được xử lý ở cả 3 cấp, bao gồm cấp độ can thiệp là quốc gia, ngành và doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp phải đóng vai trò tiên phong và có vai trò quan trọng”, ông K. Yogeevaran nói.

Đồng thời, ông K. Yogeevaran cũng cho rằng, để trở thành quốc gia có thu nhập cao, chúng tôi xác định, phải tăng cường vào vốn con người; chuyển đổi sang các ngành phức hợp và giá trị cao trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ cho chế tạo và chế biến; giải quyết chênh lệch thu nhập và bất cân đối vùng miền để phát triển bao trùm; tăng cường bền vững môi trường qua tăng trưởng xanh; cải cách thể chế và quản trị nhà nước; nâng cao năng suất ở cả 3 cấp độ can thiệp là quốc gia, ngành và doanh nghiệp; và đổi mới sáng tạo để hướng tới thịnh vượng.

Phát triển gắn với giảm thiểu tác động môi trường

Ông Jan Rielaender, Trưởng Bộ phận Đánh giá quốc gia đa chiều (MDCR) của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho rằng, các khu vực khác nhau ở Việt Nam có chênh lệch lớn về tốc độ phát triển và Việt Nam cần có giải pháp cụ thể để thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng suất để khắc phục tình trạng này.

Giá trị GDP của Việt Nam đạt ở mức trung bình nên để vượt qua bẫy thu nhập trung bình thì Việt Nam phải giải quyết được bài toán này. 

Ông Jan Rielaender, Trưởng Bộ phận Đánh giá quốc gia đa chiều (MDCR) của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD)

Ông Jan Rielaender, Trưởng Bộ phận Đánh giá quốc gia đa chiều (MDCR) của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) 

Theo ông Jan Rielaender, vấn đề việc làm hay ô nhiễm môi trường do tăng trưởng nhanh gây ra đang là thách thức đáng kể đối với nền kinh tế. Biến đổi khí hậu ngày càng trở thành vấn đề đáng lo ngại như hạn hán… ảnh hưởng tới tăng trưởng GDP.

Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách phải có kế hoạch phát triển gắn với giảm thiểu tác động môi trường, đặc biệt ở các thành phố lớn cũng là vấn đề mà Việt Nam phải quan tâm giải quyết.

Về mặt thể chế, Việt Nam cần cải thiện tính minh bạch và khả đoán trong việc thực thi pháp luật, để doanh nghiệp nắm bắt thị trường vận hành ra sao và cho đúng theo quy định pháp luật.

"OECD đang cố gắng xây dựng và cung cấp khung ưu tiên cho phía Việt Nam, trong đó đề cập đến việc tập trung liên kết các thành phần trong chuỗi giá trị, tăng cường kết nối giữa khu vực công - tư, ưu tiên cho đầu tư giáo dục, đảm bảo bền vững môi trường", ông Jan Rielaender nói.

Đỗ Huyền